Miền Tây trù phú đúng là luôn khiến cho các tín đồ ăn uống không ngừng mê mẩn. Từ các loại đặc sản, các loại cây ăn trái cho đến cả những cây mọc dại ngoài đường cũng có thể trở thành những món ăn hết sức thú vị.
Trong số những cây gắn liền với đời sống của người miền Tây, có một loài cây có cái tên rất đặc biệt, nghe thì thấy rất nghèo khổ, ấy chính là cây bần. Thế nhưng không phải vì thế mà loại cây này chịu "an phận" làm cây dại. Trái lại, nó lại trở thành thứ gắn bó mật thiết trong các bữa ăn vùng sông nữa, không những thế còn trở thành sản phẩm đưa đến nhiều vùng, nhiều nước khác nhau.
Cây bần vốn là loại cây mọc hoang ở những nơi có bãi bồi, bùn và cũng được trồng ở những vùng rừng ngập mặn ven biển. Cây cho ra quả nhỏ, màu xanh, có vị chua chua, bùi bùi, vì thế thường được trẻ con yêu thích. Người ta hay ăn bần chấm với muối ớt hay mắm ruốc như một thứ quả dại ăn chơi. Cái vị chua chua nhẹ, bùi bùi, lại giòn tan hoà quyện vào muối ớt hay mắm ruốc tạo nên hương vị vô cùng độc đáo. Rồi cứ thế, loại quả này đi vào tuổi thơ của biết bao đứa trẻ miền Tây.
Thế nhưng không chỉ dừng ở đó, người miền Tây sáng tạo còn mang quả bần đi làm rất nhiều món ăn khác nhau. Dựa trên vị chua đặc trưng, người ta sử dụng bần như một loại quả gia vị để tăng thêm hương vị cho các món như lẩu, canh chua, cá kho... Vị chua thanh nhẹ của quả bần khiến cho món ăn trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều.
Có thể nhiều người chưa từng nghĩ tới, nhưng quả bần không chỉ dừng lại ở việc là một món ăn quen thuộc của người miền Tây. Ngày nay, người ta đã sản xuất và đóng lọ nước cốt bần để có thể vận chuyển đến nhiều nơi, thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài.
Nguồn: Tổng hợp