Riêng với Fabregas, từ lâu rồi anh chỉ biết thốt lên: "Messi vĩ đại nhất thế giới".
Sự chờ đợi và nỗi thất vọng của Messi
Ngày 17/9/2000, Messi cùng cha đáp máy bay xuống phi trường El Prat, sau chuyến bay tư Buenos Aires, tạm dừng một chặng ở thủ đô Madrid. Vừa đến xứ Catalunya, điều đầu tiên diễn ra với Messi là một trận nôn thốc nôn tháo.
Hôm ấy, Messi cùng cha đến Barcelona để bắt đầu bài kiểm tra để gia nhập học viện La Masia. Ít ngày trước đó (14/9/2000), ông Jorge Messi, cha của Leo, đã nhận được cam kết về việc ký hợp đồng và điều trị bệnh thiếu hormone tăng trưởng từ Carles Rexach - GĐKT Barca, kiêm cố vấn của Chủ tịch Joan Gaspart.
Messi được nghỉ ở một khách sạn ngay đối diện sân Camp Nou, trong căn phòng 546, để chuẩn bị cho bài kiểm tra vào sáng hôm sau (18/9). Khách sạn ấy luôn tự hào là nơi đầu tiên mà Messi ngủ qua đêm ở Tây Ban Nha. Nhưng bài kiểm tra đã không diễn ra, vì Rexach vắng mặt đột xuất để giải quyết một số việc khác.
Rất lâu sau đó, mọi chuyện vẫn không được giải quyết. Cha con Messi chờ đợi trong hy vọng và cả bất an. Dịp ấy, Barca chuẩn bị tiếp Milan ở vòng bảng Champions League (ngày 26/9; Barca thua 0-2). Ông Jorge Messi muốn mua vé cho con trai vào xem nhưng không thể.
Phía CLB cũng không giúp đỡ. Có thể hiểu cậu bé 13 tuổi thất vọng như thế nào, khi đứng trước cánh cửa sân Camp Nou, muốn xem trận đấu đỉnh cao của bóng đá châu Âu, nhưng không đạt được giấc mơ.
Vào tháng 10/2000, ông Jorge Messi tuyên bố, sẽ đưa con trai rời khỏi thành phố Barcelona, nếu không nhận được hợp đồng trong thời gian sớm. Trước áp lực từ gia đình, ngày 14/12/2000, Rexach soạn thảo gấp một bản hợp đồng trên giấy ăn, trong nhà hàng Club Tenis Pompeia.
Sở dĩ Charly - biệt danh của Rexach - phải soạn thảo gấp hợp đồng trên giấy ăn là vì gia đình Messi không chờ đợi được nữa. Đã 3 tháng trôi qua từ khi Messi lần đầu đến xứ Catalunya. Hơn nữa, đa số các quan chức Barca chưa chấp nhận Messi, mà để lâu thì vuột mất viên ngọc trẻ.
Trong mắt tất cả, Messi quá yếu đuối
Câu chuyện về việc Rexach bảo vệ Messi trước Hội đồng Barca, cũng như bản hợp đồng trên giấy ăn được tất cả mọi người ở CLB đều biết. Các cầu thủ trẻ ở La Masia cũng vậy. Chính vì thế, sau lễ Giáng sinh, đầu năm 2001, Messi được đưa vào ra mắt lứa cầu thủ 1987 ở La Masia, và tất cả đều ngạc nhiên.
Đứa trẻ nào cũng nghĩ Messi là một thứ gì đó kỳ lạ, phải ghê gớm lắm. "Messi đây ư? Cậu ta nhìn như một cọng bún vậy", Fabregas chào đón "ma mới". Trong cuốn tiểu sử mang tên "Messi" của cây bút Guillem Balague, Fabregas nhớ lại khoảnh khắc ấy: "Cậu ấy quá thấp, yếu đuối. Tất cả chúng tôi đều chung một suy nghĩ, cậu ấy sẽ chẳng làm được gì".
Theo nhà báo Guillem Balague, HLV đội trẻ khi ấy đã lên tiếng rất nghiêm khắc với tất cả các thành viên, mà không để cho Messi nghe thấy: "Không ai được bắt nạt Messi. Cậu ấy quá nhỏ so với các cậu". Ông sợ rằng những cầu thủ cũ sẽ khiến Messi bị tổn thương.
Sau đó, Messi được xếp ở cùng với Gerard Pique, mà giữa hai người mang hình ảnh tương phản. Messi đứng bên Pique - một trong những cầu thủ trẻ cao nhất đội - như thể tí hon và người khổng lồ.
Hôm Messi ra mắt La Masia, với tư cách một học viên chính thức như Fabregas và Pique, trên khán đài xuất hiện khán giả. Đây là điều vốn không có trong buổi tập đội trẻ.
Nhiều người đến để thỏa mãn tò mò, cậu bé ấy là ai, mà BLĐ Barca phải thực hiện những điều vô lý để sang tận Argentina mang về. Những tiếng cười vang lên khi người ta thấy Messi, quá nhỏ bé và yếu đuối giữa những đứa trẻ châu Âu được chăm sóc kỹ lưỡng từ khi còn rất nhỏ.
Những tiếng cười kéo dài vài phút, rồi im bặt khi Messi thực hiện những cú chạm bóng đầu tiên. Đó là màn tâng bóng mà mọi đứa trẻ đều thích làm. Chẳng ai đếm được Messi tâng bóng bao nhiêu lần, vì còn bận ngạc nhiên trước kỹ thuật điều khiển bóng của cậu bé.
Cho đến khi các HLV yêu cầu, Messi mới dừng lại. Trước đó vài tuần, Messi có màn biểu diễn tâng trái cam ở quê nhà Rosario, được 113 lần, và 140 lần tâng quả bóng tennis.
Đến ngày 7/3/2001, Messi đá trận đầu tiên với đội Infatil B, và ghi 1 bàn. Nhưng trận đấu sau đó, cách nay vừa đúng 17 năm, Messi gãy chân trái và bỏ lỡ phần còn lại của mùa giải 2000-01. Mùa 2001-02, Messi đá 15 trận và ghi 21 bàn. Hiệu suất ấn tượng ấy khởi đầu cho sự tiến bộ không ngừng của Messi, trước khi ra mắt Barca năm 2004, trong trận derby với Espanyol.
Barca suýt mất Messi vì Saviola
Charly Rexach là người hùng với tờ khăn ăn lịch sử, nhưng Barca có thể đã mất Messi nếu không có Juan Lacueva - một cựu thành viên Espanyol, giữ cương vị Phó TGĐ phụ trách nền tảng trẻ.
Rexach đưa Messi đến thành Barcelona, nhưng ông quá nhiều việc phải làm, bao gồm cả soạn thảo kế hoạch mua Javier Saviola - được ví là Maradona mới khi ấy. Barca vừa tổn thương vì mất Luis Figo vào tay Real Madrid, nên quyết lấy Saviola (họ đã thành công năm 2001).
Messi và Saviola trong màu áo Barca
"Chúng tôi tập trung nhiều vào Saviola", Lacueva thừa nhận. Điều đó khiến Barca xem nhẹ Messi. "Chưa bao giờ chúng tôi phải làm nhiều thứ đến vậy, cho một cầu thủ 13 tuổi". Chính Lacueva đã đứng ra giải quyết nhiều chuyện, để gia đình Messi kiên nhẫn chờ đợi. Trong đó, liều hormone tăng trưởng đầu tiên mà Messi sử dụng là do Lacueva tự bỏ tiền túi ra mua.
Ông nói dối do Barca cung cấp, như một phần cam kết của Rexach. "Tôi phải làm công việc của tôi. Đôi khi nói dối lại là điều tốt đẹp. Trên cương vị của tôi lúc ấy, hoặc phải làm mọi thứ có thể, hoặc để mất viên ngọc ấy".
Vì tập trung vào Saviola, bản hợp đồng thất bại, Gaspart trở thành một trong những chủ tịch tệ nhất lịch sử Barca. Ông mất việc vào năm 2003. Nhưng Rexach và Lacueva đã cứu vãn tình hình bằng viên ngọc Messi, người đã mở ra kỷ nguyên rực rỡ nhất cho CLB xứ Catalunya.
"Messi vĩ đại nhất thế giới. Cậu ấy vượt ra khỏi những gì chúng ta có thể suy nghĩ", Fabregas tâm sự, trước khi những người bạn gặp nhau trên sân cỏ, khi Barca quyết đấu Chelsea vì chiếc vé Tứ kết Champions League.