Thời gian qua, đã có 48 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 1,09 tỷ USD đầu tư vào KKT Đông Nam Nghê An
UBND tỉnh Nghệ An vừa thông qua đề án Khu kinh tế Đông Nam đến năm 2025. Mục tiêu của đề án nhằm xây dựng và phát triển Khu kinh tế Đông Nam thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh Nghệ An, có sức hấp dẫn và cạnh tranh cao trong khu vực Bắc Trung Bộ.
Cụ thể, đến năm 2025 thực hiện điều chỉnh ranh giới Khu kinh tế Đông Nam lên 80.000 ha (bao gồm 70.000ha mặt đất và 10.000 ha mặt nước biển). Trong đó, diện tích khu công nghiệp khoảng 15.000 ha, đổi tên thành Khu kinh tế Nghệ An.
Bên cạnh đó, Ban quản lý KKT Đông Nam sẽ nghiên cứu quy hoạch và thành lập Khu kinh tế cửa Khẩu Thanh Thủy với diện tích tự nhiên khoảng 21.500 ha, quy hoạch phát triển 10 đến 12 Khu công nghiệp ngoài Khu kinh tế với diện tích tự nhiên khoảng 4.500 ha.
Giai đoạn 2021 – 2025, KKT Đông Nam phấn đấu thu hút đầu tư 100 đến 120 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 75.000 – 90.000 tỷ đồng. Trong đó vốn đầu tư nước ngoài khoảng 2,26 tỷ USD. Vốn đầu tư thực hiện ước đạt trên 60% so với vốn đầu tư đăng ký.
Ngoài ra, thu ngân sách trong Khu kinh tế Đông Nam, các Khu công nghiệp đến năm 2025 chiếm khoảng 20 - 25% tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh. giải quyết việc làm cho người lao động khoảng 80.000 - 100.000 người. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện Đề án giai đoạn 2021-2025 là khoảng 19.912,7 tỷ đồng.
Được biết, KKT Đông Nam hiện có tổng diện tích gần 21 nghìn ha. Trong giai đoạn 2016-2020, thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những kết quả rất tích cực, bước đầu thu hút một số dự án có quy mô lớn, có tính động lực phát triển. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp hằng năm đóng góp từ 10 - 12% tổng thu ngân sách tỉnh.
Tính đến tháng 9/2021, KKT Đông Nam và các KCN tỉnh Nghệ An có 253 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đạt 69.943,1 tỷ đồng (tương đương 3,02 tỷ USD). Trong đó, có 48 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 1,09 tỷ USD, 205 dự án trong nước (DDI) với tổng vốn đăng ký đạt 44.755,5 tỷ đồng (tương đương 1,93 tỷ USD) Hiện đã có 130 doanh nghiệp đi vào hoạt động.
Trong 2 năm gần đây (năm 2019 và 2020), các KCN VSIP, WHA thuộc KKT Đông Nam đã thu hút thành công một số nhà đầu tư FDI có tổng vốn đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghệ, như: Everwin (200 triệu USD), Luxshare ICT (140 triệu USD), Goertek Vina (100 triệu USD), Mery&Luxshare (40 triệu USD).
Ban Quản lý KKT Đông Nam đã điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án KCN WHA Industrial Zone Nghệ An, điều chỉnh 16 lượt dự án, trong đó có 3 dự án điều chỉnh tăng vốn, với tổng vốn điều chỉnh tăng thêm đạt 302,83 tỷ đồng. Hiện Ban quản lý KKT đang tập trung hỗ trợ để cấp phép đầu tư cho dự án Ju Teng (200 triệu USD) đề xuất đầu tư vào KCN Hoàng Mai 1.
Khu công nghiệp WHA Industrial Zone Nghệ An có tổng mức đầu tư 22 nghìn tỷ đồng sẽ mang tới nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, mô hình phát triển của Khu kinh tế Đông Nam đã bắt đầu bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, quy hoạch chưa theo sát được nhu cầu đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.
Theo ông Lê Tiến Trị, Giám đốc Ban Quản lý KKT Đông Nam, theo thời gian, quy hoạch chung KKT Đông Nam đã bộc lộ nhiều điểm bất cập như thiếu quỹ đất phát triển khu công nghiệp, khu phi thuế quan không còn phù hợp; một số khu chức năng khác khó triển khai do sự gia tăng dân cư hiện hữu trong vùng quy hoạch, thiếu quy hoạch mỏ đất san lấp hạ tầng khu công nghiệp.
Ngoài ra, một số khu công nghiệp ngoài KKT Đông Nam đã quy hoạch gần 10 năm nhưng chưa có nhà đầu tư hạ tầng hoặc không có nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư.
Công tác quản lý, giám sát, kiểm tra thực hiện quy hoạch xây dựng chưa được triển khai thường xuyên và phối hợp đồng bộ, kịp thời với các cơ quan, địa phương liên quan, vẫn còn tình trạng dự án triển khai vi phạm về quy hoạch trật tự xây dựng.
Bên cạnh đó KKT Đông Nam vẫn chưa thu hút được nhiều dự án có quy mô lớn mang tính động lực phát triển, tiến độ triển khai các dự án sau cấp phép còn thấp; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa đồng bộ, hợp lý.