Tình hình Việt Nam trước khi Pháp đánh chiếm Bắc Kì
Ngay sau khi chiếm được ba tỉnh miền Đông Nam Kì, thực dân Pháp đã bắt tay ngay vào việc thiết lập bộ máy thống trị và tiến hành bóc lột về kinh tế nhằm biến nơi đây thành bàn đạp để đánh chiếm Cam-pu-chia, rồi chiếm nốt ba tỉnh miền Tây Nam Kì.
Pháp xây dựng bộ máy cai trị có tính chất quân sự từ trên xuống dưới, đẩy mạnh chính sách bóc lột bằng tô thuế, cướp đoạt ruộng đất của nông dân, ra sức vơ vét lúa gạo để xuất khẩu, mỏ trường đào tạo tay sai, xuất bản báo chí nhằm tuyên truyền cho kế hoạch xâm lược sắp tới.
Bản đồ Hà Nội.
Trong khi đó, triều đình Huế vẫn tiếp tục thi hành các chính sách đối nội, đối ngoại lỗi thời.
Triều đình ra sức vơ vét tiền của trong nhân dân để phục vụ cho cuộc sống xa hoa và bồi thường chiến phí cho Pháp. Các ngành kinh tế nông, công, thương nghiệp bị sa sút. Tài chính thiếu hụt. Binh lực suy yếu. Đời sống nhân dân cơ cực. Hàng loạt cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra bị đàn áp dữ dội. Đối vói Pháp, triều đình tiếp tục muốn thương lượng để chia sẻ quyền thống trị.
Thực dân Pháp đánh chiếm Bắc Kì lần thứ nhất (1873)
Lợi dụng việc triều đình Huế nhờ đem tàu ra vùng biển Hạ Long đánh dẹp cướp biển và do nhiều nguồn tiền, chủ yếu của bọn gián điệp đội lốt giáo sĩ cung cấp, thực dân Pháp đã nắm được tình hình Bắc Kì. Từ cuối năm 1872, chúng cho tên lái buôn Đuy-puy vào gây rối ở Hà Nội. Tiếp đó, lấy cớ giải quyết vụ Đuy-puy, hơn 200 quân Pháp do Gác-ni-ê chỉ huy từ Sài Gòn kéo ra Bắc.
Sáng ngày 20 - 11 - 1873, quân Pháp nổ súng đánh thành Hà Nội.
7000 quân triều đình, dưới sự chỉ huy của Nguyễn Tri Phương, cố gắng cản giặc nhưng thất bại. Buổi trưa, thành mất. Nguyễn Tri Phương bị thương. Bị giặc bắt, ông nhịn ăn mà chết.
Quân Pháp đánh thành Hà Nội 1873
Trong vòng chưa đầy một tháng, Pháp cho quân tỏa đi chiếm Hải Dương, Hưng Yên, Phủ Lí, Ninh Bình, Nam Định.
Kháng chiến ở Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Kì (1873 - 1874)
Ngay khi quân Pháp kéo đến Hà Nội, nhân dân ta đã anh dũng đứng lên kháng chiến.
Đêm đêm, các toán nghĩa binh bí mật vào thành phố quấy rối địch. Kho đạn của chúng phía bờ sông bị đốt cháy. Một đội nghĩa binh, dưới sự chỉ huy của viên Chưởng cơ, chặn đánh địch quyết liệt ở của ô Thanh Hà. Họ đã hi sinh đến người cuối cùng. Khi giặc chiếm được tỉnh thành Hà Nội, tổ chức Nghĩa hội của những người yêu nước được thành lập.
Tại các tỉnh đông bằng, đi tới đâu quân Pháp cũng vấp phải sự kháng cự của nhân dân ta. Ở Thái Bình, có căn cứ kháng chiến của cha con ông Nguyễn Mậu Kiến. Tại Phong Doanh (Ý Yên, Nam Định), có căn cứ kháng chiến của Phạm Vân Nghị...
Thấy lực lượng của địch ở Hà Nội tương đối yếu, quân ta khép chặt vòng vây. Ngày 21 - 12 - 1873, khi quân Pháp đánh ra cầu Giấy, chúng đã bị đội quân của Hoàng Tá Viêm phối hợp với quân Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc phục kích. Gác-ni-ê cùng nhiều sĩ quan thực dân và binh lính bị giết tại trận.
Chiến thắng Cầu Giấy khiến quân Pháp hoang mang, còn quân dân ta thì phấn khởi, càng hăng hái đánh giặc.
Giữa lúc đó, triều đình Huế lại kí với thực dân Pháp Hiệp ước Giáp Túất (15-3- 1874). Theo đó, Pháp sẽ rút quân khỏi Bắc Ki, còn triều đình thì chính thức thừa nhận sáu tỉnh Nam Kì hoàn toàn thuộc Pháp.
Hiệp ước năm Giáp Tuất đã làm mất một phần quan trọng chủ quyển lãnh thổ, ngoại giao và thương mại của Việt Nam.
Bài viết nhằm giúp cho độc giả nào chưa có điều kiện tìm hiểu lịch sử nước nhà có thêm kiến thức tham khảo, theo tinh thần "Dân ta phải biết Sử ta". Nguồn: SGK Sử lớp 8, tr. 119-120-121.