MediaTek: Chưa cười đã khóc vì Mỹ cấm Huawei

Du Lam |

Hãng sản xuất chip MediaTek của Đài Loan tưởng như là người hưởng lợi lớn nhất từ chiến dịch tẩy chay Huawei của Mỹ, song mọi thứ đã sụp đổ chỉ trong một ngày.

Hôm 17/8, Bộ Thương mại Mỹ thông báo cấm Huawei và 38 chi nhánh mua bất kỳ loại chip nào được sản xuất bằng công nghệ hay phần mềm của Mỹ. Chính phủ Mỹ tranh luận lệnh cấm vì lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cực lực phản đối hành động mà họ cho là “đàn áp” doanh nghiệp nước mình, bao gồm Huawei.

Trước đây, Mỹ đã cấm Huawei tiếp cận thị trường bán dẫn song lệnh cấm mới nhất nghiêm trọng hơn khi vá mọi lỗ hổng mà công ty có thể tận dụng. Biện pháp làm leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Huawei. Một số nhà phân tích nhận định đây là “án tử” mà Mỹ dành cho hãng sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc. Dù vậy, Huawei không phải người thiệt hại duy nhất.

Cơ hội của MediaTek

Tháng 5, Mỹ ban lệnh cấm dùng công nghệ Mỹ để sản xuất chip theo đơn đặt hàng của Huawei. TSMC, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, buộc phải tuân thủ vì chip do Huawei thiết kế được sản xuất trên quy trình phụ thuộc vào công nghệ Mỹ. TSMC báo hiệu sẽ rời bỏ Huawei bất chấp công ty Trung Quốc đóng góp 13% doanh thu cho hãng.

Lệnh cấm nhằm chặn đứng chip Huawei tự thiết kế nhưng vẫn chừa một đường lui: đó là mua chip của bên thứ ba. MediaTek nổi lên như công ty được hưởng lợi lớn nhất. MediaTek cũng dùng công nghệ Huawei song tự thiết kế chip, còn TSMC đơn thuần là nhà thầu sản xuất cho khách hàng như Huawei. Sự khác biệt then chốt ấy biến MediaTek thành phao cứu sinh cho Huawei. Thay vì nhờ cậy tới TSMC, Huawei có thể mua chip tiêu chuẩn từ MediaTek và đưa vào thiết bị .

Trong cuộc họp báo cáo kết quả kinh doanh ngày 31/7, CEO MediaTek từ chối nói về việc kinh doanh với Huawei. Tuy nhiên, ông tiết lộ công ty dự đoán sẽ cung cấp chip cho 40% điện thoại 5G tại Trung Quốc vào cuối năm 2020. Tham vọng này chỉ có thể xảy ra nếu chip MediaTek được Huawei sử dụng rộng rãi, theo Brady Wang, chuyên gia bán dẫn tại hãng nghiên cứu Counterpoint.

Các nhà đầu tư cũng đặt hi vọng vào thương vụ giữa hai bên. Cổ phiếu MediaTek trên sàn chứng khoán Đài Bắc đã tăng gấp đôi giá trị từ tháng 4 tới tháng 7.

Sụp đổ

Vận may của MediaTek thay đổi chỉ sau một đêm với thông báo hôm 17/8. Về cơ bản, nó đóng lại khe cửa hẹp dành cho Huawei, cũng là cơ hội cho MediaTek. Chỉ thị mới nói rõ bất kỳ nhà sản xuất chip nước ngoài nào dùng công nghệ Mỹ và bán chip cho Huawei – bất kể chip do Huawei thiết kế hay chip tiêu chuẩn – đều phải xin giấy phép của Mỹ.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết lệnh cấm nhằm vào các nhà cung ứng chip cho Huawei chưa được nhắc tới trong các lệnh trước đó. “Khi chúng tôi hạn chế tiếp cận công nghệ Mỹ, Huawei và chi nhánh vẫn làm việc thông qua bên thứ ba để khai thác công nghệ Mỹ theo cách làm xói mòn lợi ích chính sách ngoại giao và an ninh quốc gia Mỹ”, ông Ross nói.

Như một hệ quả, cổ phiếu MediaTek giảm gần 10 điểm tại Đài Bắc vào ngày 18/8. Cùng ngày, MediaTek khẳng định lệnh cấm sẽ không ảnh hưởng lớn tới hoạt động ngắn hạn. Song dường như các nhà đầu tư không lạc quan như vậy, bằng chứng là cổ phiếu MediaTek tiếp tục giảm vào ngày hôm sau.

Theo ông Wang, sau lệnh cấm mới, nỗi đau của Huawei cũng trở thành nỗi đau của MediaTek. Trong số các nhà cung ứng chip cho Huawei, MediaTek bị ảnh hưởng nặng nhất vì họ được mong đợi thiết kế phần lớn chip dùng trong điện thoại 5G Huawei. Không chỉ MediaTek, cổ phiếu của các nhà sản xuất chip châu Á khác cũng sụt giảm. Tại Đài Loan, cổ phiếu Novatek và Realtek giảm hơn 6%.

Số phận của MediaTek cùng các công ty trong ngành chip phản ánh quy mô khủng khiếp của lệnh cấm mới nhất. Về lý thuyết, hầu như mọi nhà sản xuất chip đều phụ thuộc vào công nghệ hay thiết bị Mỹ trong chuỗi cung ứng nguồn. Giám sát việc sử dụng công nghệ Mỹ nhằm “bỏ đói” Huawei nhưng cũng đồng thời cắt đứt gần như toàn bộ thị trường với người mua chip lớn thứ ba thế giới.

Trả lời Washington Post, Kevin Wolf, cựu quan chức cấp cao Bộ Thương mại Mỹ, cho hay mọi loại sản phẩm bán dẫn do nước ngoài sản xuất từ nay đều là đối tượng phải xin cấp phép từ Mỹ nếu Huawei hay một chi nhánh tham gia dù trực tiếp hay gián tiếp trong giao dịch. Mỹ phải quyết định có cấp giấy phép cho MediaTek và các nhà sản xuất chip hay không. Trong lúc này, rõ ràng khi Mỹ quăng mẻ lưới lớn hơn nhằm tóm gọn Huawei, nhiều con “cá bé” cũng bị lọt lưới.

(Theo Fortune)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại