Có rất nhiều nguyên nhân khiến hacker có được thông tin từ bạn, như hack từ máy chủ của nhà cung cấp dịch vụ hay thói quen sử dụng mật khẩu dễ nhớ, đăng nhập cùng một tài khoản trên nhiều máy của người dùng,…
Trong trường hợp, bạn muốn biết được tài khoản của mình liệu có nguy cơ bị tin tặc xâm nhập hay đã bị đánh cắp thông tin hay chưa thì bạn có thể sử dụng công cụ mới được Mozilla (chủ quản của Firefox) phát triển gần đây.
Theo đó, công cụ này có tên là Firefox Monitor. Tác dụng của nó là cho phép người dùng kiểm tra xem tài khoản trực tuyến của mình, bao gồm tài khoản email và những dịch vụ, trang web trực tuyến… đã từng bị hacker đánh cắp thông tin hoặc có đang bị kiểm soát hay không.
Để sử dụng công cụ Firefox Monitor, bạn đọc hãy truy cập vào website chính thức của Firefox Monitor . Bạn có thể truy cập bằng bất kỳ trình duyệt nào mà không nhất thiết phải là Firefox. Tiếp đến, giao diện trang web sẽ hiện ra, lúc này bạn chỉ cần điền địa chỉ email mà mình muốn kiểm tra vào khung trống rồi nhấn nút “Scan”.
Nếu kết quả mà bạn nhận được là "So far, so good" nghĩa là tài khoản của bạn vẫn an toàn và không nằm trong danh sách những email đã bị xâm nhập hoặc đánh cắp thông tin.
Tuy nhiên, nếu kết quả hiện ra là “This might be a problem”, nó có nghĩa là tài khoản email của bạn đã bị hacker chiếm đoạt và bị đánh cắp dữ liệu cá nhân.
Trong trường hợp email của bạn đã bị hacker đánh cắp thông tin đăng nhập, hãy lập tức thay đổi mật khẩu cho tài khoản này và thường xuyên thay đổi mật khẩu sau một khoảng thời gian nhất định. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng chức năng bảo mật khẩu 2 lớp để tăng cường bảo mật cho tài khoản email của mình.