Minh Nhật: Tôi đang cạnh tranh trực tiếp với bánh mỳ lề đường, chứ Ba Miền và V+ thì ngoắc ngoải gần chết rồi!

Ba Miền và V+ được coi như “hổ báo” khi vừa ra mắt đã mở luôn 12 cửa hàng bánh mỳ. “Họ nghĩ đơn giản là con bé này làm được mình cũng làm được… Giờ V+ tôi nghĩ chết 50 - 60%. Còn Ba Miền thì gần như chết hẳn”, Minh Nhật tâm sự.

Làm ẩm thực rất khó, vì người Việt chưa có gu!

Bước ra từ cuộc thi Vua đầu bếp (Master Chef) 2014, Hoàng Minh Nhật đã nghỉ việc ở ngân hàng và mở chuỗi cửa hàng bánh mỳ Minh Nhật.

Cô tâm sự: Vì chưa có kinh nghiệm làm nhà hàng, nên phải bắt đầu với những sản phẩm đơn giản, một cái gì đó mà xác định mình có thể làm tốt. Và sản phẩm cô chọn là bánh mỳ.

“Có điều rất khó cho thị trường ẩm thực, đó là đối với ẩm thực, người Việt chưa có gu. Mọi người ăn uống theo phong trào rất nhiều. Có một đợt KFC vào Việt Nam rất thành công, vì mọi người chạy theo phong trào ăn đồ ăn nhanh. Giờ KFC cũng đang rất chật vật”, Minh Nhật chia sẻ.

“Trước khi bắt tay vào chuỗi cửa hàng bánh mỳ Minh Nhật, tôi đã đi vòng quanh cả nước, tìm những cửa hàng bánh mỳ nổi tiếng nhất để trải nghiệm.

Tôi cho rằng: Một người đầu bếp giỏi không phải một người đầu bếp so sánh bằng kỹ năng, bởi kỹ năng qua thời gian có thể rèn luyện được, mà phải đưa ra được khẩu vị chung nhất và nhiều người chấp nhận”.

Về mức giá, Minh Nhật phủ nhận ý kiến cho rằng bánh mỳ Minh Nhật giá khá đắt. Cô cho rằng:, bánh mỳ có 2 loại.

Một loại là bánh mỳ bán theo hình thức xe đẩy, với mức giá thấp, 15.000 – 20.000 đồng/cái.

Hai là bánh mỳ cao cấp hơn hẳn, với mức giá từ 45.000 – 50.000 đồng/cái.

“Bánh mỳ Minh Nhật có 2 mức giá, 23.000 đồng và 32.000 đồng, thực sự chưa phải dòng giá cao. Mức giá này chỉ đủ để phân biệt được giữa bánh mỳ ở xe đẩy và bánh mỳ ở cửa hàng”, Minh Nhật nói.

Nghĩ “con bé này làm được thì mình cũng làm được”, nhiều ông lớn đang gần chết hoặc sống ngoắc ngoải

Minh Nhật: Tôi đang cạnh tranh trực tiếp với bánh mỳ lề đường, chứ Ba Miền và V+ thì ngoắc ngoải gần chết rồi! - Ảnh 1.

Ảnh: Lao động.

Minh Nhật cho biết nhiều người cho rằng cô đang ở “đại dương đỏ”, cạnh tranh trực tiếp với những người bán bánh mỳ lề đường do giá cả và thói quen ăn uống của người bình dân.

Cũng rất nhiều người nghĩ bán bánh mỳ là câu chuyện đơn giản, chỉ là mở ra và bán. Với suy nghĩ “con bé này làm được thì mình cũng làm được”, cách đây chừng nửa năm, có 2 chuỗi bánh mỳ lớn cùng lúc mở ra 12 cửa hàng, trong khi chuỗi cửa hàng Bánh mỳ Minh Nhật thời điểm đó mới chỉ có 10 cửa hàng, Minh Nhật kể lại.

2 chuỗi cửa hàng này là Ba Miền và V+, đều phát triển theo mô hình nhượng quyền (franchise).

“Gốc của V+ không phải là người làm bánh mỳ mà là làm siêu thị, tiện nên họ mở thêm. Mô hình của họ cũng là trong cửa hàng, nhưng quy mô quán nhỏ hơn Bánh mỳ Minh Nhật rất nhiều.

V+ tôi nghĩ ‘chết’ 50% - 60% rồi. Còn Ba Miền thì gần như ‘chết’ hết, doanh số của họ chỉ chừng 1 triệu đồng/ngày, không thể trụ nổi”, Minh Nhật nói.

Phương thức kinh doanh của Ba Miền, Minh Nhật cũng cho là chưa ổn khi không kiểm soát được chất lượng ổn định.

Minh Nhật cho hay, bánh mỳ Minh Nhật 100% quy chuẩn hoàn thiện ở bếp tổng, khi chuyển lên cửa hàng thì những thành phẩm đã hoàn thiện 90%. Nhân viên chỉ thực hiện thao tác đúng theo công thức, cho nguyên liệu vào bánh để đảm bảo chất lượng bánh được tương đồng, bởi tất cả đều sản xuất tại một nơi. Còn Bánh mỳ Ba Miền ngược lại, cho nhân viên nấu nướng tại cửa hàng,

“Khi làm như vậy, nhân viên sẽ không xác định được định lượng, nên chất lượng bánh mỳ sẽ không ổn định”, Minh Nhật nhận xét. "Con phố Ô Chợ Dừa trước đây khi Bánh mỳ Minh Nhật mở cửa, Ba Miền và V+ cùng nhảy vào, nay 2 cửa tiệm kia đã sập, còn mỗi tôi trụ lại".

Chia sẻ thêm về doanh số 40 tỷ đồng Bánh mỳ Minh Nhật có thể thu về sau 1 năm, Minh Nhật cười: “Chỉ cần chờ từ giờ đến cuối năm sẽ biết con số này đúng hay sai”.

Cô cũng chia sẻ sẽ khai trương một chuỗi nữa trong tháng tới, lần này sẽ không phải là chuỗi cửa hàng nhỏ mà chuyển sang làm chuỗi nhà hàng, chuyên các món xào.

“Giờ khách hàng ở Việt Nam chạy theo xu hướng rất nhiều: như món ăn Anh, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… Nhưng những xu hướng ấy chỉ là thời điểm. Xu hướng thì có lên có xuống, nhưng đồ ăn Việt Nam mọi người sẽ ăn liên tục”.

“Ví như Golden Gate, giá trị hóa đơn trên mỗi khách trả rất cao, nhưng những người bình thường phải 1-2 tháng mới đi ăn 1 lần.

Họ không đi ăn thường xuyên, mà chỉ ăn theo dịp như liên hoan cùng cơ quan, ăn sinh nhật… bởi đó không phải đồ Việt. Chúng tôi sẽ cố gắng tạo ra một sản phẩm mà mọi người có thể ăn hàng ngày, những món ăn quen thuộc với mọi người, để có thể ăn nhiều, thường xuyên mà không ngán”, Minh Nhật tâm sự.

Thông tin trong bài được ghi lại từ hội thảo số 2: “Lựa chọn sản phẩm và thị trường” do StartupNutz tổ chức. Hội thảo nằm trong chuỗi hội thảo kéo dài 6 số, tổ chức vào sáng Chủ nhật hàng tuần từ ngày 9/10 nhằm hỗ trợ những kiến thức cần thiết cho các bạn trẻ khởi nghiệp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại