Miệng nói chấp nhận đàm phán thương mại với Mỹ nhưng kế sách của Trung Quốc là gì?

Minh Khôi |

Các xung đột liên quan đến cấu trúc và kinh tế tồn tại giữa Washington và Bắc Kinh có tính liên tục hơn bất kỳ đối tác thương mại nào khác của Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như thường xuyên bị mắc kẹt giữa mong muốn viết lại quan hệ thương mại của Mỹ với Trung Quốc và bản năng của một doanh nhân muốn đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc.

Trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa kỳ đang đến và thị trường tài chính trải qua một giai đoạn khó khăn hồi tháng 10, bản năng của một nhà doanh nhân đang thắng thế.

"Chúng ta sẽ có một thỏa thuận với Trung Quốc, và tôi nghĩ, đây sẽ là một thỏa thuận rất công bằng cho tất cả mọi người", ông Trump nói với các phóng viên cuối tuần trước sau khi yêu cầu các cố vấn chuẩn bị một dự thảo thỏa thuận cho cuộc gặp với ông Tập Cận Bình bên lề hội nghị G20.

Tuy nhiên, để thỏa mãn các "diều hâu" ở Nhà Trắng, điều này không dễ dàng.

"Đình chiến" thương mại tạm thời

Bất kỳ thỏa thuận nào Mỹ - Trung đạt được ở G20 dường như chỉ là một hiệp định đình chiến tạm thời hơn là một hiệp định hòa bình cho cuộc chiến thương mại.

Một thỏa thuận "đình chiến" có thể bao gồm cam kết dỡ bỏ các mức thuế bổ sung và thậm chí loại bỏ một số thuế quan, trong khi các quan chức cấp cao thương lượng một hiệp ước lớn hơn.

Bất kỳ điều khoản nào trong các nội dung trong bối cảnh hiện tại đều được xem là thành tích đáng kể và được thị trường hoan nghênh. Nhưng Bắc Kinh và Washington vẫn còn phải đối mặt với những cuộc đàm phán khó khăn ở phía trước, một quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Trump hé lộ.

Nếu Trung Quốc phản hồi lại các yêu cầu, Tổng thống sẽ cân nhắc một thỏa thuận phù hợp với các lợi ích của Mỹ, ông Kudlow, người đứng đầu Hội đồng kinh tế quốc gia cho hay.

Tuy nhiên, ngay cả khi cuộc đối thoại giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra tốt đẹp, vẫn còn một quãng đường dài và khó khăn, ông Kudlow nhấn mạnh.

Nguyên nhân là do các xung đột liên quan đến cấu trúc và kinh tế tồn tại giữa Washington và Bắc Kinh có tính liên tục hơn bất kỳ đối tác thương mại nào khác của Mỹ, theo các chuyên gia.

Scott Kennedy, chuyên gia tại Trung tâm Chiến lược và Quốc tế cho rằng, khoảng cách giữa tuyên bố của các nhà lãnh đạo và một thỏa thuận thực sự là vô cùng lớn.

Trung Quốc chịu "nhún" đến đâu?

Chính quyền Tổng thống Trump liên tục chĩa mũi dùi vào chính sách công nghiệp như kế hoạch Made in China 2025 của Bắc Kinh nhằm làm suy yếu vị thế của Washington trong kinh tế toàn cầu.

Nhưng ngăn chặn hoặc thậm chí là giảm nhẹ kế hoạch này là điều mà dường như ông Tập Cận Bình sẽ không chấp nhận, các chuyên gia đánh giá.

Tương tự như vậy, lãnh đạo ở Bắc Kinh ít có khả năng đáp ứng yêu cầu gỡ bỏ mạng lưới các công ty nhà nước kiểm soát phần lớn nền kinh tế nước này từ Washington.

Một lĩnh vực có thể tiến triển là bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Bắc Kinh có thể đồng ý nỗ lực hơn nữa để kiềm chế tin tặc hoặc hợp tác với chính quyền Mỹ, những người đã cáo buộc Bắc Kinh ăn cắp bí mật thương mại.

Vừa qua, Washington đã cấm các doanh nghiệp Mỹ bán hàng cho Công ty Fujian Jinhua Integrated Circuit Co. của Trung Quốc vì cho rằng nhà sản xuất chip điện tử này đặt ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Nhưng việc đưa ra những thay đổi dài hạn có ý nghĩa đối với chính sách kinh tế Trung Quốc mà Washington yêu cầu có thể sẽ khó khăn hơn nhiều, các nhà phân tích nói.

Eswar Prasad, một cựu chuyên gia Trung Quốc tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, khó để thấy được những cam kết mà Trung Quốc có thể thực hiện nhằm giải quyết những lo ngại cho một loạt các vấn đề phức tạp của Mỹ

Tuy nhiên, đây lại chính là những vấn đề tồn tại mà các thành viên diều hâu của chính quyền Trump xem là cần giải quyết trong cuộc xung đột thương mại giữa 2 nước.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại