Mô hình xử lý rác thải thực phẩm của Hàn Quốc: Kinh nghiệm hữu ích cho các quốc gia

Dạ Quang |

Hàn Quốc đã xử lý gần 100% chất thải thực phẩm bằng những cách thức đơn giản, hữu hiệu trong đó có việc huy động sức mạnh người dân tham gia vào quá trình phân loại và thu gom rác thải tại nguồn... Đây là kinh nghiệm hữu ích cho nhiều quốc gia trên thế giới trong việc giải quyết bài toán xử lý rác thải thực phẩm hiện nay.

Chiếc túi nhựa màu vàng chuyên dụng

Vài tháng một lần, bà Hwang Ae-soon (69 tuổi, sống tại Seoul) lại đến cửa hàng tiện ích gần nhà để mua những chiếc túi nhựa chuyên dụng đựng rác thải thực phẩm. Những chiếc túi này có giá 300 won (khoảng 6.000 đồng/chiếc). Từ năm 2013, người dân Hàn Quốc đã dùng những chiếc túi chuyên dụng để chứa thức ăn thừa trong nhà.

Mô hình xử lý rác thải thực phẩm của Hàn Quốc: Kinh nghiệm hữu ích cho các quốc gia - Ảnh 1.

Tại quận Geumcheon-gu, nơi gia đình bà Hwang sinh sống, việc tiếp nhận rác thực phẩm do dịch vụ thu gom rác thực hiện. Dịch vụ này diễn ra vào các ngày trong tuần trừ thứ Bảy. Bà Hwang Ae-soon và người dân chỉ cần mang chiếc túi màu vàng đựng thức ăn thừa bỏ vào một thùng chứa đặt sẵn bên vệ đường trước khi mặt trời lặn.

Những chiếc túi chứa rác thải thực phẩm màu vàng trên sẽ được chuyển đến một nhà máy xử lý. Tại nhà máy này, rác thải nhựa sẽ được phân loại và tái chế thành khí sinh học (biogas), thức ăn chăn nuôi hoặc phân bón. Một số thành phố thậm chí đã giới thiệu máy thu gom rác thải thực phẩm tự động đặt trong các khu chung cư. Chiếc máy này cho phép người dân bỏ túi rác và quẹt thẻ để thanh toán phí dựa trên trọng lượng thực tế.

Kết quả thực tế mà mô hình này đã cho thấy những hiệu quả vượt trội. Nếu năm 1996, Hàn Quốc mới chỉ tái chế được 2,6% chất thải thực phẩm trong khi ngày nay, nước này đã có khả năng tái chế gần 100% lượng rác thải thực phẩm hàng năm nhờ hệ thống thu gom tại nguồn hết sức thuận tiện.

Dễ tiếp cận, dễ sử dụng - bí quyết thành công của Hàn Quốc

Xử lý rác thải thực phẩm đang là vấn đề nan giải tại nhiều quốc gia trên thế giới. Theo thống kê, mỗi năm thế giới thải ra khoảng 1,3 tỷ tấn thực phẩm các loại. Hai khu vực thải rác thực phẩm lớn nhất thế giới là châu Âu và Bắc Mỹ. Trong khi đó, theo ước tính của tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), bình quân số rác thực phẩm của 2 khu vực này là 95 - 115 kg/năm, tùy theo từng nước. Cũng theo FAO, còn khoảng 1 tỷ người thiếu đói trên thế giới và chỉ cần chưa đầy 1/4 lượng rác thực phẩm của châu Âu và Mỹ là đủ để họ no bụng.

Ngân hàng Thế giới từng cảnh báo, số lượng chất thải rắn mà loài người thải ra sẽ tăng từ 1,3 tỷ tấn hiện nay lên 2,2 tỷ tấn vào năm 2025, chi phí quản lý chất thải trên toàn cầu tăng từ 205 tỷ USD lên 375 tỷ USD/năm. Và nếu không có chiến lược xử lý, tái chế rác thải ở các thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh và các quốc gia thu nhập thấp, việc xảy ra cuộc khủng hoảng rác là khó tránh khỏi.

Diễn đàn Kinh tế thế giới mới đây đã xác lập mục tiêu đến năm 2030 cắt giảm 20 triệu tấn rác thực phẩm như là 1 trong 12 giải pháp tối ưu hóa hệ thống thực phẩm toàn cầu. Thực hiện mục tiêu này, Hàn Quốc được nêu danh ở vị trí dẫn đầu hiện tại, với hơn 95% thực phẩm thừa được xử lý tái chế. Thành công và kinh nghiệm từ xử lý rác thải thực phẩm của Hàn Quốc là mô hình hữu ích mà nhiều quốc gia có thể tham khảo, triển khai.

Theo nhiều chuyên gia, dễ tiếp cận và dễ sử dụng là hai yếu tố quan trọng quyết định thành công của mô hình thu gom rác thải thực phẩm tại nguồn mà Hàn Quốc đang áp dụng.

Mô hình xử lý rác thải thực phẩm của Hàn Quốc: Kinh nghiệm hữu ích cho các quốc gia - Ảnh 2.

Công nhân phân loại rác tại một nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt. Ảnh: Jung Yeon-Je/AFP/Getty Images.

Ông Hong Su-yeol, một người dân Hàn Quốc cho rằng: Việc thu gom rác thải đối với người dân nên được thực hiện theo những cách đơn giản và thuận tiện nhất. Ngoài ra cần lưu ý đến sự cân bằng trong việc chia sẻ chi phí của chính quyền và khả năng chi trả của người dân. Trọng lượng của chất thải thực phẩm thường nặng do có độ ẩm cao khiến việc vận chuyển trở nên tốn kém hơn. Chính vì vậy, tại Hàn Quốc, doanh thu từ việc bán những chiếc túi màu vàng được chính quyền quận thu để giúp bù đắp chi phí của quá trình thu gom và vận chuyển này.

Việc người dân mua những chiếc túi rác đặt biệt trên có thể được coi là hành động đóng thuế trả theo nhu cầu thải rác sinh hoạt của mỗi gia đình. Ở quận Geumcheon-gu, số tiền chính quyền thu được từ việc bán túi rác đặc biệt đã giúp trang trải khoảng 35% tổng chi phí phục vụ quá trình thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt hàng năm của quận.

Bà Madeline Keating, cố vấn chiến lược đô thị của Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên (NRDC), một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế vận động bảo vệ môi trường có trụ sở chính tại New York (Mỹ) cho biết, khi nói đến tái chế chất hữu cơ đô thị ở quy mô lớn thì sự tiện lợi và hiệu quả về chi phí là điều cần thiết để thu hút ý chí chính trị và sự tham gia của người dân một cách hiệu quả và bền vững.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại