Theo ghi nhận của P.V, ngày 10/3, tại các thôn Nam Sơn, Lệ Sơn (xã Hòa Tiến) và các xã Hòa Khương, Hòa Phong của huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), tình hình giao dịch đất tuy có giảm so với mấy ngày trước nhưng vẫn còn khá sôi động.
Môi giới nhà đất náo loạn tại địa bàn các xã của huyện Hòa Vang, Đà Nẵng.
"Cò" nhà đất làm loạn
Đặc biệt, theo điều tra của P.V, có trường hợp môi giới ("cò" đất) còn lộng hành đến mức tự đóng cọc tre “phân lô” vườn, ruộng của người dân để chờ người đến hỏi mua nhằm kiếm tiền môi giới.
Bà S. (trú xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) cho biết, đất ruộng của gia đình bà bị “cò” tự tiện đóng cọc phân lô mà không có sự đồng ý của gia đình.
“Tôi hỏi vì sao tự ý bán đất gia đình tôi thì những người này bảo họ cắm cọc, nếu có ai hỏi mua, giá cao thì bác cứ bán chứ làm hoa màu cả năm được mấy triệu đồng. Tôi không đồng ý, yêu cầu nhổ cọc vì gia đình không có nhu cầu bán đất”, bá S. nói.
Cũng theo bà S., trước Tết Nguyên đán, giá đất ở đây chỉ mức khoảng 200 triệu đồng/lô (100 m²) thì nay con số này đã đội lên 700 - 800 triệu đồng, thậm chí 1 tỷ đồng. Vì giá tăng đột biến nên nhiều người đã cắt bớt đất ruộng, vườn bán.
“Tôi nghe người ta nói ở đây sẽ triển khai dự án trường đua ngựa rồi chia tách huyện để thành lập quận mới nên giá đất tăng. Vậy là cả tuần nay người từ khắp nơi đổ về săn tìm đất khiến làng trên xóm dưới loạn cả lên”, bà S. nói.
Dù đã được cảnh báo nhưng tại thôn Lệ Sơn (xã Hòa Tiến) đất đai vẫn “nhảy múa” không tưởng. Các nhóm “cò” đã thổi giá đất tăng gấp 8 đến 10 lần, từ 200 triệu đồng lên 800 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng/lô đất 100 m².
Giá cao, nhiều mảnh đất hoang hóa, trong ngõ hẻm bỏ không lâu nay được rao bán với giá tiền tỷ. Khắp đường làng, ngõ xóm, các “cò” quần thảo liên tục.
Khắp đường làng ngõ xóm thuộc các xã của huyện Hòa Vang những ngày qua đầy rẫy bảng rao bán đất.
Mấy ngày nay, tại các phường Điện Nam, Điện Ngọc, Điện Dương (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) cũng chứng kiến giá đất tăng khủng khiếp, nhất là khu vực Điện Nam, Điện Ngọc. Theo khảo sát, từ sau Tết đến nay, giá đất đã tăng gấp 3 đến 4 lần.
Nguyên nhân là “cò” đồn thổi một số đơn vị hành chính của thị xã Điện Bàn sẽ sáp nhập về TP. Đà Nẵng. Bên cạnh đó, các đối tượng còn tung tin tại địa phương này đang triển khai những dự án “khủng” nhằm thu hút sự chú ý của người dân, đẩy giá đất.
Tung thông tin giả mạo để thổi giá đất
Thị trường đất “hỗn loạn” buộc lãnh đạo các địa phương của Đà Nẵng và Quảng Nam phải ra văn bản cảnh báo về các thông tin sai lệch, đồn thổi.
Thông tin từ UBND thị xã Điện Bàn ngày 10/3 cho biết, một số đối tượng tung tin trên các trang mạng xã hội như một số đơn vị cấp xã của thị xã sẽ sáp nhập vào TP. Đà Nẵng, địa phương sắp triển khai những dự án hàng trăm tỷ đồng... là bịa đặt nhằm thổi giá đất.
Chính những nhóm này cũng mua đi bán lại đất bằng hợp đồng đặt cọc ảo để đánh lừa nhà đầu tư, người dân có nhu cầu mua đất, gây “sốt ảo” giá đất để thu lợi, gây nhiễu loạn thị trường, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Sốt đất bất thường, nhiều khu đất hoang hóa được rao bán với giá cả tỷ đồng.
Những thông tin về việc khởi động lại dự án làng đại học hay thúc đẩy xây dựng khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, mở rộng TP. Đà Nẵng… đã trở thành chiêu trò để giới đầu cơ đẩy giá lên.
Lãnh đạo UBND thị xã Điện Bàn khẳng định, tất cả dự án tại Điện Nam - Điện Ngọc chỉ mới bắt đầu, còn rất nhiều thủ tục cần hoàn tất như vốn, giải tỏa đền bù...
Cụ thể, UBND thị xã Điện Bàn đã đề nghị UBND tỉnh việc quy hoạch trung tâm đô thị hành chính mới Đại học Điện Nam - Điện Ngọc diện tích khoảng 190 ha. Tuy nhiên, trước mắt phải có khu ở mới 130 ha thì mới quay lại giải phóng mặt bằng Làng Đại học được vì phải di dời hơn 1.500 hộ dân ở đây vào khu mới.
“Sau khi làm quy hoạch xong thị xã sẽ báo cáo UBND tỉnh để trình Chính phủ tìm nguồn vốn đầu tư nên dự án này cần rất nhiều thời gian. Do đó, người dân hãy cẩn thận trước thông tin về dự án Làng Đại học khởi động nhằm đẩy giá đất lên”, lãnh đạo thị xã Điện Bàn nói.
Chiêu trò tung tin Đà Nẵng thành lập quận mới để thổi giá của "cò" đất.
Trước đó, UBND huyện Hòa Vang đã có công văn gửi các xã tuyên truyền cho người dân cảnh giác với giới “cò” đổ xô về các vùng nông thôn “hét” giá nhằm tạo ra cơn sốt đất ảo.
Bên cạnh đó, Sở Nội vụ Đà Nẵng cũng ra văn bản thông báo không có chuyện tách huyện Hòa Vang để thành lập quận Hiếu Đức như trang mạng đăng tải.
Cùng với đó, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường Đà Nẵng cũng phát đi nhiều văn bản cảnh báo người dân về tình trạng sốt đất ảo trong những ngày qua.