Chim gõ kiến là một loài động vật kỳ lạ đối với con người, chẳng vậy mà chúng có thể xuất hiện trong bất cứ loạt phim hoạt hình nào dành cho trẻ nhỏ, từ Woody Woodpecker, Donald Duck cho đến Tom and Jerry.
Nhưng hãy đảm bảo con bạn không bắt chước loài chim này, đập mỏ của chúng vào thân cây 12.000 lần mỗi ngày. Bởi chỉ có chim gõ kiến mới làm được điều đó, trong thế giới động vật không có loài nào đập mỏ vào một thân gỗ 20 lần mỗi giây, với tốc độ tương đương 25,2 km/h mà vẫn có thể rút nó ra một cách lành lặn.
Cho nên, ngay cả các nhà khoa học cũng có rất nhiều câu hỏi muốn đặt ra cho loài chim kỳ dị này: Tại sao chúng phải đập mỏ vào thân cây? Chim gõ kiến có bị đau đầu khi làm thế hay không? Và nếu như một chiếc đinh đóng vào gỗ sẽ ngay lập tức bị kẹt lại, tại sao mỏ của chim gõ kiến không bị như vậy?
Chim gõ kiến mổ thân cây làm gì?
Có một lầm tưởng phổ biến rằng chim gõ kiến mổ thân gỗ để kiếm ăn. Càng nhầm lẫn hơn nữa khi một số người nghĩ rằng chúng ăn mùn cưa hoặc vụn gỗ. Thực tế là:
Trong khi một số loài chim gõ kiến, giống như tên gọi của chúng, thỉnh thoảng mới đập mỏ vào thân cây để xua đuổi côn trùng hoặc khoan lỗ lấy nhựa, đại đa số các loài chim gõ kiến khác và những lần chúng đập mỏ vào thân cây chẳng liên quan đến chuyện ăn uống.
Lý do mà chim gõ kiến gõ mỏ vào thân gỗ là để giao tiếp, tiếng động cộng hưởng từ thân gỗ là một hình thức giúp chúng đánh dấu lãnh thổ hoặc thu hút bạn tình. Cả chim gõ kiến cái và đực đều gõ mỏ để gửi tín hiệu đến cho đối tác tiềm năng của mình, những con chim mà chúng có thể giao phối.
Trong một số trường hợp, chim gõ kiến chọn một thân cây rỗng và mổ mạnh vào đó để xua đuổi kẻ thù, một kẻ săn mồi tiềm năng đang đe dọa chúng. Hoặc chim gõ kiến cũng có thể đục lỗ trên thân cây để làm tổ.
Còn khi muốn kiếm ăn, chim gõ kiến chỉ đơn giản dùng mỏ nhẹ nhàng nhặt côn trùng như các loài chim khác. Một số loài chim gõ kiến thậm chí ăn chay, với chế độ ăn bao gồm nhựa cây, quả hạch, hạt giống hoặc quả mọng và mật hoa.
Chim gõ kiến có bị đau đầu khi mổ cây hay không?
Các chấn động xảy ra trên đầu luôn tiềm ẩn một nguy cơ gây choáng váng, đau hoặc thậm chí chấn thương sọ não. Các nghiên cứu chim gõ kiến cho thấy mỗi ngày chúng có thể gõ vào thân gỗ từ 8.000 đến 12.000 lần.
Với tốc độ 7m/s, lực mà chim gõ kiến tác động vào thân cây sau mỗi cú mổ của chúng có thể gấp 1.200 lần lực hấp dẫn (1.200g). Trong so sánh, một lực 80g tác động lên đầu con người đã có thể gây ra chấn động não. Vậy làm thế nào mà chim gõ kiến có thể chịu được một lực lớn gấp 15 lần mà vẫn không bị sao?
Chim gõ kiến có thể mổ thân gỗ với tốc độ 7m/s tạo ra một lực 1.200g
Một nhóm các nhà khoa học gồm bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình và nhà cơ khí hàng không tại Đại học California, Mỹ đã cất công tìm hiểu câu hỏi này. Họ đã dựa trên những kiến thức khoa học vật liệu để khảo sát xương sọ, mỏ và lưỡi của chim gõ kiến rồi so sánh chúng với các loài chim khác như gà nhà.
Kết quả cho thấy xương sọ của chim gõ kiến tích tụ rất nhiều khoáng chất khiến chúng rất rắn chắc. Sọ của gõ kiến mỏng hơn đáng kể so với gà, nhưng chúng lại cứng và chắc hơn. Điều này giúp não của chim gõ kiến được bảo vệ trong những cú mổ của chúng.
Ngoài ra, ảnh quét não cho thấy chim gõ kiến có rất ít chất lỏng bao quanh não. Điều này giúp hạn chế biên độ dao động của não, giống như một quả trứng lòng đào có ít chất lỏng hơn trứng sống, chúng sẽ ổn định hơn khi gặp lực tác động mạnh.
lưỡi của chim gõ kiến hoạt động như một chiếc lò xo giảm rung chấn.
Một đặc điểm quan trọng khác nữa nằm ở lưỡi của chim gõ kiến, khiến chúng có thể hoạt động như một chiếc lò xo giảm rung chấn cho não bộ. Lưỡi của các loài chim thông thường sẽ có một lớp xương đặc bọc ngoài một lớp xương xốp ở giữa. Nhưng lưỡi của gõ kiến thì ngược lại, chúng có lớp vỏ mềm dẻo và lớp lõi cứng.
Nằm giữa hai mắt và quấn ra tận phía sau hộp sọ, chiếc lưỡi với cấu trúc hỗn hợp của vật liệu cứng và dẻo này cho phép nó hấp thụ rất nhiều tác động và rung chấn trong mỗi cú mổ của gõ kiến.
Với tất cả các sự bảo vệ cần thiết này, chim gõ kiến có thể thực hiện tập quán của chúng một cách dễ dàng mà không gây ra những ảnh hưởng lớn tới não bộ.
Đinh đóng vào gỗ sẽ kẹt lại, nhưng tại sao mỏ chim gõ kiến thì không?
Đây là một trong những câu hỏi thú vị nhất mới được giải đáp bởi các nhà khoa học tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Sinh học Tích hợp và So sánh năm 2021. Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã quay lại cảnh slow motion của một con gõ kiến khi nó đang mổ vào thân cây.
Đoạn video làm chậm cho phép họ phân tích được từng khung hình, qua đó tiết lộ bí mật của lòi chim kì lạ này. Hóa ra, mỏ của chim gõ kiến không chỉ cứng, mà phần trên và dưới của nó còn có thể di chuyển một cách độc lập với nhau.
Mỏ chim gõ kiến vì thế không giống một chiếc đinh nhọn đóng vào gỗ, mà nó làm việc giống với một con lở đảo ngược. Sau khi mỏ chim gõ kiến chạm vào gỗ, đầu của nó sẽ nghiêng rất nhẹ sang một bên, nâng phần trên của mỏ lên và xoay nó một chút theo hướng khác.
Tại sao mỏ chim gõ kiến không bị kẹt vào thân gỗ?
Lực kéo này tuy nhỏ nhưng đủ để mở ra một khoảng trống giữa đầu mỏ và phần gỗ ở đáy cú mổ. Cái hố mà chim gõ kiến tạo ra sẽ gião ra một chút cho phép chúng dễ ràng rút mỏ lại mà không bị kẹt trong thân gỗ.
Phát hiện này đã xóa bỏ niềm tin trước đây của các nhà sinh vật học, cho rằng mỏ chim gõ kiến cần được gắn chặt vào nhau trên hộp sọ thì mới có thể đục được gõ. Nhưng hóa ra, chính sự linh động của phần mỏ trên và mỏ dưới mới là thứ đảm bảo cho những con gõ kiến có thể tạo ra âm thanh "rat-a-tat-tat-tat-tat" chứ không chỉ là "rat-a-tat" và khựng lại.