Ở Mỹ, người dùng có thể mua điện thoại với giá rất rẻ, nhờ cam kết sử dụng mạng của nhà phân phối cho đến khi hết hợp đồng, hoặc tiền mua thiết bị được khấu trừ hết. Tại thời điểm đó, người sở hữu điện thoại mới có thể yêu cầu mở khóa thiết bị để có thể chuyển sang sử dụng dịch vụ của nhà mạng khác.
Tuy nhiên, một người đàn ông tên là Muhammad Fahd không thích việc này. Để vượt qua rào cản kỹ thuật, anh đã lấy số IMEI (mã số nhận dạng thiết bị di động quốc tế) của một điện thoại từ một khách hàng tiềm năng, sau đó chuyển tiếp số đó cho một nhân viên "tay trong" tại AT&T. Người này sau đó sẽ sử dụng thông tin đăng nhập trên hệ thống của công ty để mở khóa thiết bị.
Bất chấp việc một số đồng phạm bị sa thải khỏi AT&T, Fahd luôn móc nối được với những nhân viên mới. Những người này thậm chí còn triển khai việc hack các bộ định tuyến và cài đặt mã độc để Fahd có thể mở khóa điện thoại từ xa mà không cần chuyển tiếp số IMEI cho họ.
Theo các cáo buộc từ Bộ Tư pháp Mỹ, trong hơn 5 năm qua, Fahd đã khiến cho hàng triệu điện thoại bị xóa khỏi gói dịch vụ hoặc thanh toán của nhà mạng AT&T, khiến công ty này thiệt hại hàng triệu USD. Tay trong của Fahd tại nhà mạng, cũng nhận được hơn 400.000 USD tiền hoa hồng. Còn riêng bản thân Fahd cũng kiếm số tiền đủ biến anh thành triệu phú USD.
Mãi tới năm ngoái, Fahd đã bị bắt ở Hong Kong và dẫn độ trở lại Mỹ vào tuần trước. Ba cựu nhân viên của AT&T đã nhận tội hỗ trợ, khiến cho Fahd đang phải đối mặt với một danh sách tội danh dày đặc và có thể ngồi tù lên tới 20 năm nếu bị kết tội.
Hàng triệu smartphone đã thoát khỏi ràng buộc với nhà mạng AT&T trước hạn.
Tuy nhiên, có một yếu tố giúp giảm tội danh của Fahd. Đó là trong thời gian phạm tội, từ 2012 tới 2017, tổng thống Barack Obama đã ký Đạo luật cạnh tranh trong lĩnh vực mạng không dây, buộc các nhà mạng phải tuân thủ yêu cầu của người dùng khi muốn mở khóa thiết bị để chuyển sang nhà mạng khác, miễn là thiết bị đã được thanh toán hết chi phí. Vì vậy, dù Fahd có thể đã vi phạm luật và kiếm được rất nhiều tiền phạm pháp, anh cũng đồng thời cung cấp một dịch vụ quan trọng cho người dùng, điều mà các nhà mạng không đáp ứng vào thời điểm đó.
Phía AT&T cũng mới đưa ra tuyên bố, nói rằng sự cố trên không liên quan đến bất kỳ sự truy cập hoặc xâm phạm thông tin nào, cũng như không gây ảnh hưởng đến khách hàng dưới bất kỳ hình thức nào.
Tham khảo Gizmodo