Tết cổ truyền dân tộc luôn là thời khắc đặc biệt đối với mỗi người dân Việt Nam. Đây là dịp mà các thành viên trong gia đình sum họp, dành tặng cho nhau những món quà, lì xì và nhiều lời chúc tốt đẹp cho năm mới.
Với những người còn xa quê, mỗi lần năm hết Tết đến là lòng lại xao xuyến. Nỗi nhớ nhà, nhớ quê cứ thường trực nhưng vì ngăn cách địa lý không sao có thể hội ngộ. Họ đành gửi nỗi niềm của mình vào các món ăn, cách trang trí nhà cửa... mang đậm nét truyền thống dân tộc để vơi đi nỗi nhớ.
Chị Nguyễn Hạnh (hiện đang sinh sống và làm việc tại Thụy Sĩ) cho hay, dù ở xa nhưng chị vẫn cố gắng trang trí nhà cửa cho có không khí Tết. Thường thì mẹ đảm chuẩn bị một số món truyền thống để cùng cả gia đình quây quần bên bữa ăn ấm cúng trong đêm giao thừa. Ngoài ra, chị cùng nhiều thành viên khác trong cộng đồng người Việt sinh sống tại Thụy Sĩ cùng nhau tụ họp để gói bánh chưng, bánh tét, làm mứt... Đặc biệt năm nay, chị cùng con làm bao lì xì để gửi đến các bé Việt Nam khác trong cộng đồng. Chị luôn muốn con mình nhớ về những nét văn hoá, truyền thống của Việt Nam và đặc biệt là ngày Tết cổ truyền.
Vì năm nay là năm Quý Mão nên chị trang trí những chiếc lì xì bằng hình vẽ mèo đáng yêu.
Mẹ đảm chia sẻ: "Ở bên này cũng có bán phong bao lì xì nhưng mình muốn làm một cái gì khác biệt và ý nghĩa hơn. Đợt vừa rồi bên này bé được nghỉ lễ Noel và Tết tây 2 tuần nên mình đã nghĩ ra các hoạt động vui chơi, sáng tạo để chơi cùng con trong dịp nghỉ. Một trong những hoạt động của hai mẹ con là trang trí và chuẩn bị nhà cửa cho dịp Tết.
Kỳ nghỉ này cũng gần với Tết truyền thống nên mình đã cùng bé làm ra những chiếc bao lì xì thủ công xinh xắn. Bé vừa được thỏa sức sáng tạo, vừa luyện thêm sự khéo léo và đặc biệt học viết một số từ tiếng Việt như Tết, Chúc mừng năm mới".
Cách làm phong bao lì xì của 2 mẹ con chị Hạnh khá đơn giản, nhưng thành quả lại vô cùng mỹ mãn. Mẹ đảm chuẩn bị 1 ít giấy bìa màu đỏ, vàng, cam. Bên cạnh đó là keo dán, bút màu và kéo. Vì năm nay là năm Quý Mão nên mẹ đảm giúp con vẽ những hình thù chú mèo đáng yêu trang trí cho phong bao lì xì. Chị Hạnh nghĩ rằng cách làm và trang trí lì xì rất đơn giản. Cha mẹ có thể mua giấy về bà cùng con thực hiện. Bé vừa được vui chơi cùng cha mẹ mà còn học được nhiều điều hay lẽ phải.
Những chiếc lì xì nhỏ xinh mang nhiều ý nghĩa quan trọng. "Mình thường dạy con về ý nghĩa của ngày Tết, trong đó có lì xì. Đây là một nét đẹp văn hóa của người dân đất Việt. Phong bao lì xì mang ý nghĩa không nằm ở số tiền mừng mà quan trọng là ở thiện ý. Lì xì ngày Tết là cầu chúc may mắn, sức khỏe và tài lộc cho mọi người.
Lì xì thường là màu đỏ, màu vàng - màu sắc tượng trưng cho sự như ý, cát tường, thịnh vượng trong suốt cả năm. Ngoài ra, đó cũng được coi là màu của niềm hy vọng và sự may mắn. Người được nhận lì xì luôn tin rằng những phong bao này sẽ đem lại hạnh phúc và tài lộc trong suốt cả năm.
Bé nhà mình sẽ mang những chiếc lì xì do chính tay mình làm để tặng các bạn nhỏ nơi mình đang sống. Đây giống như một lời chúc sức khỏe, may mắn trong dịp năm mới. Bé cũng muốn được tặng bao lì xì này cho ba mẹ nữa vì con cũng muốn chúc ba mẹ luôn mạnh khỏe và gặp nhiều niềm vui" - mẹ đảm chia sẻ.
Mẹ đảm còn cùng con trang trí nhà cửa để "sống ảo".
Được biết, hai mẹ con chị Hạnh làm rất hăng say và thích thú. Trong một buổi tối đã làm được 10 bao lì xì khác nhau rồi. Bé cũng có nhiều sáng tạo trong việc lựa chọn màu sắc cũng như vẽ các bạn mèo đáng yêu. Hai mẹ con rất hài lòng với thành quả của mình và mong các bạn nhỏ khi nhận được bao lì xì này sẽ vui và thích thú.
"Thấy con yêu thích hoạt động này cho ngày Tết mình rất vui. Ngoài lì xì ra thì chị còn cùng bé gấp giấy làm tràng pháo giả, làm hoa sen và viết chữ trang trí nhà cửa ngày Tết. Bé còn phụ mẹ chuẩn bị các món ăn đơn giản ngày tết như thịt kho, thịt ngâm mắm, dưa hành chua…" - chị Hạnh cho biết thêm.