Do vậy, dù bạn có suy nghĩ tích cực hay tiêu cực thì nó đều có tác động lớn đến hạnh phúc, kinh doanh và thành công.
Hãy cùng người sáng lập Ubuntu Baba, Shannon McLaughlin thảo luận về mindset (tư duy) và chia sẻ những thói quen thành công của cô.
Shannon McLaughlin là Người sáng lập ra các nhà cung cấp dịch vụ trẻ em Ubuntu Baba. Công việc kinh doanh của cô ấy ra đời vì nhu cầu cá nhân. Đó là giúp con cô ngủ trong thời gian dài hơn và để cô có nhiều tự do hơn khi gặp nhiều khó khăn trong việc lần đầu làm mẹ.
Trước khi bắt đầu kinh doanh, cô là một nhà thiết kế web tự do, chủ yếu làm việc với các doanh nghiệp nữ mới thành lập. Nhờ những trải nghiệm này, Shannon đã tích lũy được nhiều kiến thức để ra mắt doanh nghiệp dựa trên sản phẩm và cửa hàng trực tuyến của riêng mình.
Ubuntu Baba ra mắt vào tháng 2 năm 2015 và hiện có một nhóm sáu người đồng điều hành doanh nghiệp.
Mindset là công cụ thành công quan trọng nhất.
Vậy mindset là gì?
Mindset là niềm tin định hướng cách chúng ta xử lý và đối mặt các tình huống trong cuộc sống. Mindset cũng được hiểu là mô thức tư duy, cách chúng ta nhìn nhận về bản thân và thế giới. Nhiều người còn hay định nghĩa mindset là thế giới quan (outlook in life) hoặc mentality (tâm tính).
Có những loại mindset nào?
Nhà tâm lý học từ đại học Stanford Carol Dweck (2006) đã có những nghiên cứu về mindset và chỉ ra có 2 loại mindset.
1. Fixed mindset (tư duy bảo thủ). Những người có fixed mindset tin rằng mình được sinh ra đã có những tư chất, khả năng, hoặc tài năng cố định vĩnh viễn không thể thay đổi được. Họ sẽ nhìn nhận thất bại, trở ngại là bằng chứng của việc họ không đủ tốt và không tiếp tục cố gắng nữa.
2. Growth mindset (tư duy cầu tiến): những người có growth mindset tin rằng những khả năng, tài năng của bản thân có thể được rèn luyện và phát triển thông quan làm việc chăm chỉ và bền bỉ. Khi gặp thất bại, họ có thể không thay đổi được tình huống đó nhưng có thể nhìn nhận đó là 1 bài học để trưởng thành và tiếp tục cố gắng.
Hãy nghĩ xem mindset của bạn đang nghiêng về phía nào?
Nếu bạn tin rằng mình có thể phát triển một kỹ năng hoặc một tài năng nào đó bằng cách rèn luyện và nỗ lực thì chắc hẳn là bạn đang sở hữu growth mindset.
Nhưng nếu bạn thấy bản thân còn viện những lý do để không làm một việc gì đó (ví dụ như tôi không biết làm cái này, tôi không có đủ kỹ năng để làm việc này) thì có thể bạn đang mang trong mình fixed mindset.
Nhưng tin tốt là chúng ta đều có thể thay đổi mindset của bản thân. Cũng như một môn học mới, bạn cũng đầu tư thời gian và nỗ lực để chuyển đổi mindset của mình.
Mindset có quan trọng không?
Tờ Entrepreneur đã trò chuyện với Shannon về tư duy mà cô ấy đã nuôi dưỡng để tạo nên thành công và cách cô ấy thực hiện điều này trong công việc kinh doanh của mình.
Q: Lời khuyên hay câu châm ngôn nào là phương châm trong cuộc sống của bạn?
"Không có gì phải làm. Không cần vội. Không có nơi nào để đi".
Một ngày nọ, tôi vào Instagram và tôi thấy những dòng chữ này hiện lên trước mặt. Chúng được viết tay trên một ghi chú và người phụ nữ đã viết nó chỉ tải lên trang Instagram của cô ấy. Vì một số lý do nào đó khiến tôi thích nó.
Nó khiến tôi dừng lại trên đường đi của mình và tự nhủ rằng vội vàng là gì? Tại sao tôi luôn cảm thấy áp lực - phải làm điều gì đó, hoặc ở đâu đó - liên tục.
Tôi đã in nó ra và dán lên tường. Tất nhiên, chúng không thực sự đúng, nhưng đó là điều mà tôi nói với chính mình hàng ngày.
Q. Thói quen nào tác động tích cực đến thành công của bạn?
Tôi ngồi thiền kundalini mỗi ngày và nó là một cách tốt để kiểm soát sự lo lắng của bản thân.
Ban đầu, tôi không nghĩ việc ngồi trên sàn năm phút mỗi sáng và có khoảng thời gian yên tĩnh sẽ tạo ra sự khác biệt, nhưng thực sự thì có.
Sau khi ngồi thiền, tâm trí tôi yên tĩnh hơn. Tôi cảm thấy bình tĩnh và tập trung hơn rất nhiều để tiếp tục công việc hàng ngày của bản thân.
Mọi thứ ảnh hưởng đến chúng ta và tạo ra sự lo lắng, cho dù chúng ta có phải là một phần của chúng hay không. Nếu muốn tác động đến sự thay đổi và có thể duy trì không gian của riêng mình, chúng ta cần đảm bảo có mối liên hệ chặt chẽ với chính mình. Chúng ta cần tìm cách tập trung vào những gì thực sự quan trọng đối với bản thân.
Q. Bạn đã học được gì về tư duy của chính mình và cách nó tác động đến cuộc sống và công việc kinh doanh của bạn?
Tư duy (mindset) của bạn quyết định cách bạn nhìn nhận thế giới xung quanh. Cho dù bạn đang nuôi dưỡng tư duy tích cực hay tiêu cực sẽ có tác động rất lớn đến cách bạn sống.
Nếu bạn xem thế giới là một nơi tiêu cực, bạn sẽ không tin tưởng bất cứ ai và có xu hướng cô lập với thế giới bên ngoài. Bên cạnh đó, những người xung quanh bạn cũng sẽ cảm nhận được nguồn năng lượng tiêu cực của bạn.
Bạn có thể đang sống ở một nơi hoàn hảo nhất trên thế giới và điều gì đó có thể xảy ra, nhưng sau đó thì sao? Làm thế nào để bạn đối phó với nó khi cuộc sống không hoàn hảo, nếu bạn không ngừng nỗ lực cho sự hoàn hảo?
Vẻ đẹp của cuộc sống thuộc về kinh nghiệm của chúng ta. Mọi thứ chúng ta trải qua đều đưa ra những bài học đáng giá. Vì vậy, khi nói đến tư duy, tôi cố gắng không coi bất cứ điều gì xảy ra với tôi là "xấu". Thay vào đó, tôi cố gắng tiếp cận và khắc phục mọi thứ.
Q. Nếu quay trở lại 10 năm trước, bạn muốn biết điều gì để có được thành công nhanh hơn?
Tôi ước mình biết nhiều hơn về dòng chảy của năng lượng tốt và xấu mà chúng ta tạo ra cho chính mình. Chúng ta thường có xu hướng đổ lỗi cho những người khác và hoàn cảnh khách quan.
Tôi thực sự tin vào luật hấp dẫn - khi bạn tập trung năng lượng của mình vào những thứ mang lại cho bạn niềm vui và bạn áp dụng nó vào cuộc sống hàng ngày của mình. Điều này sẽ lan tỏa những năng lượng tích cực đến mọi nơi mà bạn đi qua.
3 điều quan trọng mà bạn có thể làm để phát triển growth mindset
• Nhận diện rằng Growth mindset (tư duy cầu tiến) là tốt và quyết tâm hình thành tư duy cầu tiến.
• Học và chia sẻ với người khác về cách phát triển và cải thiện các khả năng của bản thân thông qua cách tiếp cận của growth mindset.
• Lắng nghe những tiếng nói có màu sắc fixed mindset (tư duy bảo thủ). Khi bạn nghe những tiếng thầm thì trong đầu rằng bạn không thể làm một thứ gì đó, hãy dùng cách tiếp cận của growth mindset và nói với bản thân rằng bạn có thể từ từ học và làm được.
Tóm lại, tự nhận thức và tư duy học hỏi là những yếu tố giúp hình thành tư duy cầu tiến bởi chúng giúp cân bằng và giúp chúng ta hiểu rõ về điểm yếu của mình, từ đó tạo mong muốn phát triển để đạt được thành công trong tương lai.