Mĩ nhân cứu anh hùng: Giữa đường hết hổ, lấy được lang quân!

Lưu Thủy |

Có lẽ từ thời Hai Bà Trưng, thì phải rất lâu sau đó mới xuất hiện một cặp vợ chồng mà cả hai đều là võ tướng nổi danh. Đó chính là cặp vợ chồng Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân.

Cặp đôi trai tài gái sắc

Trần Quang Diệu là một trong "Tây Sơn thất hổ tướng". Ông vốn tên là Trần Văn Đạt, người Diên Phước, tỉnh Quảng Nam. Vốn giỏi võ từ nhỏ, lại thêm mến mộ danh tiếng Quang Trung nên ông đã gia nhập quân Tây Sơn.

Chẳng bao lâu, ông đã trở thành một vị mãnh tướng lập nhiều chiến công, rồi lần lượt giữ các chức: Đô đốc, Đại Đô đốc, Đại Tổng quản, Trấn thủ Nghệ An, Thiếu phó.

Khi Quang Trung mất, Quang Toản lên thay, Trần Quang Diệu cùng với Nguyễn Văn Huấn, Võ Văn Dũng, Nguyễn Văn Danh trở thành tứ trụ đại thần, cùng nhau gánh đỡ vương triều Tây Sơn bắt đầu suy yếu.

Bùi Thị Xuân là cháu vợ Quang Trung, từ nhỏ bà đã nổi tiếng thông minh, xinh đẹp, ham thích võ nghệ không kém gì con trai. Trước khi gia nhập quân Tây Sơn, bà đã tự phong là "Tây Sơn nữ tướng".

Sau này, bà hội kiến với Quang Trung, Quang Trung cũng công nhận bà xứng đáng với danh hiệu này và ban tặng thêm 4 chữ "Cân quắc anh hùng". Bà nổi tiếng với việc huấn luyện đội nữ binh và sử dụng voi chiến. Người đời phong bà là một trong "Tây Sơn ngũ phụng thư".

Mĩ nhân cứu anh hùng: Giữa đường hết hổ, lấy được lang quân! - Ảnh 1.

Tượng thờ Bùi thị Xuân.

Mối lương duyên nhờ con hổ

Bùi Thị Xuân là cô gái xinh đẹp, nhưng lại rất cá tính, không giống với hình tượng "thục nữ" của thời phong kiến. Vịnh về bà, cụ Nghè Trì có viết:

"Hoàng hôn thành dốc bi già động

Hữu nhân diện tỷ phù dung kiều".

Tuy rằng cũng có nhiều người dạm hỏi, nhưng Bùi Thị Xuân vẫn không vừa mắt, bà thường vặn hỏi người ta về văn, về võ, khiến kẻ đến thấy bí mà xấu hổ, phải từ bỏ ý định.

Vì vậy, hơn 20 tuổi mà người con gái này vẫn chưa có chồng, trong khi thời đó, con gái 17, 18 tuổi đều đã thành gia thất, thậm chí có con bồng con bế cả rồi. Khi cha mẹ tỏ ý lo ngại, thì Trần Thị Xuân đã cười mà trả lời đầy khí phách rằng:

- Bà Trưng có chồng chứ Bà Triệu có chồng đâu, nào ai dám cười chê!

Một trong những sở thích của Bùi Thị Xuân chính là săn bắn. Một lần, khi bà đi săn thì thấy một chàng trai đang vật nhau với một con hổ. Người kia đã bị thương, đối phó với con hổ có phần khó khăn. Thấy vậy, Bùi Thị Xuân liền rút kiếm, xông tới chém chết thú dữ.

Trong lúc băng bó, bà mới biết người con trai đó tên là Trần Quang Diệu, đang trên đường gia nhập quân Tây Sơn. Trần Quang Diệu thì khôi ngô. Bùi Thị Xuân thì xinh đẹp. Hai người có thiện cảm với nhau ngay từ những giây phút đầu gặp gỡ.

Thế rồi khi cùng nhau kề vai chiến đấu dưới lá cờ Tây Sơn, tình cảm giữa hai người càng thêm tiến triển. Thấy vậy, đích thân anh em nhà Tây Sơn đứng ra mai mối, giúp cặp đôi trai tài gái sắc kết lương duyên.

Kết thúc đáng buồn của cuộc đời hai vị võ tướng

Tuy rằng cuộc đời hai vợ chồng Bùi Thị Xuân đã có những tháng ngày oanh liệt gắn liền với Tây Sơn, nhưng rồi khi vua Quang Trung mất thì Tây Sơn cũng bắt đầu suy yếu, đến khi vương triều này sụp đổ, hai vợ chồng phải chịu một cái kết rất bi thảm.

Sử cũ chép rằng: Sau khi quân Tây Sơn bị đánh bại, Trần Quang Diệu cùng Võ Văn Dũng đem 3000 quân cùng 80 thớt voi, theo đường sạn dạo sang Lào để ra Nghệ An vào thượng tuần tháng 3 năm Nhâm Tuất (1802).

Đường đi khó khăn, Lam Sơn chướng khí đầy rẫy, khiến cho đoàn quân càng ngày càng hao hut, khi đến được Nghệ An thì đoàn quân mười phần giảm còn ba, bốn phần, tượng binh chỉ còn mươi thớt. Tại Hương Sơn, hai ông Diệu và Dũng đều bị tướng nhà Nguyễn là Võ Văn Doãn và Lê Đức Định bắt sống.

Ở Diễn Châu, Bùi Thị Xuân hay hung tin liền đem nữ binh đi giải cứu. Tuy rằng cứu được, nhưng rồi khi chạy đến Thành Chương thì hai vợ chồng bị bắt trở lại. Sau đó, Võ Văn Dũng cũng bị bắt, ba người bị đóng cũi giải về Nghệ An.

Dọc đường, Võ Văn Dũng phá cũi thoát được, ông cũng giải cứu cho hai vợ chồng Trần, Bùi, nhưng hai chân của Trần Quang Diệu bị sưng phù, không thể chạy được. Bùi Thị Xuân quyết ở lại cùng chồng.

Cuối cùng, trong cuộc trả thù của Nguyễn Ánh, Trần Quang Diệu đã bị chém chết. Bùi Thị Xuân cùng đứa con gái độc nhất 15 tuổi bị xử voi giày năm 1802.

Lời bàn :

Nhân duyên ban đầu có thể là do trời định, nhưng ăn ở cả đời là do người định. Bùi Thị Xuân và chồng cùng sống cùng chết, đó không chỉ là tình, còn là nghĩa, là trung.

Cuộc đời của họ là một câu chuyện cảm động về những chiến công và tình nghĩa, là một áng văn hùng tráng, một nét thơ trữ tình trong lịch sử Việt Nam.

*Tư liệu tham khảo:

- Đại Nam thực lục

- Danh tướng trong lịch sử Việt Nam ( NXB Khoa học Xã hội_2013) trang 217,218,219

- Những liệt nữ trong lịch sử Việt Nam (NXB Lao Động_2013) trang 93,94

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại