Sáng ngày 4/8, tại siêu thị Co.op Food An Lạc (Q.Bình Tân), chị Ngọc Lài (ngụ chung cư Lê Thành) tìm mua các loại bún, bột chiên giòn, bột gạo… nhưng đều không có.
“Hơn một tháng qua, chúng tôi đều liên hệ đặt hàng nhưng nhân viên cho biết nhà cung cấp không đưa hàng đến, chưa biết bao giờ có lại sản phẩm”- nhân viên nơi đây cho biết.
Tại cửa hàng VinMart Phạm Huy Thông (Q.Gò Vấp), khi khách hàng muốn mua các loại phở, mì đóng hộp hoặc kèm tô, nhân viên siêu thị cho hay, sản phẩm đã hết từ vài tuần trước nhưng đến nay cũng chưa có hàng.
Anh Hùng - nhân viên kinh doanh của một siêu thị lớn ở quận 3 thông tin, nhiều sản phẩm mì, phở đựng trong tô, ly, gói của các hãng đều bị thiếu hàng. Đặc biệt, phở kèm tô của tất cả các nhà cung cấp đều không còn hàng và chưa biết khi nào có hàng lại.
“Các nhà sản xuất vẫn cung cấp sản phẩm mì, phở, bún khô cho siêu thị nhưng số lượng rất ít, chỉ đủ bán lẻ cho khách mua số lượng ít, nhất là mì ly, mì tô” - anh Hùng nói.
Một công ty chuyên sản xuất mì, phở gói tại TP Thủ Đức cho biết, hiện lượng nhân công đã giảm hơn 2/3. Việc thiếu nhân lực sản xuất, thiếu nguyên liệu do khâu vận chuyển gặp khó khăn và một số đối tác cung cấp nguyên phụ liệu ngưng hoạt động dẫn tới tổng sản lượng hàng giảm hơn 50%, không đủ cung ứng cho các nhà phân phối.
Theo bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM (FFA), hiện nhiều doanh nghiệp (DN) FFA gặp khó về nguyên liệu đầu vào. Cụ thể, nguyên phụ liệu để sản xuất mì, phở ăn liền như hành lá khô, tiêu, dầu, bột nêm… được lấy từ nhiều nhà cung cấp.
Thế nhưng không ít DN hiện đã dừng hoạt động do xuất hiện ca mắc COVID-19 (F0) khiến nguồn cung đầu vào gián đoạn. Các DN sản xuất mì, phở ăn liền cũng bị “đứt gãy” chuỗi sản xuất, cung ứng.
Đơn cử như với mì gói, mỗi năm các DN sản xuất trên 6 tỷ gói, phục vụ cho nhu cầu cả nước. Việc lưu thông hàng hóa khó khăn thời gian qua khiến nguyên liệu đưa về TPHCM có thời điểm bị gián đoạn.
“Chẳng hạn, hành lá tại Bà Rịa - Vũng Tàu rất nhiều và gần TPHCM nhưng khó đưa về. Bởi thương lái không thể thuê được xe, cộng thêm chi phí xét nghiệm. Chúng tôi "đứt" hàng hành, các gói nêm thiếu hành... Thiếu như vậy thì không sản xuất được, vì bao bì đã ghi đủ các thành phần. Nhà sản xuất phải đảm bảo theo đúng quy định” - bà Chi nêu vấn đề.
“Chúng tôi muốn dùng nguồn hoặc loại nguyên liệu có thành phần tương đồng để thay thế. Tuy nhiên theo luật, DN phải làm lại thủ tục tự công bố sản phẩm và thay đổi bao bì.
Điều này rất khó thực hiện trong thời điểm giãn cách xã hội như hiện nay. Đó là chưa kể sẽ phát sinh chi phí và lãng phí nếu phải hủy bao bì cũ, in lại bao bì mới. Như vậy khả năng các DN sẽ phải tạm ngưng sản xuất là rất cao” – đại diện FFA cho biết.