Mệt mỏi khi qua phà Cát Lái

Thanh Hải |

Theo phản ánh của bạn đọc Báo SGGP, gần đây, phà Cát Lái (nối TP Thủ Đức, TPHCM với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) thường xuyên xảy ra ùn ứ vào giờ cao điểm, ngày cuối tuần và dịp lễ, tết. Trong khi đó, dự án xây dựng cầu Cát Lái đã có nhưng vẫn chưa triển khai. Vậy làm sao để phà Cát Lái thoát cảnh ùn ứ?

“Tắc” từ đường bộ đến đường sông

Cơn mưa tầm tã vào ngày chủ nhật của tháng 9 càng làm cho nhiều phương tiện xếp hàng dài trên đường dẫn lên phà Cát Lái (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai). Theo ghi nhận, xe máy chờ nối đuôi nhau hơn 500m; với ô tô kéo dài đến 2-3km, chủ yếu là các xe du lịch 4-7 chỗ.

Dẫu trung bình 10-15 phút có một chuyến phà nhưng vẫn chưa giải tỏa được ùn ứ. Các phương tiện xếp hàng kéo dài từ 16 giờ đến 19 giờ. Trong lúc chờ phà, nhân viên phà mặc áo mưa đến từng phương tiện và “tăng tốc” xé vé cho hành khách đứng xếp hàng. Bên cạnh đó, phà cũng cho hoạt động 2 đường cầu phao để các phương tiện lên, xuống phà nhanh hơn. Trái ngược, bên phía TPHCM, đường Nguyễn Thị Định (TP Thủ Đức) chỉ lác đác vài phương tiện đang chờ phà để lên.

Tương tự, ghi nhận vào ngày 25-9, các phương tiện ùn ứ vào buổi sáng bên đầu phà thuộc huyện Nhơn Trạch và buổi chiều thì ùn ứ tại khu vực TP Thủ Đức. Theo nhân viên bán vé, tình trạng giao thông ùn ứ diễn ra vào ngày cuối tuần là chủ yếu vào tối thứ sáu, sáng thứ bảy tại khu vực TPHCM; ngày chủ nhật thì ùn tắc vào chiều tối tại khu vực Đồng Nai. Phần lớn ngày cuối tuần, các phương tiện đông chủ yếu là đi du lịch từ TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Các ngày trong tuần chủ yếu ùn ứ buổi sáng từ khu vực tỉnh Đồng Nai, ngược lại chiều tối ùn ứ ở khu vực TPHCM. Thường ùn ứ giao thông chỉ diễn ra trong khoảng 1-2 giờ. Những dịp lễ tết, các phương tiện đậu chờ, xếp hàng dài gấp đôi so với ngày cuối tuần và thời gian kẹt xe thường từ 3-4 giờ. Nhiều năm nay, mỗi khi chở khách đi Vũng Tàu, anh Đỗ Phương Hoàng (ngụ quận 11) luôn ngán ngẩm mỗi khi qua phà Cát Lái.

Mệt mỏi khi qua phà Cát Lái - Ảnh 1.

Người và phương tiện xếp hàng dài chờ qua phà Cát Lái (hướng từ huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Anh Hoàng cho biết, mỗi lần cao tốc TPHCM - Long Thành xảy ra sự cố tai nạn giao thông hay ngày cuối tuần thường xảy ra kẹt xe là lực lượng chức năng sẽ hạn chế phương tiện lên cao tốc. Thêm vào đó, từ ngày cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo đi vào hoạt động thì cao tốc TPHCM - Long Thành càng ùn tắc ngày cuối tuần.

Từ đó, cánh tài xế chỉ còn 2 hướng lựa chọn là đi phà Cát Lái hoặc quốc lộ 1A. Thông thường, quốc lộ 1A cũng xảy ra ùn tắc, quãng đường xa hơn nên tài xế thường chọn đi phà Cát Lái. Nếu kẹt bên phía tỉnh Đồng Nai đã đành, ô tô xuống phà đi đường Nguyễn Thị Định lại xảy ra tình trạng ùn tắc do xe container rất nhiều.

Nếu cầu Cát Lái được xây dựng, đưa vào hoạt động sẽ thêm một lựa chọn cho người dân, đồng thời các xe container cũng không còn đi sâu vào trung tâm TPHCM để đến cảng Cát Lái mà có thể lựa chọn cầu Cát Lái đi qua Đồng Nai.

Kiến nghị đóng thêm phà

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Xí nghiệp quản lý phà Cát Lái, cho hay, hiện xí nghiệp có 7 phà đang hoạt động, gồm 2 phà trọng tải 200 tấn, 3 phà 100 tấn và 2 phà 60 tấn. Phà chỉ quá tải vào giờ cao điểm, ngày cuối tuần và các dịp lễ, tết. Trung bình vào dịp lễ, có hơn 75.000 lượt khách qua phà mỗi ngày.

Những dịp này, công ty phải huy động hết các phà và nhân viên phục vụ người dân đi lại nhưng vẫn đủ phà để đáp ứng nhu cầu người dân. Trung bình, phà loại 200 tấn chỉ chở khoảng 20 ô tô 4-7 chỗ và 100 xe máy; các phà loại nhỏ hơn thì giảm dần theo số lượng. Trước năm 2019, xí nghiệp phải “cất” 4 phà do hết niên hạn sử dụng. Chính từ đó, phà không đủ công suất để phục vụ nhu cầu người dân.

Ông Nguyễn Chiến Thắng cho hay, trước đó, xí nghiệp cũng được giới thiệu thuê phà biển để phục vụ hoạt động phà Cát Lái. Tuy nhiên, qua kiểm tra phà biển cho thấy, kỹ thuật vận hành và thiết kế không phù hợp di chuyển trên sông. Vì vậy, xí nghiệp đang đề nghị đóng thêm 2 phà loại 200 tấn. Tùy theo động cơ và kết cấu, phà đóng có giá trung bình từ 30-40 tỷ đồng/chiếc. Xí nghiệp đã được Sở GTVT ủng hộ phương án đóng tàu mới và đang chờ Sở Tài chính hướng dẫn làm các quy trình thủ tục hồ sơ.

Theo ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, cầu Cát Lái đang được đưa vào quy hoạch các dự án giao thông kết nối giữa TPHCM với tỉnh Đồng Nai. Quan điểm của TPHCM là cầu Cát Lái sẽ đưa vào đầu tư năm 2025 để đồng bộ với các dự án của TP Thủ Đức.

Hiện nay, cầu Cát Lái đang được tính toán kỹ thuật, các phương án tàu thuyền di chuyển qua để phù hợp với tĩnh không cây cầu, bởi khu vực này có số lượng tàu, thuyền trọng tải lớn chở hàng hóa thường xuyên đi qua để cập cảng Cát Lái. Bên cạnh đó, cầu 1A của dự án đường Vành đai 3 - TPHCM sau khi hoàn thành sẽ giảm tải một phần khu vực phà Cát Lái.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại