Mở cửa Hải Nam: "Đòn phản công" của Trung Quốc đối với chiến lược Ấn Độ-TBD của Mỹ?

Thi Anh |

"Hải Nam là nhân tố có lợi của Trung Quốc. Nơi này phù hợp với Vành đai - Con đường về mặt địa lý, lại an toàn về mặt chính trị".

Kế hoạch mở cửa "Hawaii của Trung Quốc" làm cửa ngõ để phục vụ quan hệ kinh tế và đầu tư châu Á - Thái Bình Dương là một nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đối phó với việc Mỹ tìm cách thiết lập liên minh đối đầu Trung Quốc trong khu vực, nhiều nhà phân tích chia sẻ với SCMP.

Mở cửa "Hawaii của Trung Quốc"

Kế hoạch Hải Nam, được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiết lộ trong Diễn đàn Kinh tế Bác Ngao ở Hải Khẩu mới đây sẽ đem lại "giá trị thực" cho thương mại giữa Trung Quốc với các quốc gia ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương, nhà kinh tế học Trung Quốc Iris Pang nói.

Theo đường lối mà chính phủ Trung Quốc vạch ra và công bố cuối tuần trước, cảng thương mại tự do, dự kiến được "thành lập" tại Hải Nam tính đến năm 2025 và "hoàn thiện" tính đến năm 2035, sẽ cho phép đảo này - vốn là nhà của 9,3 triệu dân và được gọi là "Hawaii của Trung Quốc" - được hưởng lợi từ những chính sách mở cửa, tự do kinh tế và tiếp cận với thị trường.

Xây dựng Hải Nam, vốn đã là một khu vực kinh tế đặc biệt, thành một cửa ngõ quan trọng cho các nước thuộc khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đến với Trung Quốc là phù hợp với "xung hướng toàn cầu hóa kinh tế mới".

Mở cửa Hải Nam: Đòn phản công của Trung Quốc đối với chiến lược Ấn Độ-TBD của Mỹ? - Ảnh 1.

Hải Nam được coi là "Hawaii của Trung Quốc". Ảnh: Xinhua

Hòn đảo có diện tích gấp 30 lần Hong Kong này sẽ được phép phát triển năng lực công nghệ thông tin, định vị vệ tinh, trí thông minh nhân tạo, chăm sóc y tế và nghiên cứu biển sâu.

Nơi này sẽ trở thành trụ sở cho các trung tâm cải tiến ngoài khơi, cũng như trao đổi năng lượng, vận tải, mua bán phát thải carbon và hàng hóa.

Bắc Kinh cũng sẽ cho phép mở trường đua ngựa và nhiều loại hình giải trí khác trên đảo.

Đối trọng với Mỹ

Đề xuất được công bố trong bối cảnh Washington đang xây dựng liên minh của mình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm cả Ấn Độ Dương và cả các nước như Australia, Ấn Độ.

Động thái của Washington được coi là nỗ lực nhằm cân bằng với mức độ đầu tư và triển khai quân sự ngày càng gia tăng của Bắc Kinh trong khu vực, đặc biệt là thông qua kế hoạch hạ tầng đồ sộ "Vành đai - Con đường".

Manoj Joshi, một học giả tại Quỹ Nghiên cứu Quan sát ở New Delhi cho rằng kế hoạch phát triển Hải Nam là hành động đáp trả (của Trung Quốc) đối với "chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương" của Washington.

"Đó là một cơ sở hải quân chính ở cực Đông đối với Trung Quốc và Trung Quốc khá tích cực trên Ấn Độ Dương trong thập kỷ qua", ông Joshi nói, "Trung Quốc vốn đã là một cường quốc ở Ấn Độ - Thái Bình Dương. Nước này có những cam kết kinh tế đáng kể trong khu vực".

Gupreet Khurana, giám đốc điều hành Quỹ Hàng hải Quốc gia (Ấn Độ) đồng tình rằng, kế hoạch Hải Nam là đòn phản công của Trung Quốc đối với chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của chính quyền ông Trump.

Xây dựng bắt đầu nở rộ ở Hải Nam cách đây 3 thập kỷ, khi nơi này được coi là khu vực kinh tế đặc biệt, tương tự như Thâm Quyến. Giữa làn sóng phát triển đồ sộ trên đảo, Bắc Kinh đã có những biện pháp nhằm kiềm chế rủi ro tín dụng của đất nước vào năm 1993, làm tiêu tan hy vọng thúc đẩy kinh tế.

Zhang Jun, nhà kinh tế học của trung tâm tài chính Morgan Stanley Huaxin Securities cho hay, chiến lược phát triển mới nhất dành cho Hải Nam "cao hơn nhiều" so với kế hoạch hồi đầu những năm 1990.

"Kế hoạch sẽ do chính phủ trung ương tiến hành trên cơ sở xây dựng một thế lực hàng hải và thúc đẩy sáng kiến Vành đai - Con đường", ông Zhang nói.

Liu Zongyi, học giả cao cấp thuộc Học viện Quan hệ Quốc tế Thượng Hải thì cho rằng, chiến lược Hải Nam chủ yếu là kế hoạch kinh tế nhưng công nhận khả năng nơi này có thể đóng một vai trò quan trọng cho lợi ích của Trung Quốc trên biển Đông.

"Trung Quốc có căn cứ hải quân ở biển Đông, vì thế Hải Nam rất quan trọng để duy trì ổn định và hòa bình ở đó, cũng như an ninh cho nguồn lực, hoạt động xuất nhập khẩu của Trung Quốc", ông Liu nói.

Richard A. Bitzinger, học giả của Học viện Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, nhận định: Một Hải Nam phát triển hơn có thể đóng vai trò như một "xuất phát điểm tốt hơn cho quân đội Trung Quốc".

"Đảo này vốn đã là nơi đặt căn cứ chính cho tàu ngầm hạt nhân", ông Bitzinger nói, "Hải Nam là một căn cứ tốt để củng cố cơ sở quân sự của Trung Quốc trên biển Đông. Nơi này cũng đưa năng lực kinh tế và quân sự của Trung Quốc tới gần nhất có thể đối với eo Malacca, eo Singapore, và tiếp cận Ấn Độ Dương".

"Nói cách khác, Hải Nam là nhân tố có lợi của Trung Quốc. Nơi này phù hợp với Vành đai - Con đường về mặt địa lý, lại an toàn về mặt chính trị. Hiện đại hóa Hải Nam sẽ giúp Trung Quốc tăng cường hiện diện ở phía Nam".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại