Nhân vật đặc biệt này trong suốt 55 năm đã chuyển giao cho KGB nhiều tài liệu mật đặc biệt quan trọng, theo đánh giá của các chuyên gia, nhờ đó giúp cho Liên Xô thử nghiệm thành công bom hạt nhân trước 3 năm so với chính nước Anh. Điều đáng chú ý là Melita đã đồng ý hợp tác với tình báo Xô viết hoàn toàn xuất phát từ lý tưởng cộng sản.
Công bằng mà nói, câu chuyện của nữ điệp viên có mật danh là “Hola” này đã tốn rất nhiều giấy mực của báo chí, cũng như khiến giới chức nước Anh phải đau đầu. Người Anh đã dàn dựng cả một bộ phim dựa trên cuộc đời của bà.
Có điều bộ phim có tên “Red Joan” của đạo diễn Trevor Nunn đã ngụy tạo về động cơ hoạt động của bà: Melita hoạt động không phải vì tiền bạc, tình yêu hòa bình hay nỗi kinh hoàng trước những vụ ném bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki, mà đơn giản vì bà là một nữ đảng viên cộng sản trung kiên.
Với động cơ đó, Melita không nhận một đồng nào của KGB. “Tôi đơn giản chỉ là yêu quý Lênin” – nữ điệp viên kỳ cựu về sau đã thừa nhận như vậy.
Con gái chính trị gia lưu vong
Melita Norwood sinh ngày 25-3-1912 tại Pokesdown, London; tức là chỉ 3 tuần trước khi diễn ra thảm họa Titanic nổi tiếng trong lịch sử. Cũng vì lý do này mà bà được ví như một tảng băng trôi thực sự mà cơ quan tình báo Anh sau này sẽ đụng phải.
Cha của Melita – ông Alexander Sirnis – nhập cư vào Anh từ thời nước Nga Sa hoàng vì những lý do chính trị. Cũng giống như cha mẹ mình, Melita cũng có những quan điểm ủng hộ cho chủ nghĩa xã hội.
Sau cái chết của cha vào năm 1919, cả gia đình chuyển tới Southampton, là nơi Melita tốt nghiệp phổ thông, vào đại học. Cuộc đại suy thoái nổ ra vào đầu những năm 1930 đã buộc Melita phải bỏ dở sự nghiệp học hành tại Trường đại học tổng hợp Southampton, đặt chân tới London để tìm kiếm cơ hội có việc làm.
Là thành trì của tầng lớp nhân dân lao động trên toàn thế giới, Liên Xô khi đó vẫn được coi là một cái gai cần nhổ bỏ trong con mắt của cộng đồng các quốc gia tư bản. Họ đã làm ngơ để các chính quyền phát xít lên nắm quyền tại Italy và sau đó là Đức, với hy vọng sử dụng lực lượng này làm công cụ đối đầu và loại bỏ nhà nước XHCN đầu tiên trên thế giới.
Nhưng Liên Xô khi đó cũng có không ít người ủng hộ ngay tại châu Âu, vốn cho rằng quốc gia này có quyền để tồn tại. Họ còn sẵn sàng giúp đỡ bằng mọi nỗ lực, nếu như quốc gia trên bị lâm nguy.
Chính vì vậy, cơ quan tình báo Xô viết trong những năm đó đã thu hút được rất nhiều điệp viên sẵn sàng hoạt động không phải vì tiền bạc, mà vì những lý tưởng cộng sản mà họ luôn tôn sùng và ủng hộ. Melita chính là một trong những con người như vậy. “Tôi luôn yêu quí người Nga, nhưng cố gắng che giấu điều đó” – Melita tiết lộ trong một lần trả lời phỏng vấn sau khi đã bị vạch trần.
Năm 1932, Melita tìm được một công việc thư ký tại Hiệp hội nghiên cứu kim loại màu của Anh. Đến năm 24 tuổi, Melita tình nguyện gia nhập Đảng cộng sản Anh. Chồng của bà - Hilary Norwood – cũng là một đảng viên cộng sản và nhà hoạt động công đoàn. Với môi trường như vậy, khi được các đồng chí đề xuất về hoạt động giúp đỡ Liên Xô, Melita đã rất vui mừng nhận lời.
Cũng mới chỉ hoạt động tình báo được một năm, Melita đã có nguy cơ bị bại lộ. Trước đó, bà từng hợp tác với các điệp viên làm việc tại nhà máy quân sự WoolwichArsenal. Vào năm 1938, ba người trong số này bị phát hiện, bắt giữ với tội danh phản bội tổ quốc. Khi đó, cơ quan phản gián Anh thu được một cuốn sổ tay quý giá với phần mật mã ghi danh sách các điệp viên Xô viết tại Anh, trong đó có cả Melita.
Vấn đề là người Anh đã không thể giải mã được dù chỉ là một phần của cuốn sổ tay này. Tên tuổi của Melita do đó vẫn được giữ bí mật. Đảm nhiệm vai trò liên lạc viên xuất sắc cho Melita là Ursula Burton (mật danh là Sonia), một trong những điệp viên chủ chốt trong mạng lưới tình báo của Liên Xô tại Anh vào thời điểm đó.
Điệp viên Hola
Cơ quan nơi Melita đang làm việc đảm trách việc phối hợp hoạt động trong lĩnh vực nguyên cứu về hợp kim và công nghệ cao. Do những thông tin thuộc loại trên đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học Xô viết, nên Melita đã sao chép tất cả những tài liệu qua tay bà để chuyển tới cho liên lạc viên của mình.
Sau khi bị tiết lộ và khẳng định không hề hối tiếc với những gì đã làm, Melita được báo chí Anh mệnh danh là “Bà cụ đỏ” của tình báo Xô viết.
Khi đó, bản thân Melita không thể biết được, Moscow đã đánh giá cao như thế nào về những tài liệu do điệp viên có mật danh “Hola” chuyển về. Melita chính thức được xếp vào loại siêu điệp viên từ cuối những năm 1940, khi Hiệp hội nghiên cứu kim loại màu của Anh trở thành một trong những cơ quan chính tham gia vào dự án Tube Alloys nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử của Anh.
Từ đó, điệp viên “Hola” đã chuyển cho Liên Xô những kết quả nghiên cứu đặc biệt quý giá của các nhà khoa học Anh trong lĩnh vực vũ khí nguyên tử, giúp Moscow dù đi sau nhưng lại qua mặt cả London.
Sau Đại chiến thế giới thứ hai, Melita vẫn tiếp tục cung cấp nhiều tài liệu quan trọng về dự án hạt nhân của Anh. Cần nhớ là quả bom nguyên tử đầu tiên được Liên Xô thử nghiệm thành công là vào tháng 8-1949, trong khi Anh mãi tới tháng 10-1952 mới đạt được dấu mốc này.
Hoạt động của Melita chỉ tạm thời dừng lại một thời gian vào đầu năm 1950, sau khi cơ quan phản gián MI-5 phát hiện và bắt giữ hai điệp viên quan trọng khác của Liên Xô là Alan Nunn May và Klaus Fuchs. Chỉ hơn một năm sau (tháng 11-1951), bà lại tiếp tục bắt liên lạc lại và chuyển giao thông tin cho trung tâm.
Những tài liệu của Melita khai thác được không chỉ liên quan đến hoạt động chế tạo bom nguyên tử, mà còn được ứng dụng rất hiệu quả trong các ngành công nghiệp của Liên Xô. Cũng nhờ những đóng góp vô giá trên, Melita được tặng thưởng huân chương Cờ đỏ sau một sắc lệnh bí mật vào năm 1958.
Bị lộ vì tên phản bội
Melita hợp tác với tình báo Xô viết cho đến tận năm 1971. Nguyên nhân không phải do bị lộ mà là bà đã tới tuổi nghỉ hưu, không còn có cơ hội để giúp đỡ những người đồng chí có cùng lý tưởng nữa.
Vasili Mitrokhin.
Do Melita không hề che giấu mình là một đảng viên cộng sản, thậm chí còn là một thành viên hoạt động tích cực, cơ quan phản gián Anh đã đưa bà vào tầm ngắm từ cuối những năm 1930. Đến giữa những năm 1960, họ gần như đã khẳng định chắc chắn bà đang làm việc cho KGB. Vấn đề là London không hề có được bằng chứng gì.
Người Anh chỉ thực sự có được bằng chứng rõ ràng và thuyết phục từ Vasili Mitrokhin, một nhân viên ban lưu trữ của Tổng cục I – KGB. Vốn là một sinh viên tốt nghiệp ngành luật, Mitrokhin được mời vào KGB làm việc tại bộ phận tình báo đối ngoại từ năm 1948.
