Những ngày tháng 3, đi ngang qua con hẻm nhỏ trên đường Huỳnh Khương An (phường 5, quận Gò Vấp, TP.HCM), người ta không khỏi ngạc nhiên khi nghe tiếng máy may lạch cạch sáng chiều phát ra từ căn nhà của Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Quýt.
Con cắt vải, mẹ thì đạp chân máy, cứ đều đặn 8 giờ sáng, 2 mẹ con cụ Quýt lại tỉ mẩn ngồi may hàng chục chiếc khẩu trang ngộ nghĩnh hình con heo, siêu nhân, bông hoa,… để gửi tặng cho người nghèo.
Công việc tuy vất vả nhưng mang lại niềm vui tuổi già cho Mẹ Quýt.
Nói về cái duyên của việc làm ý nghĩa này, Mẹ Quýt nhớ: Giữa tháng 2, khi nghe tivi phát tin về tình trạng khan hiếm khẩu trang trong dịch Covid-19, nghĩ mình có sẵn nghề may từ hồi còn ở chiến trường, nên đứng ra đề xuất xin được góp công.
"Mình ở nhà không làm gì cũng buồn, giờ có cơ hội giúp người nên lúc Hội Phụ nữ phường phát động phong trào, mình xung phong ngay…" - Mẹ kể lại.
Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Quýt may khẩu trang tặng cho người nghèo. Video: Kinglive
Hiểu được tấm lòng của Mẹ, nhưng vì lo ngại sức khoẻ nên ban đầu chị em Hội Phụ nữ phường 5 khuyên Mẹ nên nghỉ ngơi, dưỡng sức. Thế nhưng, chứng kiến cảnh người nghèo không có khẩu trang, Mẹ không đành lòng, vẫn tiếp tục ngồi vào bàn may. Hơn thế, Mẹ còn đứng ra vận động người dân quanh nhà ủng hộ vải sạch cho phong trào.
Từng đường kim mũi chỉ đều do Mẹ tỉ mẩn thực hiện.
Đến nay, sau 1 tháng phát động, Mẹ Quýt cùng chị em phường 5 đã gửi tặng được hơn 4.000 khẩu trang cho người nghèo.
Khó khăn nhất với Mẹ khi làm công việc này là phải lần mò ngón tay, do một bên mắt đã hỏng, bên còn lại cũng mờ, nên mỗi lần ngồi máy, Mẹ phải lần ngón tay dưới đường chân vịt - rất nguy hiểm. Nhưng đổi lại, mỗi khi có thêm một chiếc khẩu trang mới "ra lò", Mẹ Quýt mỉm cười vui không ngớt.
"Mình trải qua đủ mưa bom lửa đạn, chết chóc nên hiểu cực khổ là gì. Hôm trước thấy mấy anh dân quân trải bạt, chia cơm cho người bệnh, mình mới nghĩ, hoà bình rồi mà họ còn chống dịch như vậy thì mình còn khoẻ sao có thể ngồi yên" - Mẹ Quýt kể.
Năm 22 tuổi, sau khi hạ sinh cậu con trai đầu lòng, Mẹ Quýt khi đó đành gửi lại bé cho gia đình chăm sóc, cùng chồng lên đường tham gia chiến trường Bình Trị Thiên. Một khoảng thời gian sau, chồng Mẹ hy sinh, bản thân Mẹ bị bắt giam ở nhà tù Côn Đảo.
Ở đây, Mẹ Quýt chịu đủ ngón nghề tra tấn. Từ cột chân trên xà lim thả xuống đất, nhốt vào thùng phuy cho uống bọt xà phòng… Thế nhưng, Mẹ chưa một lần khai báo.
4 năm sau, được ra tù, Mẹ tiếp tục xung phong ra Bắc chiến đấu. Học được nghề may, Mẹ xin tham gia vào đội ngũ quân du, may quần áo tiếp tế cho bộ đội.
Chiếc bàn máy may lại thành người bầu bạn tuổi già.
"Ngày đó, vừa đói khổ, vừa phải chống giặc trên trời dưới đất, nhưng ai cũng xung phong ra mặt trận. Bao nhiêu lần chứng kiến bạn bè, người thân mình chết càng khiến mình phải cố gắng chống hết giặc mới thôi…"
Khoảng thời gian tại miền Bắc, Mẹ có tình cảm với một người. Đến khi giải phóng, đất nước không còn chia cắt, có cơ hội tìm về quê gặp con, Mẹ chỉ còn thấy tấm di ảnh trên bàn thờ.
"Năm vừa tròn 21 tuổi nó xung phong ra mặt trận rồi hy sinh. Hồi đó, người ta gửi thư cho mình nhưng chẳng lá nào đến đến tay cả" - Mẹ Quýt nhớ lại.
Cụ Quýt cùng chị em phường 5 đã may hơn 4000 khẩu trang vải gửi tặng cho người nghèo.
24 năm nay, Mẹ Quýt vẫn ngày ngày bầu bạn với chiếc máy may. Mẹ may quần áo, mền mùng rồi lúc khoẻ mạnh thì theo chân đoàn thiện nguyện đến vùng khó khăn để trao tặng người nghèo.
"Con cái giờ ổn định cả rồi, ở nhà chẳng có chuyện gì làm nên lúc về đây, chứng kiến người dân còn nghèo khổ, mình mới đứng ra giúp. Hồi đó, chỗ nào cho vải dư thì tui đều tới xin, có khi quận 12, có khi Thủ Đức, bao xa cũng đi. Tại mình chỉ có cái công thì đóng góp bao nhiêu cứ góp" - Mẹ Quýt chia sẻ.
Nhìn thấy mẹ già ngày ngày lao động vì cộng đồng, anh Võ Quang Thuỷ (57 tuổi, con trai Mẹ Quýt) tuy xót, nhưng vẫn tích cực ủng hộ bà.
"Mấy hôm trước thấy bà cặm cụi ngồi may mấy thứ nhỏ nhỏ, mình hỏi làm gì vậy thì bà bảo là may khẩu trang cho người nghèo. Mình nghĩ chuyện cũng cần thiết cho giai đoạn này nên hết lòng ủng hộ mẹ…" - anh Thuỷ kể.
Giờ đây, ở tuổi 97, Mẹ Quýt chỉ mong sẽ giữ được sức khoẻ để tiếp tục công việc giúp đỡ cộng đồng. "Còn sống bao lâu thì còn cống hiến bấy lâu cho đất nước này" - cụ cười tâm đắc.