Minh Nhí: "Lò đào tạo bên Hồng Vân, ý tưởng ban đầu là của tôi"

Cao Thanh Hương |

"Tôi có thể nói thẳng mà không ngại Hồng Vân giận. Lò đào tạo bên Hồng Vân, ý tưởng ban đầu là của tôi", nghệ sĩ Minh Nhí khẳng định với phóng viên.

Trong một lần trò chuyện với đạo diễn, NSƯT Nguyễn Công Ninh bảo: "Trường sân khấu mỗi năm đào tạo ra 50 diễn viên, đầu vào rất khó nên diễn viên cũng rất đẹp. Chưa kể các câu lạc bộ, các lò đào tạo tư nhân, gameshow truyền hình cứ 3 tháng cho ra lò một nhóm chuyên đóng các vai nhỏ, vai quần chúng.

Rồi những diễn viên không chuyên sau khi tham gia gameshow được công chúng biết tới cũng dấn thân vào showbiz. Nếu gom hết, một năm, TPHCM đào tạo ra không dưới 300 diễn viên. Nguồn cung ứng nghệ sĩ hiện nay quá nhiều. Showbiz đang ở trình trạng khủng hoảng thừa".

Dù diễn viên đang ở tình trạng khủng hoảng thừa nhưng các lò đào tạo diễn viên vẫn mọc lên như nấm. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn thẳng thắn với nghệ sĩ Minh Nhí – một bầu show, một "bậc thầy" về công tác đào tạo mấy chục năm qua với nhiều thế hệ học trò nổi tiếng xung quanh câu chuyện này…

Minh Nhí: Lò đào tạo bên Hồng Vân, ý tưởng ban đầu là của tôi - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Minh Nhí

Nhiều lò đào tạo chỉ muốn lấy tiền của học viên

Các lò đào tạo ở TP.HCM bây giờ nhiều quá, hình như nghệ sĩ nào cũng có thể mở lớp, đứng lớp. Bản thân anh cũng có lò đào tạo tại sân khấu Minh Nhí, anh nghĩ thế nào về câu chuyện quá tải này?

Đúng như bạn nói, bất cứ nghệ sĩ nào cũng có thể mớ lớp dạy diễn viên. Thậm chí, có những nghệ sĩ mới làm nghề cũng mở lò đào tạo. Họ chỉ cần tìm mặt bằng mở công ty, mở sân khấu hoặc sân khấu có chức năng đào tạo để gom các bạn trẻ về dạy. Tôi xin nhấn mạnh, đó là quyền của mỗi người, tôi không có ý kiến.

Tuy nhiên, chất lượng đào tạo như thế nào mới là vấn đề nên bàn luận ở đây vì mỗi lò đào tạo có một đội ngũ giảng viên riêng, một phong cách giảng dạy riêng.

Tôi chỉ dám khẳng định, bản thân tôi khi làm thầy giáo, mở lò đào tạo, tôi dạy bằng kinh nghiệm học thuật, kinh nghiệm dàn dựng và diễn xuất mấy chục năm đứng sân khấu mà tôi tích lũy được; bằng kinh nghiệm giảng dạy qua nhiều thế hệ học trò từ trường Nghệ thuật Sân khấu 2 đến bây giờ. 

Tôi đổ hết tâm huyết cho những ai chọn tôi làm thầy.

Các em đi học cũng giống như bỏ tiền ra đi chợ. Các em phải biết chợ nào bán đồ nào, đồ có ngon hay không. Ăn thua là ở học viên phải sáng suốt, phải tìm hiểu nghiên cứu, lò đào tạo nào thực sự uy tín chứ không nghe quảng cáo một chiều từ trung tâm đó.

Xin được hỏi anh một câu tế nhị, hầu hết các nghệ sĩ khi mở lò đào tạo đều hứa hẹn đầu ra, được tham gia gameshow này, bộ phim kia... nhằm thu hút học viên. Còn anh?

Tôi không hứa. Tôi biết, hứa hẹn đầu ra là một lợi thế nhưng học trò bây giờ rất thông minh. Một vài tháng đầu, các em có thể còn ngơ ngác để bị lời hứa dẫn đi nhưng sau 3, 4 tháng, nhiều nhất là 6 tháng... nếu thấy không đúng, các em sẽ bỏ học. Và khi bỏ là bỏ hàng loạt.

Hiện nay, sân khấu Minh Nhí đang tạm ngưng hoạt động vì chưa có tuồng mới. Sân khấu tập trung cho thuê và đào tạo. Đó là bất lợi của tôi nhưng về lâu dài, tôi sẽ tìm một nơi lớn hơn để chuyên biểu diễn còn nơi này sẽ dùng để phục vụ công tác giảng dạy và làm sân khấu học đường cho các em.

Minh Nhí: Lò đào tạo bên Hồng Vân, ý tưởng ban đầu là của tôi - Ảnh 2.

Nghệ sĩ Minh Nhí trong giờ lên lớp.

Cá nhân tôi nghĩ rằng, có nhiều lò đào tạo như hiện nay vì nghệ sĩ chăm chăm làm ăn, kinh doanh chứ không phải bỏ tâm huyết đề đào tạo ra một thế hệ diễn viên vàng thật sự cho tương lai…?

Tôi biết nhiều lò đạo tạo chỉ muốn lấy tiền của học viên nhưng ở đây, tôi, Thanh Thủy và Hữu Châu luôn xem học trò như con. Các thầy cô dạy dỗ, chỉ bảo tới nơi tới chốn chứ không phải lúc nào cũng chăm bẵm, lôi kéo học trò của mình vào phim này, vào chương trình kia.

Tôi tự hào mình từng là giảng viên chính thức của trường Nghệ thuật Sân khấu 2. Đi làm nghề, nổi tiếng và quay trở về trường giảng dạy. Từ đó tới nay là mấy chục năm, đã dạy bao nhiêu thế hệ học trò và rất nhiều trò nổi tiếng.

Sân khấu Minh Nhí có thể giỏi chỗ này dở chỗ kia nhưng đào tạo nằm trong máu tôi rồi. Ai muốn làm thầy cứ làm, ai muốn mở lớp đào tạo cứ mở, tôi không tham gia ý kiến. Tôi cứ làm tròn công việc của tôi trong vai trò một người thầy – một người nghệ sĩ đúng nghĩa.

Tại sao học trò của tôi từng học nhiều nơi nhưng cuối cùng lại tụ về đây? Tôi biết, nhiều lò đào tạo để giữ chân học viên nên hứa hẹn đầu ra cho các em, hứa cho các em làm cái này làm cái kia dù tay nghề chưa có.

Đó cũng là lý do mà Hữu Châu nuôi hoài bão mở lớp dạy chuyên sâu cho những diễn viên đã và đang làm nghề nhưng kỹ năng biểu diễn còn non. Các bạn đó sẽ phải qua một kỳ thi tuyển do chính Hữu Châu, Thanh Thuỷ và tôi chấm rồi mới được chọn vào học.

Ai cũng có thể làm thầy nhưng không phải ai làm thầy cũng được

Có vẻ như anh đang rất liều lĩnh. Bởi vì nghệ sĩ cái tôi thường rất lớn. Những diễn viên đã làm nghề, đã tham gia thi gameshow, ít nhiều được khán giả biết tới... họ có sự sĩ diện của mình. Sẽ rất khó để họ hạ cái tôi của họ xuống mà đi học như vậy. Khi mở lớp này, anh có nghĩ tới trường hợp đó không?

Tôi không kêu gọi. Bạn nào cảm thấy mình đủ thực lực rồi thì thôi. Bạn nào cảm thấy cần thiết phải trau dồi thêm Kỹ thuật biểu diễn và Tiếng nói sân khấu thì hãy đi học. Còn học được cái gì thì các bạn phải học mới biết.

Minh Nhí: Lò đào tạo bên Hồng Vân, ý tưởng ban đầu là của tôi - Ảnh 3.

Và trong ngày khoá K1MN thi học kỳ 1

Tôi, Thanh Thuỷ và Hữu Châu đã ngồi bàn với nhau, mở lớp đào tạo chuyên sâu thì chúng tôi dạy cái gì. Ví dụ, diễn ước lệ, diễn tả thật, diễn giãn cách, diễn chiều sâu đào sâu vào tính cách nhân vật như thế nào, phân tích nhân vật ra sao.

Đi sâu vào Tiếng nói sân khấu với lời nội tâm, lời bộc bạch, lời thì thầm thì như thế nào để khi không cần nói mà khán giả vẫn biết mình định nói gì.

Tôi dám chắc chắn rằng trong trường Sân khấu điện ảnh cũng không dạy kỹ như vậy. Các lò đào tạo hiện nay lại càng không.

Dẫu là quán quân gameshow, muốn học lớp chuyên sâu cũng phải qua thi tuyển. Đó là thử thách để biết các bạn có vượt qua được cái tôi của mình hay không. Và hiện tại, khá nhiều diễn viên trẻ đã đăng ký dự thi lớp chuyên sâu này rồi.

Đây được xem là một hướng đi mới và thể hiện tâm huyết truyền nghề của anh trong công tác đào tạo thế hệ diễn viên tương lai. Tuy nhiên, để thành thật, anh có sợ mô hình mới này của mình sẽ nhanh chóng bị các lò đào tạo khác "copy"?

Hiện tại có nhiều lò đào tạo bắt chước tôi. Tôi có thể nói thẳng mà không ngại Hồng Vân giận. Lò đào tạo bên Hồng Vân, ý tưởng ban đầu là của tôi. Hồng Vân lúc đầu không định mở lớp nhưng vì muốn tôi vui nên hùn tiền mở lò đào tạo. 

Khi tôi tách ra khỏi sân khấu Hồng Vân thì đương nhiên phải để lại cho Hông Vân tiếp tục duy trì.

Mô hình đào tạo diễn viên đầu tiên là của tôi, sau đó mới tới Trịnh Kim Chi, Nụ Cười Mới, IDECAF và các trung tâm khác. Chính Quốc Thảo cũng dạy ở đây và lấy toàn bộ kiểu ở đây qua mở lớp ở sân khấu Quốc Thảo.

Khi Trịnh Kim Chi đang manh nha ý định mở sân khấu riêng nên xin tôi cho làm phụ giảng. Tôi hứa với Trịnh Kim Chi sẽ hướng dẫn cô ấy cách dạy. Sau đó, Trịnh Kim Chi mở sân khấu và mượn giáo trình của tôi về photo và mở lớp.

Minh Nhí kể chuyện đi xin vai diễn cho Việt Hương, Thúy Nga

Có một thời gian, diễn viên mới nổi lên chút xíu đã được kêu Danh hài thì bây giờ thầy giáo cũng vậy. Tôi cảm giác, ai cũng có thể làm thầy dù nghiệp vụ sư phạm không có?

Bạn nói đúng nên không phải ai muốn làm thầy cũng được. Bây giờ, thầy đại trà giống như một thời gian đại trà danh hài vậy. Quán quân gameshow nhiều không kể hết nhưng mấy ai làm được gì.

Hồi xưa khi tôi được mời về trường Nghệ thuật Sân khấu 2, ba năm đầu tôi phải làm phụ giảng cho anh Công Ninh. Sau ba năm đó, hội đồng đào tạo nhà trường kiểm định lại xem có theo tiếp giảng dạy được không rồi mới đồng ý cho thi vào biên chế của trường.

Khi thi biên chế, người của Bộ vào làm ngày thi chứ không phải trường đứng ra tổ chức. Bộ ra đề, nếu dạy bài Tưởng tượng, tôi sẽ dạy thế nào. Tôi phải trả lời vấn đáp và làm bài viết. Bộ chấm xong mới có quyết định cho tôi làm giảng viên chính thức.

Còn chuyện có sợ bị copy ý tưởng không thì tôi dám khẳng định rằng, tất cả những lò đào tạo có liên quan đến tôi đều dựa vào cách làm của tôi nhưng không được như ý về mặt giảng viên.

Tôi tự hào rằng, rất nhiều học viên đều muốn học thầy Minh Nhí, Hữu Châu và Thanh Thuỷ. Thanh Thuỷ lấy cả tiền của mình ra bồi dưỡng cho trò tập luyện. 

Hữu Châu lấy cả tiền lương của mình cho học trò nghèo có năng khiếu đóng học phí, gần gũi chia sẻ với học viên... còn tôi chỉ nhìn hay liếc một cái là trò sợ.

Tôi khó tính nhưng trò rất thương. Tôi muốn rằng một người dễ thì người kia phải khó để trò biết sợ. Nếu thầy cô đều dễ tính thì trò leo lên đầu ngay. Tôi chấp nhận mình mang tiếng dữ nhưng khi đụng chuyện, học trò mới biết thầy thương ra sao. Tôi rạch ròi và công bằng, đã thương là xả thân bảo vệ.

Cảm ơn anh đã chia sẻ!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại