“Lịch đại đế vương” là từ dùng để chỉ các vị vua thời trước (so với triều đại đang trị vì). Ở Trung Quốc, các triều đại sau đều thờ các vua triều trước, đặc biệt không thể thiếu Ngũ Đế, Tam Vương, những vị vua huyền thoại của Trung Quốc. Các triều đại phong kiến Việt Nam cũng tuân theo việc lập miếu này cũng như các quy tắc cúng lễ.
Về việc lập miếu Lịch đại đế vương ở Huế, theo bộ sử triều Nguyễn “Đại Nam thực lục”, vào mùa Xuân năm Minh Mạng thứ 4 (1823), bộ Lễ tâu lên nhà vua rằng: “Theo Hội điển các triều Minh Thanh thì ở Kinh sư đều có miếu đế vương.
Phép nhà Minh thì miếu gồm một đường năm thất để thờ ngũ đế tam vương (Ngũ đế gồm Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế, Đường Nghiêu, Ngu Thuấn; tam vương gồm: Hạ Vũ, Thương Thang, Chu Văn vương - Vũ vương) và 15 vị vua dựng nghiệp các đời Hán, Đường, Tống, rất đơn giản, nghiêm trang.
Đến như phép nhà Thanh thì đế vương các đời, trừ các vua vô đạo bị giết, còn thì đều thờ cả, thậm chí nhà Liêu nhà Kim là rợ mọi làm loạn Trung Hoa mà cũng được cùng hàng với các vua chính thống.
Trộm nghĩ đất Nam Giao ta xưa gọi là Kinh đô, kể từ khi mở mang đến nay, thanh danh văn vật, cũng thịnh có vẻ như phong hoá Trung Quốc, không cái gì là không do đạo thống các đời ngũ đế tam vương truyền lại. Tức như lễ nghi thờ cúng phải nên suy từ gốc nguồn, vốn không tự hạn chế trong non sông nước Nam”.
Lời tâu của bộ Lễ cũng xác định danh sách các đế vương nước ta dự kiến được thờ, tính từ khởi thủy, như sau: “Xét sách “Việt sử ngoại kỷ biên niên” thì Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Hùng Vương thực là Thủy tổ của nước Việt ta. Sau từ việc nảy nỏ móng rùa thất lợi và việc cột đồng chia cương giới, cho đến những cuộc Nam - Bắc phân tranh (chỉ thời kỳ Bắc thuộc) thì đều không phải là chính thống của nước Việt ta.
Trong khoảng đó có Mai Hắc Đế và Bố Cái Vương nhất sơ nổi dậy mà công nghiệp chưa thành. Thế thì từ ngoại kỷ về trước phải lấy các vị sáng thủy mà thờ. Từ Đinh về sau thì mối giềng mới rõ. Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lý Thái Tổ, Trần Thái Tông, Lê Thái Tổ, thừa vận lần lượt nổi lên, đều là vua dựng nghiệp một đời.
Trong khoảng ấy, anh chúa trung hưng như Trần Nhân Tông ba lần đánh bại quân Nguyên, hai lần khôi phục xã tắc, Lê Thánh Tông lập ra chế độ, mở rộng bờ cõi, công nghiệp rạng rỡ vang ở bên tai, đều nên liệt vào điển thờ. Ngoài ra các vua đều có miếu riêng, tưởng không nên thờ cả vào đấy”.
Đình thần bàn lại, cho rằng nước ta thông thi thư, quen lễ nhạc, làm nước văn hiến là bắt đầu từ Sĩ Vương (Sĩ Nhiếp, thái thú Giao Chỉ cuối thời Hán, được coi là người đem Nho học vào phổ biến ở nước ta). Các vua có chiến công gồm vua Lý Thánh Tông đánh Chiêm Thành bắt Chế Củ mới có đất Quảng Bình; Lý Nhân Tông phía Bắc đánh lui quân Tống lấy lại hết sáu động Quảng Nguyên; Trần Anh Tông phía Nam bình giặc Chiêm mà có hai châu Thuận Hoá; Lê Trang Tông do Triệu Tổ triều Nguyễn (chúa Nguyễn Kim) tôn lập, dựng lại cơ đồ nhà Lê; Lê Anh Tông trao cờ trấn tiết cho chúa Nguyễn Hoàng vỗ về miền Nam, cũng nên cùng thờ ở miếu.
Còn hai nhà Đông vu, Tây vu, đời xưa thờ phụ các công thần các đời, ngoài các công thần nổi tiếng Trung Quốc, ở nước ta, các các đời Đinh, Lý, Trần, Lê, công nghiệp rỡ ràng như Nguyễn Bặc, Hồng Hiến, Lê Phụng Hiểu, Lý Thường Kiệt, Tô Hiến Thành, Trần Quốc Tuấn, Trần Nhật Duật, Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu, Đinh Liệt, Lê Xí, Lê Khôi, Lê Niệm, Trịnh Duy Tuấn, Hoàng Đình Ái, Phùng Khắc Khoan, cũng nên liệt vào điển thờ phụ để tỏ rõ tấm lòng nhân hậu của thánh triều. Vua theo lời bàn.
Về quy chế miếu thờ được thiết lập như sau: Miếu có năm gian, gian chính giữa thờ Phục Hy, vị thứ nhất phía tả (trái) thờ Thần Nông, vị thứ nhất phía hữu (phải) thờ Hoàng Đế, vị thứ hai phía tả thờ Đế Nghiêu, vị thứ hai phía hữu thờ Đế Thuấn, vị thứ ba phía tả thờ Hạ Vũ, vị thứ ba phía hữu thờ Thương Thang, vị thứ tư phía tả thờ Chu Văn vương, vị thứ tư phía hữu thờ Chu Vũ vương.
Về các vua khởi thủy nước ta, gian tả nhất thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Hùng Vương, Sĩ Vương và Đinh Tiên Hoàng; gian hữu nhất thờ các vua Lê Đại Hành, Lý Thái Tổ, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông; gian tả nhị thờ Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông; gian hữu nhị thờ Lê Thái Tổ, Lê Thánh Tông, Lê Trang Tông, Lê Anh Tông.
Nhà Đông vu thờ các tướng nổi bật của Trung Quốc như Cao Dao, Bá Ích, Phó Duyệt, Thái Công Vọng, cùng các danh tướng Việt Nam: Định quốc công Nguyễn Bặc nhà Đinh (được coi là thủy tổ của nhà Nguyễn), Phá lỗ tướng quân Lê Phụng Hiểu, Thái uý Tô Hiến Thành nhà Lý, Thái uý quốc công Trần Nhật Duật, Thiếu bảo Trương Hán Siêu nhà Trần, Thái phó Cương quốc công Lê Xí, Thiếu phó Tĩnh quốc công Lê Niệm nhà Lê, Hữu tướng Vinh quốc công Hoàng Đình Ái thời Lê trung hưng.
Nhà Tây vu, bên cạnh thờ các danh tướng, danh thần Trung Quốc như Lực Mục, Bá Di, Chu Công Đán, thì thờ các danh thần lịch sử Việt Nam, như Thái sư Hồng Hiến nhà Tiền Lê, Thái sư Việt quốc công Lý Thường Kiệt nhà Lý, Thái sư Thượng quốc công Trần Quốc Tuấn, Thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão nhà Trần, Thái sư Đinh Liệt, Tư mã công Lê Khôi nhà Lê, tướng quân Trịnh Duy Tuấn, Thái phó Phùng Khắc Khoan thời Lê trung hưng.
Sau khi quy chế được thông qua, vua Minh Mạng sai chế bài vị và đồ thờ, lấy 20 người dân làng Phú Xuân sung làm thuộc lệ. Hằng năm cứ hai tháng trọng xuân (tháng 2 âm lịch) trọng thu (tháng 8) đều sai hoàng tử đến tế.
Năm Minh Mạng thứ 7 (1826), vào đúng ngày mùng 1 Tết, nhà vua chuẩn định lại rằng từ đó về sau, thì miếu Lịch đại đế vương, đàn Xã Tắc và Văn Miếu mà gặp ngày khánh điển phải tế thì vua thân đến làm lễ. Hai kỳ tế xuân, thu hằng năm thì chia sai các Hoàng tử tước công cùng văn võ đại thần đến tế.
Đến năm Minh Mạng thứ 10 (1829), triều đình bỏ thờ vua Lê Anh Tông vì cho rằng nhà vua không có công trạng nổi bật trong lịch sử, ngoài việc giao cho chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Quảng, và đổi thờ Sĩ Nhiếp sang Văn Miếu.
Miếu Lịch đại đế vương đã bị đổ nát do biến đổi của lịch sử và chiến tranh, đến nay, chỉ còn sót lại cái tên đường “Lịch Đợi” mà thôi.