Vì một số lý do không phù hợp với chuyên môn, Mitrokhin đã không thể trở thành một điệp viên thực sự. Dù không bị sa thải, ông ta được sắp xếp một vị trí nhân viên văn phòng tại bộ phận hồ sơ lưu trữ.
Trong thời gian di chuyển trụ sở của cơ quan tình báo đối ngoại sang khu vực mới, Mitrokhin được giao nhiệm vụ vận chuyển các hồ sơ lưu trữ. Tận dụng cơ hội trên, hắn bắt đầu sao chép tài liệu và bí mật giấu chúng tại nhà của mình.
Dù rất muốn liên hệ bán số tài liệu quan trọng trên cho người Mỹ để lấy tiền, nhưng Mitrokhin đã nằm im trong một thời gian dài. Hắn hiểu rằng, mọi chuyện bị tiết lộ cũng đồng nghĩa với một bản án tử hình dành cho mình. Chính vì vậy, hắn vẫn tiếp tục chờ thời cơ, ngay cả khi đã nghỉ hưu vào năm 1984.
Cựu nhân viên KGB chỉ quyết định mạo hiểm sau khi Liên Xô tan rã. Năm 1992, Mitrokhin tới Estonia, đặt chân tới đại sứ quán Mỹ và đề nghị được bán những ghi chép trên.
Nhưng do các tài liệu của Mitrokhin được hắn chép lại bằng tay, nên người Mỹ không chấp nhận vì cho đó là giả mạo. Mitrokhin tiếp đó tới Latvia để kết nối với người Anh. Lần này, hắn đã được tin tưởng. Mitrokhin và số tài liệu nhanh chóng được chuyển tới London.
Phần thưởng cho sự phản bội của Mitrokhi là quốc tịch nước Anh cùng một căn nhà. London ban đầu đã không vội vàng công bố những thông tin trong kho lưu trữ của Mitrokhin, vì có nhiều bằng chứng cho thấy họ đã bị qua mặt trong một thời gian dài, trong đó có cả vụ của Melita. Tính ra, Mitrokhin đã trao cho người Anh rất nhiều tài liệu quan trọng bao trùm các hoạt động tình báo đối ngoại Xô viết trong giai đoạn từ 1930-1980.
Không hối tiếc!
“Giờ đây tôi vẫn tin tưởng rằng, mình đã không hành động chống lại và làm tổn hại đến quyền lợi của đất nước. Tôi đã làm tất cả những gì có thể để chủ nghĩa xã hội không bị lạc hậu so với phương Tây trong cuộc chạy đua vũ trang và có thể tự bảo vệ mình – bà Melita đã bình tĩnh trả lời các phóng viên tụ tập xung quanh nhà của mình như vậy, sau khi thông tin về hoạt động tình báo của bà bị tiết lộ - Tôi không có gì phải tiếc nuối và sẽ lại không hề dao động nếu được lựa chọn một lần nữa”.
Phóng viên Anh tụ tập quanh ngôi nhà của Melita với hy vọng được phỏng vấn bà.
Trước tiết lộ trên, phe Bảo thủ tại quốc hội đã nổi cơn thịnh nộ đòi đưa bà Melita ra tòa. Nhưng chính phủ Anh đã không hành động như vậy. Lý do thứ nhất họ đưa ra là những tài liệu chép tay của Mitrokhin không thể là bằng chứng thuyết phục tại tòa án. Thứ hai là do độ tuổi đã cao của bà Melita.
Tuy nhiên cũng có những nguồn tin khẳng định, phiên tòa xử Melita Norwood rất có thể trở thành một sân khấu để ca ngợi sự kiên định về lý tưởng cộng sản của bà. London cuối cùng đã quyết định không đưa vụ của Melita ra tòa.
Còn các nhà làm phim khi điện ảnh hóa sự nghiệp của bà đã cố tình làm sai lệnh động cơ hoạt động của bà chỉ xuất phát từ chuyện tiền bạc. Melita qua đời tại London vào năm 2005, vẫn sống lâu hơn kẻ phản bội đã bán đứng bà: Mitrokhin chết trước đó một năm rưỡi vì bệnh viêm phổi.