Messi - con ốc hàng hiệu trong cỗ máy Nam Mỹ rệu rã

Nguyên Anh |

Chẳng phải ngẫu nhiên mà cùng là Messi, nhưng hình ảnh của siêu sao này ở Barca và ở ĐTQG Argentina dường như nằm ở hai thái cực đối lập nhau đến mức chẳng nhận ra.

Khi cả thế giới nhìn vào pha sút hỏng penalty của Lionel Messi, pha bóng góp phần vào thất bại của đội tuyển Argentina trong trận chung kết với Chile tại Copa America 2016 và rất nhiều người chảy nước mắt cùng với anh, có lẽ ít ai nhớ tới để đau một nỗi đau khác âm ỉ hơn nhiều, nhức nhối hơn nhiều.

Trước đó không lâu, Brazil bị Peru loại khỏi Copa America ngay từ vòng đấu bảng, mặc dù bàn thắng duy nhất trong trận đấu ấy được cho là ghi bằng tay nhưng trọng tài không nhìn thấy.

Nỗi đau là ở chỗ người ta không thấy sốc nữa, và những thất vọng, buồn bã hay oán trách dường như đã lặn vào bên trong, máu chảy chậm lại và tim cơ hồ như ngừng đập.

Khi Brazil đã thua Đức tới 7 bàn không gỡ ở giải đấu lớn nhất thế giới - World Cup 2014 thì còn điều gì ở thế giới bóng đá làm người ta phải ngạc nhiên

Messi - con ốc hàng hiệu trong cỗ máy Nam Mỹ rệu rã - Ảnh 1.

Thua 7 bàn trắng trước Đức tại World Cup 2014 là thất bại nhục nhã nhất của bóng đá Brazil.

Brazil từng không tệ đến thế. Nói ra nhận xét ấy cũng đã là ngượng mồm nếu bạn hâm mộ lối đá bay bướm và cống hiến của bóng đá Nam Mỹ mà đại diện là các đội tuyển Braxin và Argentina.

Hơn thập kỷ trước, nghĩa là cũng chưa lâu lắm, bóng đá Brazil còn sản sinh ra Ronaldo "béo" để thừa sức hạ Đức nhẹ nhàng 2 bàn tại World Cup 2002.

Ở World Cup 2010, Lionel Messi rê bóng qua 4 cầu thủ Đức và mất bóng ở cầu thủ thứ 5 - cũng chính là cầu thủ đầu tiên trong số 4 cầu thủ trên, để rồi Argentina vỡ trận cùng 4 bàn thua vỡ mặt.

Nhưng thực ra Argentina cũng từng không tệ đến thế. Maradona lùi về sân nhà trong trận chung kết với Đức tại World Cup 1986 để kiến thiết bóng và Đức thua 2-3 trong cay đắng dù đã lỳ lợm gỡ hòa tới 2 lần.

Đó chỉ là một trong nhiều dịp bóng đá châu Âu phải học hỏi một cách tâm phục khẩu phục những nghệ sỹ sân cỏ ở các quốc gia Nam Mỹ

Yếu tố nào làm bóng đá Nam Mỹ bị hạ nhục trong mươi năm đổ lại đây là một câu hỏi không dễ trả lời, song có lý do để cho rằng châu Âu đã làm hỏng những tài năng sân cỏ Nam Mỹ bằng cách xây dựng họ thành những tượng đài thay vì giao cho họ vị trí thủ lĩnh hoặc nhiệm vụ là người sáng tạo hay kẻ mơ mộng.

Messi - con ốc hàng hiệu trong cỗ máy Nam Mỹ rệu rã - Ảnh 2.

Những siêu sao Nam Mỹ bây giờ mang dáng dấp "ông chủ" trên sân hơn là những kiến trúc sư, kẻ mơ mộng như Maradona ngày nào.

Những ngôi sao Nam Mỹ đang chơi bóng tại châu Âu như Messi hay Neymar luôn có vài cầu thủ vệ tinh cung cấp bóng, làm chim mồi, đánh chặn... để chỉ việc rảnh chân ghi bàn.

Rốt cuộc khi trở về với đội tuyển quốc gia, những ngôi sao này trở nên xoàng xĩnh khi không còn được ưu ái như ở CLB, hoặc nếu có thì chất lượng cầu thủ vệ tinh không bằng. Và ai mà biết được, liệu những cầu thủ ở đội tuyển quốc gia phải đóng vai trò làm vệ tinh cho họ có hài lòng hay không.

Thành thử, việc Lionel Messi tuyên bố giã từ đội tuyển quốc gia ở tuổi 29 có khi lại là điều may mắn cho bóng đá Argentina. Một cỗ máy chỉ nguy hiểm khi nó vận hành hoàn hảo ở mọi khâu chứ không phải vì nó có một con ốc hàng hiệu.

Vắng Messi, Argentina sẽ dễ vận hành hơn do không mất công bố trí người phục vụ anh.

Đó là điều đáng để ngậm ngùi nếu ta nhớ rằng dù ở Napoli hay ở đội tuyển Argentina, cậu bé "vàng" Maradona luôn là kiến trúc sư, kẻ mơ mộng và trên hết, ông phục vụ không mệt mỏi cho cả đội, vì cả đội.

Maradona vĩ đại là vì thế!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại