Có phải cứ nói khó là nên bỏ?
Kiến nghị của VGTA trình lên Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) là nhằm huy động 500 tấn vàng (ước tính) nằm “dưới gối” người dân để đầu tư phát triển kinh tế.
Nhiều ý kiến cho rằng thành lập sàn vàng Quốc gia là thiếu tính khả thi, có nguy cơ làm cho hiện tượng “vàng hóa” trong dân trở lại.
Như vậy sẽ gây ra nhiều khó khăn cho nền kinh tế hơn là thúc đẩy phát triển.
Tuy nhiên, có phải cứ nói khó là nên bỏ?
TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng có quan điểm khác với nhiều ý kiến “bàn lùi” trong mấy ngày qua.
Ông Hiếu khẳng định không có cơ sở nào để nói rằng việc thành lập sàn vàng tạo ra nhiều khó khăn hơn là thuận lợi cho nền kinh tế, hay hành động này sẽ làm tăng nguy cơ “vàng hóa” trong dân.
Hiện tượng “vàng hóa” là nhắc tới việc trước đây làm gì người ta cũng nghĩ tới mang vàng ra để quy đổi.
Ông Hiếu đưa ví dụ: Trước đây, người dân dùng vàng làm phương tiện “đong đếm” khi mua nhà, mua xe, cưới vợ…
Tuy nhiên, tình trạng này đã được chấm dứt từ lâu. Và việc lập sàn vàng sẽ không thể làm cho tình trạng này quay lại.
TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng có quan điểm khác với nhiều ý kiến “bàn lùi”về việc thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia
Không những thế, ông Hiếu nhận định: “Việc thành lập sàn vàng quốc gia sẽ tạo môi trường thông thoáng, làm cho mọi giao dịch vàng chuyên nghiệp và minh bạch hơn” bởi hiện các giao dịch vàng chính thức của nước ta là thông qua các tiệm vàng, ngân hàng.
Tuy nhiên, một nửa trong số các giao dịch vàng lại là hoạt động ngầm, không được kiểm soát. Đây mới chính là nguyên nhân gây gây ra sự bất ổn của thị trường vàng.
Để tạo sự ổn định của thị trường, việc thành lập sàn vàng quốc gia sẽ là phương án tốt.
“Nếu chưa bắt tay vào nghiên cứu thực hiện đã kết luận rằng việc mở sàn giao dịch vàng quốc gia có thể làm cho nguy cơ vàng hóa quay trở lại sau nỗ lực ổn định hơn 20 năm qua, thì đó là suy nghĩ vội vàng, phiến diện và thiếu thực tế”, ông Hiếu nhận định.
Phải chấp nhận đánh đổi
Để hình thành sàn vàng chuyên nghiệp, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chúng ta cũng phải chấp nhận đầu tư những chi phí ban đầu cần thiết như cơ sở vật chất, nhân lực hay các phí tổn hoạt động.
Song ông khẳng định sẽ không gây “lãng phí khổng lồ” như nhiều ý kiến đánh giá.
“Khi thành lập sàn vàng nhất thiết chúng ta phải có máy móc, thiết bị đầy đủ để phục vụ cho nó.
Những chi phí này tất nhiên là nhà nước phải bỏ ra để có được một sàn giao dịch chuyên nghiệp và chuẩn mực”, ông cho biết thêm.
Bên cạnh đó, sau khoản chi phí ban đầu bỏ ra, thì lợi ích thu về cũng không phải nhỏ.
Lợi ích trước mắt có thể nhìn thấy là chúng ta sẽ huy động được mấy trăm tấn vàng cho nền kinh tế với hình thức mua bán công khai một cách rộng rãi.
“Không những thế, Chính phủ còn có thể thu thuế cho những giao dịch này và làm giảm trừ các giao dịch vàng lậu. Thế chẳng phải là Chính phủ sẽ được lợi hay sao!”, ông Hiếu tỏ ra lạc quan.
Trấn an trước lo ngại về việc tốn nhiều chi phí cho việc “rải” sàn vàng ở khắp nơi, ông Hiếu cho rằng chúng ta không nên suy diễn rằng để huy động vàng sẽ phải thành lập sàn vàng ở tận cơ sở, địa phương để thu mua.
Việc tổ chức thực hiện thực ra đơn giản hơn nhiều. Chỉ cần có sàn vàng giao dịch ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.
Sau đó sử dụng các chuyên gia giao dịch, “chân rết” của các nhà giao dịch để xây dựng sàn vàng, ông Hiếu hiến kế.
Trước câu hỏi: Ai là người phát hành chứng chỉ vàng?, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng chỉ nên cấp quyền cho NHNN đứng ra huy động và cấp chứng chỉ vàng, còn các NHTM thì không được phép.
Tuy nhiên, NHNN có thể ủy thác cho một số NHTM huy động hộ và lưu giữ hộ.
Khi đưa phương án thành lập sàn vàng, dĩ nhiên NHNN sẽ phải đưa ra những dự kiến, kế hoạch về cách thức huy động như thế nào, lộ trình, những quy định cụ thể...
Đó sẽ là việc quan trọng đầu tiên NHNN phải làm nếu như chấp thuận phương án. Do đó, chớ thấy khó đã vội bàn lùi, sẽ làm “đóng băng” một nguồn lực đáng kể trong nền kinh tế!