Merck chia sẻ công thức thuốc điều trị Covid-19: Cơ hội cho nước nghèo thoát đại dịch

Hoàng Phạm |

Việc Merck đồng ý cấp giấy phép sản xuất thuốc điều trị Covid-19 cho một tổ chức phi lợi nhuận được Liên Hợp Quốc ủng hộ, mở ra cơ hội để loại thuốc này được sản xuất và bán rẻ ở những quốc gia nghèo nhất trên thế giới - những nơi vẫn đang rất khan hiếm vaccine ngừa Covid-19.

Merck đã cho phép 8 công ty dược phẩm lớn ở Ấn Độ sản xuất các phiên bản của thuốc molnupiravir. Ảnh: Reuters

Merck đã cho phép 8 công ty dược phẩm lớn ở Ấn Độ sản xuất các phiên bản của thuốc molnupiravir. Ảnh: Reuters

Thỏa thuận của Công ty dược phẩm Mỹ Merck với Tổ chức bằng sáng chế dược phẩm (Medicines Patent Pool) sẽ cho phép 105 quốc gia, chủ yếu ở châu Phi và châu Á có được công thức thuốc molnupiravir và giấy phép con sản xuất loại thuốc này.

Trước đó, Merck cho biết, kết quả thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn cho thấy thuốc molnupiravir có thể giảm một nửa tỷ lệ nhập viện và tử vong ở những bệnh nhân Covid-19 có nguy cơ cao khi những người này uống thuốc ở giai đoạn đầu mới nhiễm virus.

Những nước giàu, trong đó có Mỹ đã nhanh chóng đàm phán hợp đồng mua thuốc molnupiravir dù loại thuốc này vẫn chưa được các cơ quan quản lý cấp phép. Điều này đã dấy lên lo ngại các nước nghèo có thể sẽ không được tiếp cận loại thuốc điều trị Covid-19, tương tự như đã từng xảy ra với vaccine ngừa Covid-19.

Mở ra một tiền lệ quan trọng

Các công ty dược phẩm tại các nước đang phát triển dự kiến có thể bán thuốc molnupiravir với giá chỉ khoảng 20 USD cho một liệu trình 5 ngày, rẻ hơn rất nhiều so với mức giá 721 USD/liệu trình mà chính phủ Mỹ đã đồng ý trả cho hợp đồng mua sớm.

Các nhà ủng hộ quyền tiếp cận các phương pháp điều trị trên toàn cầu hoan nghênh thỏa thuận mới được công bố ngày 27/10, gọi đây là một bước đi chưa từng thấy ở một công ty dược phẩm lớn của phương Tây.

“Thỏa thuận cấp phép sản xuất của Merck là sự bảo vệ rất tốt và có ý nghĩa đối với những người sống ở các nước [có thu nhập thấp và trung bình] nơi mà hơn một nửa dân số thế giới sinh sống”, ông James Love, người đứng đầu tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận Knowledge Ecology International cho biết.

Merck đã cho phép 8 công ty dược phẩm lớn ở Ấn Độ sản xuất các phiên bản của thuốc molnupiravir. Tuy nhiên theo bà Jenelle Krishnamoorthy, Phó giám đốc phụ trách chính sách toàn cầu của Merck, việc chỉ sản xuất ở một khu vực sẽ không đủ để đảm bảo khả năng tiếp cận nhanh chóng loại thuốc này ở các nước đang phát triển.

Vì thế, Merck đã tham gia vào các cuộc đối thoại với Tổ chức bằng sáng chế dược phẩm để tìm kiếm các công ty dược phẩm tiềm năng khác có khả năng đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng cao, trong đó có cả những tiêu chuẩn chất lượng của WHO.

Merck đã cam kết hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho bất cứ công ty được cấp phép nào cần trợ giúp trong việc sản xuất thuốc.

Đề xuất này cùng với hành động nhanh chóng của Merck nhằm đưa sản phẩm tới các nước đang phát triển trái ngược với lời từ chối của Pfizer và Moderna chuyển giao công nghệ cho các công ty tiềm năng sản xuất vaccine công nghệ mRNA ở châu Phi, châu Á hay Mỹ Latin.

Đầu những năm 2000, Merck từng là tâm điểm chỉ trích của các nhà hoạt động trong cuộc chiến dài vì các loại thuốc giá cả phải chăng điều trị HIV. Đây có thể là một trong những lý do khiến Merck không thay đổi chiến lược đối với thuốc điều trị Covid-19.

Charles Gore, Giám đốc Tổ chức bằng sáng chế dược phẩm nói rằng, thỏa thuận mới với Merck là giấy phép y tế minh bạch đầu tiên đối với một loại thuốc điều trị Covid-19.

“Điều đó thực sự rất quan trọng. Đây là loại thuốc mà mọi người có thể sử dụng bên ngoài bệnh viện và có giá rẻ. Loại thuốc này được kỳ vọng sẽ giúp ngăn chặn sớm các ca tử vong do Covid-19 ở những nước có thu nhập thấp và trung bình”, ông Gore nói.

Ông Gore cho biết, hơn 50 công ty của các nước đang phát triển, đã tiếp cận tổ chức này để xin giấy phép sản xuất.

Cơ hội cho các nước nghèo thoát đại dịch

Theo ông Gore, thỏa thuận với Merck cũng là một tiền lệ rất quan trọng. “Tôi hy vọng điều này sẽ là khởi đầu cho nhiều công ty, cá nhân khác tìm đến Medicines Patent Pool để cấp giấy phép sản xuất, vì rõ ràng việc tiếp cận các phương pháp điều trị hiện nay đang là một vấn đề. Trên quan điểm khoa hịc, ngành công nghiệp dược phẩm đã làm rất tốt, đầu tiên là vaccine và giờ là các phương pháp điều trị. Nhưng việc tiếp cận vaccine và thuốc lại khiến nhiều người thất vọng”, ông Gore nhấn mạnh.

Pfizer cũng đang thử nghiệm lâm sàng thuốc kháng virus điều trị Covid-19 và công ty này hiện đang thảo luận với Tổ chức bằng sáng chế dược phẩm.

Molnupiravir do Merck và Ridgeback Biotherapeutics Miami phát triển, dựa trên phân nghiên cứu của Đại học Emory ở Atlanta. Cả 3 bên đều tham gia vào thỏa thuận cấp phép sản xuất và sẽ không đòi chi phí từ bất cứ công ty nào được cấp giấy phép con.

Merck cũng đã nộp dữ liệu thử nghiệm lâm sàng lên Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) để xin cấp phép khẩn cấp. Quyết định có thể được đưa ra vào đầu tháng 12 tới.

Cơ quan quản lý ở các nước khác sản xuất một phiên bản của molnupiravir sẽ cần đánh giá loại thuốc này. Một số nhà sản xuất thuốc có thể sẽ yêu cầu WHO đánh giá chất lượng cho các phiên bản của họ, để có thể bỏ qua các quy trình thủ tục riêng của từng nước.

Ở Nam Phi, các nhà hoạt động về quyền tiếp cận thuốc gọi thỏa thuận cấp phép sản xuất là một bước đi tích cực.

“Chúng tôi đã mất rất nhiều sinh mạng vì rào cản giấy phép sản xuất”, bà Sibongile Tshabalala, Chủ tịch một chiến dịch hành động tại Nam Phi từng vận động các công ty dược phẩm toàn cầu cung cấp các loại thuốc điều trị HIV giá cả phải chăng và hiện đang vận động cho việc tiếp cận vaccine ngừa Covid-19 trong những tháng gần đây, nói.

Theo bà Tshabalala, việc mở rộng phạm vi các quốc gia được sản xuất molnupiravir sẽ đảm bảo giá thuốc thấp nhất có thể và giúp các hệ thống y tế công cộng ở châu Phi có thể dễ dàng mua và sử dụng rộng rãi./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại