Mô hình 'thành phố có mọi thứ bạn cần trong vòng 15 phút' gây tranh cãi

Bảo Hà |

Trong "thành phố 15 phút", người dân có thể tiếp cận mọi dịch vụ tiện ích trong phạm vi 15 phút đi bộ hoặc đi xe đạp từ nhà.

Mô hình thành phố có mọi thứ bạn cần trong vòng 15 phút gây tranh cãi - Ảnh 1.

Người dân đi xe đạp trong một "siêu khu phố" ở Tây Ban Nha. Ảnh: AFP

Duncan Enright – một chính trị gia tại thành phố Oxford (Anh) – không bao giờ tưởng tượng nổi bản thân mình có ngày phải nhận những lời đe dọa tính mạng vì tham gia vào một dự án thí điểm giảm tải giao thông tại thành phố.

Dự án "thành phố 15 phút" được thiết kế để giảm tải người dân tham gia lưu thông trên các tuyến đường thành phố chật chội trong giờ cao điểm. Người dân muốn tham gia giao thông vào khung giờ đó trên những tuyến phố quy định cần phải có giấy phép thông xe khi đi qua các trạm và sẽ có máy quay kiểm tra.

Duncan cho biết những lời đe dọa nhắm vào mình đều xuất phát từ những người không có mối liên hệ nào với thành phố Oxford. Nhiều người họ thậm chí còn không sinh sống tại Anh.

Họ cáo buộc Duncan muốn giam giữ mọi người trong khu phố của họ và cho rằng anh là một phần của âm mưu quốc tế ác độc nhằm kiểm soát sự di chuyển của mọi người nhân danh nghĩa hành động vì khí hậu.

“Tình trạng thật đáng báo động. Tôi thực sự chưa từng gặp bất cứ điều gì như vậy trong nhiều năm làm việc ở chính quyền địa phương”, Duncan bức xúc với đài truyền hình CNN.

"Thành phố 15 phút" là gì?

Mô hình “thành phố 15 phút” khá đơn giản: Mọi việc bạn cần làm là nên di chuyển trong khu vực mình sinh sống trong phạm vi 15 phút đi bộ hoặc đạp xe từ nhà, từ việc đến trường, phòng khám đến thư giãn tại không gian xanh hoặc tới cửa hàng tiện lợi.

Mục đích của mô hình là làm cho các thành phố trở nên đáng sống và kết nối hơn, với việc sử dụng ô tô cá nhân ít hơn, đồng nghĩa với không khí sạch hơn, đường phố xanh hơn và mức độ ô nhiễm làm nóng Trái Đất thấp hơn. Khoảng 1/5 lượng thải ô nhiễm do con người gây ra, với khí thải từ phương tiện giao thông như ô tô chiếm hơn 40%.

Carlos Moreno, Giáo sư tại Đại học Sorbonne ở Pháp, được ghi nhận là người đầu tiên đặt ra thuật ngữ "thành phố 15 phút" song mô hình này không phải là mới.

“Ý tưởng này lấy cảm hứng từ nhiều nhà đô thị học, bắt đầu từ Jane Jacobs, người trong những thập kỷ qua đã ủng hộ môi trường đô thị nhỏ gọn, thuận tiện cho việc đi bộ”, Alessia Calafiore - giảng viên Khoa học Dữ liệu Đô thị và Tính bền vững tại Đại học Edinburgh – chia sẻ.

Mô hình này đã thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế. Tại Paris, Thị trưởng Anne Hidalgo đã dùng mô hình này cho chiến dịch tái tranh cử năm 2020 dựa trên kế hoạch tạo ra các thành phố 15 phút. Kế hoạch bao gồm cấm xe ô tô từ di chuyển quanh các khu vực của sông Seine, thêm hàng trăm kilomet đường dành cho xe đạp và tạo ra các công viên nhỏ.

Tại Canada, chính quyền thành phố Ottawa đã đề xuất các khu vực lân cận 15 phút, trong khi thành phố Melbourne ở Australia có kế hoạch triển khai các khu phố 20 phút và Barcelona ​​​​ở Tây Ban Nha đã và đang thực hiện chiến lược các "siêu khu phố" không có ô tô.

Ngay cả một số thành phố của Mỹ cũng đã lên ý tưởng này. Hơn 10 năm trước, chính quyền thành phố Portland đã đề xuất các khu phố 20 phút, trong khi mới đây thành phố O'Fallon (bang Illinois) công bố chiến lược phát triển từ một cộng đồng ngoại ô điển hình thành một cộng đồng có mọi thứ bạn cần trong vòng 15 phút.

Việc phong tỏa do đại dịch COVID-19 đã giúp thúc đẩy sự phổ biến của mô hình này vì mọi người bị giới hạn trong khu vực lân cận. “Chúng ta bắt đầu nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc sống trong những khu vực có tiện ích đầy đủ”, giảng viên Calafiore nói.

Tuy nhiên, khi được đưa lên Internet, khái niệm “thành phố 15 phút” lại vấp phải làn sóng chỉ trích từ một bộ phận cư dân mạng.

Những người này cho rằng ý tưởng “thành phố 15 phút” sẽ dẫn đến tình trạng mọi người sẽ bị phạt nếu rời khỏi khu vực của họ hoặc khu phố sẽ biến thành “đô thị giam giữ”.

Đầu tháng 2, Nick Fletcher – một chính trị gia Vương quốc Anh - đã nêu ra mô hình này trước Quốc hội và tuyên bố mô hình sẽ khiến người dân mất tự do cá nhân.

Bên cạnh đó, xuất hiện nhiều lời chỉ trích khi cho rằng các thành phố 15 phút làm gia tăng thêm sự bất bình đẳng hiện có giữa các khu vực giàu và nghèo.

Theo Carlo Ratti - một kiến ​​trúc sư, kỹ sư và Giáo sư tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), những người này có phần đúng khi cho rằng mô hình không thể tạo ra một thành phố thực sự từ những khu vực sống khép kín.

Tuy nhiên, họ đã hiểu sai ý tưởng này. “Mô hình cho phép mọi người tự do sống tại khu vực mình sinh sống, nhưng không bắt buộc họ phải làm như vậy”, Giáo sư Carlo cho hay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại