Mệt mỏi vì lạm phát ở châu Âu

QUẾ VIÊN (từ Đan Mạch) |

Người dân các nước EU, kể cả Đức, Bỉ, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Đan Mạch..., đều đang quay cuồng với giá sinh hoạt tăng chóng mặt mỗi ngày, lạm phát tăng cao và viễn cảnh một mùa đông giá buốt vì thiếu hụt năng lượng.

Người đi đường đi qua các cửa hàng ở thủ đô Copenhagen, Đan Mạch - Ảnh: Bloomberg

Người đi đường đi qua các cửa hàng ở thủ đô Copenhagen, Đan Mạch - Ảnh: Bloomberg

Áp lực giá cả tăng nhưng lương không tăng đã đẩy những thông tin khác, kể cả tin chiến sự leo thang ở Ukraine lẫn dịch bệnh, xuống hàng thứ yếu.

Việc làm ở Đan Mạch giảm

Theo thống kê mới đây của Chính phủ Đan Mạch (quốc gia nơi tôi đang sống), số việc làm trong tháng 7-2022 ở nước này đã giảm 5.000 so với tháng 6.

Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 1-2021, số việc làm trong cả nước không tăng lên mà giảm xuống, nguyên do là 1/3 các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã và đang chịu những tác động tiêu cực.

Tháng 7 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra đề xuất các nước giảm 15% lượng điện tiêu thụ trong trường hợp thiếu khí đốt và nhiệt độ xuống rất thấp, nếu không mạng lưới điện chung sẽ phải ngắt trong những khoảng thời gian nhất định.

Tuy nhiên, giáo sư môn điều tiết năng lượng Brian Vad Mathielsen (ĐH Aalborg, Đan Mạch) cho rằng người Đan Mạch phải giảm mức tiêu thụ tới 20% hầu tránh những tình huống xấu nhất.

Chính phủ Đan Mạch dự kiến trong tình huống khẩn cấp sẽ phải giảm một phần hoặc toàn bộ khí đốt cung cấp cho 47 doanh nghiệp lớn nhất, chiếm tới 25% lượng khí đốt tiêu thụ, như sữa Arla, bia Carlsberg, Tập đoàn dược phẩm Novo Nordisk...

Hiện nay các cơ quan, đơn vị hành chính công tại châu Âu đều đã hạ nhiệt độ sưởi xuống 19oC, trong khi trên báo chí xuất hiện những bài hướng dẫn cách luộc khoai tây, nấu ăn, giặt đồ tiết kiệm năng lượng.

Chuỗi nhà hàng Madklubben tại Đan Mạch bắt đầu thay khoai chiên giòn bằng khoai tây luộc khi phục vụ món phi lê cá chiên cho thực khách.

Na Uy, nước láng giềng với Đan Mạch, dù vẫn đang cố gắng tăng công suất cung cấp khí đốt tự nhiên cho các nước nhưng chính họ cũng khổ sở vì giá năng lượng tăng quá cao.

Theo thông tấn xã NTB của Na Uy, các nhà thờ tại thủ đô Oslo đã nhất trí kể từ ngày 22-9 sẽ giữ nhiệt độ trong nhà thờ cao nhất chỉ là 15oC, nếu không Hội thánh thủ đô Oslo sẽ bắt buộc phải đóng cửa một số nhà thờ.

Mệt mỏi vì lạm phát ở châu Âu - Ảnh 1.

Tỉ lệ lạm phát dựa vào chỉ số hài hòa giá tiêu dùng (HICP) của các nước EU tháng 8-2022 - Dữ liệu: ANH THƯ - Statista - Đồ họa: T.ĐẠT

Chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất

Chính phủ các quốc gia châu Âu đều khẩn trương chuẩn bị những kịch bản xấu nhất có thể xảy ra trong thời gian tới.

Theo báo Bild (Đức), trong những tháng gần đây cảnh sát Berlin đã âm thầm tiến hành kế hoạch được gọi là "Khủng hoảng năng lượng", do Đức là nước tiêu thụ năng lượng nhiều nhất tại châu Âu và cũng lệ thuộc vào khí đốt nhập từ Nga nhiều nhất.

Một trong những kịch bản là Đức phải áp dụng việc phân phối điện và khí đốt theo định mức, có nghĩa là người Berlin chỉ có thể bật hệ thống sưởi, nấu ăn, có nước nóng vào những thời điểm nhất định.

Chuyện này có thể dẫn tới việc một số gia đình đốt củi trên ban công, trong nhà, từ đó làm tăng nguy cơ hỏa hoạn.

Nhưng tồi tệ nhất là nguy cơ xảy ra tình trạng bất ổn xã hội, bạo loạn, cướp phá, người dân không rút được tiền, xe lửa bị dừng giữa đường ray, điện thoại di động không hoạt động... do cung cấp năng lượng bị gián đoạn.

Theo ước tính của các chuyên gia, Đức chỉ có khả năng dự trữ năng lượng cho 80 - 90 ngày vì nhu cầu tiêu thụ quá cao.

Các cơ quan chức năng của Thụy Sĩ cũng đề cập tới an toàn công cộng trong trường hợp mất điện do thiếu khí đốt, những hậu quả có thể xảy ra khi người dân không có tiền hoặc không được sưởi ấm.

Nhìn chung, đại đa số người châu Âu tuy lo lắng nhưng tỏ ra khá bình tĩnh trước tình hình hiện nay, chỉ lo tiết kiệm mọi chi phí có thể tiết kiệm được.

Điều này có lẽ do ký ức về những khó khăn trong Thế chiến thứ 2 và nhiều năm sau đó vẫn còn đọng trong nhiều người, và ai nấy đều ý thức được rằng những ngày sắp tới sẽ còn khó khăn hơn nhiều!

Cảm giác tiền lương ngay lập tức "bốc hơi"

Những ngày này, nhiều gia đình tại châu Âu có cảm giác như tiền lương ngay lập tức bốc hơi khi lạm phát đẩy giá cả sinh hoạt và nhiên liệu lên cao, chủ nhà tăng tiền thuê và hóa đơn điện nước liên tục tăng vọt, theo trang tin Euronews.

"Bất kể bạn có thu nhập là bao nhiêu, cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đến tất cả mọi người", cô Sara Moghal, 20 tuổi, ở London (Anh), nói với Đài NPR. Cô Moghal đặc biệt lo lắng những gì cuộc khủng hoảng sẽ mang đến cho mọi người, nhất là vào mùa đông khi hầu hết người Anh dựa vào khí đốt để tạo ra điện và sưởi ấm.

Anh Dorian Mills, 30 tuổi và là quản lý một công ty cocktail ở London, cho biết chi phí sinh hoạt đang trở nên vô lý khi tiền thuê nhà lại tăng trong tháng 9. "Chi phí để đi từ đây đến Brighton giờ cũng giống như đi từ đây đến Tây Ban Nha", anh Mills cho biết khi hiện anh phải cân nhắc về các chuyến thăm cha mẹ ở thành phố Brighton, Anh.

"Chúng tôi đã gặp vấn đề với các hóa đơn điện và khí đốt, và bây giờ chúng tôi đang gặp khủng hoảng việc làm", ông Igor Moresi, người đã làm việc được 22 năm tại Nhà máy thép Acciai Speciali Terni của Ý, cho biết.

Tuần trước, nhà máy này đã cho 400 trong số 2.278 công nhân tạm nghỉ để cắt giảm chi phí khi giá năng lượng và lạm phát tăng vọt, theo Hãng tin Reuters.

ANH THƯ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại