Nông trại gần 1ha trồng rau, nuôi gà vịt
Cách đây gần 3 năm, vợ chồng chị Nguyễn Thị Miên (thường gọi là Min, 29 tuổi, TP.HCM) đưa con trai nhỏ rời thành phố Frankfurt về thị trấn Feldata, vùng ngoại ô của nước Đức. Tại đây, họ đã mua gần 1ha đất làm nông trại và sửa chữa lại căn nhà 700m2 sẵn có.
Dù đất rộng nhưng gần như chẳng có gì ngoài cây ăn quả lâu năm đã cằn cỗi, ngôi nhà cũ cũng đã xuống cấp. Không có chi phí, vợ chồng chị Min gần như tự tay làm tất để "khai hoang" căn nhà ẩm mốc, vườn tược tan hoang, cỏ mọc um tùm.
Họ trải qua một mùa đông -20 độ mà không có lò sưởi, thời gian đầu không có bếp nấu ăn nhưng cuộc sống dần dần ổn định. Chị Min tự trồng rau, quả, nuôi gà vịt để cung cấp bữa ăn sạch cho gia đình, muốn đi du lịch thì lên ngọn đồi sau nhà tìm chỗ cắm trại,…
Trước đó, vợ chồng chị đã tìm kiếm và xem hơn 10 nơi khác nhau mới có thể lựa chọn được mảnh đất ưng ý. Ngôi nhà hiện tại của gia đình họ có mặt tiền giáp thị trấn, phía sau là đồi núi, đồng cỏ đồng thời khá gần các tiện ích như trường học, bệnh viện, siêu thị, và sát ngay đường cao tốc đi qua.
Chị Min thu hoạch rau trong nông trại của mình.
Từ một cô gái Việt yêu vườn tược, thiên nhiên, nhưng chính chị Miên cũng không ngờ đến khi lập gia đình ở xứ người, chị đã thực hiện đã ước mơ "xây" một nông trại của riêng mình.
Chị kể: "Ngay từ khi có dự định mua nhà, mình đã ấp ủ mở farmstay và bán rau sạch cho người dân địa phương và bạn bè trên mạng xã hội. Đó là lý do dù phải vay lãi ngân hàng, vợ chồng mình vẫn chọn 1 mảnh đất thật rộng để thỏa sức nuôi trồng.
Hôm 12/6 vừa qua, mình đón những lượt khách đầu tiên đến với nông trại đồng thời mở bán nông sản tự trồng tại đây. Vất vả lắm vì hai vợ chồng đều không có kinh nghiệm, cũng còn nhiều thiếu sót nhưng cả hai đều hạnh phúc".
Những ngày chuẩn bị đón khách, hai vợ chồng chị cật lực dọn dẹp nhà cửa, trang trí 2 phòng ngủ, nhà vệ sinh, hành lang và ban công, vườn tược. Cả hai thức dậy thật sớm và làm việc đến tận đêm, có hôm chỉ ngủ được 2-3 tiếng lấy sức.
Cảm giác mệt mỏi nhanh chóng qua đi khi chị thấy những đứa trẻ thành phố được vui đùa trong khu vườn rộng lớn, được trải nghiệm làm nông dân, khách được hiểu hơn về văn hóa Việt, đặc biệt là các món ăn, nông sản Việt. Có vị khách nhận xét đến farm của chị như đang dừng chân ở Việt Nam.
Nông trại rộng lớn của gia đình chị Min đón những vị khách đến thăm.
Với các bạn yêu thích sự năng động thì có thể đến đây để đi dạo quanh đồi hay đạp xe xuyên rừng, khách thích sự nhẹ nhàng có thể làm bánh cùng chị Min hoặc nấu những món ăn đặc biệt của người Việt.
Bán nông sản Việt cho người bản địa
Trong khu vườn rộng lớn, vợ chồng chị Min trồng nhiều loại rau quả quê theo mùa. Mùa xuân và mùa thu là mùa của cây xứ lạnh như củ cải, cà rốt, cải bẹ xanh, cải ngồng, cải muối dưa, cải cúc,… Đến mùa hè từ tháng 5 đến tháng 9 là mùa cho các cây xứ nhiệt đới như dưa bở, dưa gang cùng các loại rau bầu, bí, mướp, khổ qua, rau dền, mồng tơi, rau muống, cà pháo, rau bí, su su,... Chị còn nuôi thêm gà, vịt đẻ trứng.
Năm nay là năm đầu tiên chị Min trồng rau sạch, gom trứng nhà nuôi để bán. Khi đăng tin sắp thu hoạch một số loại rau có lá mà người Đức dù ít ăn nhưng chị vẫn bán cháy hàng, có khách đặt chỗ đợi rau trước cả tháng.
Một số loại rau Việt theo mùa được chị Min được chị Min trồng trong khu vườn giữa nước Đức.
Chị Min hào hứng: "Hầu hết khách đến nông trại của mình khi thưởng thức rau muống xào tỏi đều thích mê, họ cũng bất ngờ khi thấy ngọn bí ăn được vì trước nay chỉ ăn quả bí. Riêng chồng mình đã nghĩ một luống rau dền vợ trồng là cỏ nên còn nhanh nhẹn đề xuất nhổ liền".
Người dân bản địa rất thích mua các loại nông sản mẹ Việt trồng.
Vì cuối tuần bận đón khách nên hai ngày đầu tuần chị Min sẽ thu hoạch nông sản gửi đi cho khách đặt trước. Vợ chồng chị đảm nhiệm toàn bộ các khâu từ trồng, chăm sóc đến thu hoạch, cắt rau và bó lại rồi gửi hàng.
Đồng hành cùng chị Min luôn là ông xã ngoại quốc không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng đổ phân bò, phân ngựa vào vườn, dùng máy cày trộn phân, làm cỏ, chăm rau cùng vợ. Anh cũng là người ủng hộ quyết định bỏ phố về ngoại ô của vợ, dù phải di chuyển 200km mỗi ngày để đến nơi làm việc để vợ được sống trong nông trại mơ ước.
Ảnh: NVCC