Mẹ tát con vì điểm số kém và phản ứng không ngờ của đứa trẻ

Luna |

Bạn cho con tới trường để chúng học được cách làm người hay trở thành "chiếc máy làm bài tập"? Bức tâm thư của đứa con dưới đây chắc chắn sẽ giúp bạn nhận ra điều mình nên làm.

Nếu bạn có mặt ở các cổng trường lúc tan học, bạn sẽ thấy rất nhiều phụ huynh đến đón con với rất nhiều cảm xúc khác nhau.

Cảm xúc đó đến từ câu trả lời của đứa trẻ sau một số câu hỏi như: "Hôm nay con được mấy điểm? hôm nay cô dậy con những gì, có được cô khen hay không? Vì sao bạn A được điểm 9 mà con chỉ được 6...?"

Điều này vô hình chung đã tạo ra một áp lực lớn trong tâm trí của trẻ, phải luôn cố gắng đạt được điểm tốt, có như vậy mới là đứa trẻ ngoan, không sợ bị mắng, không sợ làm buồn lòng cha mẹ.

Bức thư dưới đây của một học trò người Trung Quốc gửi cho mẹ nêu lên nguyện ước về việc cha mẹ thay đổi cách giáo dục con. 

Nhưng khi có thể viết được bức thư này, người con đã lớn và suốt quãng thời gian tuổi thơ, em đã phải đến trường với rất nhiều áp lực.

Bạn hãy đọc để có thể một lần hiểu hơn suy nghĩ của trẻ và biết rằng mình cần phải làm gì.

Bức thư gửi mẹ

Mẹ: Mẹ đưa con đến trước cổng trường, con đã đi theo dòng người bước vào trường thi mà không hề nhìn lại, con có thể tưởng tượng được ánh mắt ẩn chứa bao điều trong mắt mẹ… Con nghĩ rằng con sẽ vững vàng bước về phía trước.

Nhưng những bức tranh châm biếm trước mắt, đã khiến cho tâm trí con rối bời.

Mẹ tát con vì điểm số kém và phản ứng không ngờ của đứa trẻ - Ảnh 1.

Bức tranh biếm hoạ đáng suy ngẫm

Đứa trẻ thứ nhất, lần đầu tiên thi được 10 điểm, trên mặt vẫn còn dấu vết của một nụ hôn. Lần thứ 2 thì được 8 điểm, trên má vẫn còn lằn lên vết của bàn tay.

Đứa trẻ thứ 2, lần đầu tiên thi được 5 điểm, trên mặt để lại dấu vết của bàn tay, lần thứ 2 thi được 7 điểm, trên mặt vẫn để lại dấu vết của một nụ hôn.

Vậy thì lần thứ 3 và thứ 4 thì sao? Con nghĩ rằng chỉ cần điểm số thay đổi, thì điều mà đứa trẻ nhận được cũng vì thế mà thay đổi.

Theo lẽ thường, thì đứa trẻ thứ nhất là một đứa trẻ ưu tú, đứa trẻ thứ 2 là một học sinh thông thường, nhưng cuộc sống của chúng đều bị khống chế trong thế giới của các con số, buồn vui lẫn lộn, không thể chạy thoát.

Con cảm thấy một chút bất an, mẹ ơi, người mà vừa đánh vừa hôn đứa trẻ đó là ai? Người đó có phải là mẹ không? Đó chính là mẹ có phải không? Học hành 12 năm, mẹ đã thơm con không ít, và cũng mắng con không ít, thậm chí còn lưu lại những vết hằn của bàn tay mẹ lên má con.

Mẹ đã trích dẫn lời của giáo viên để nói con, "phải trở thành một chiếc máy làm bài ưu tú", nhưng giáo viên của con cũng nói rằng, "càng phải trở thành một con người ưu tú".

Nhưng mẹ dường như đã đơn giản hóa nó đi, cùng con bước về phía trước, trong con mắt của mẹ dường như chỉ là điểm số, dường như đó chính là sự đo lường giá trị của toàn bộ con người con.

Đúng thế, từ nhỏ con đã biết đọc sách, đã biết thi cử, đó chính là "tài sản" để mẹ có thể ngẩng cao đầu với xã hội này.

Đúng thế, con biết ý nghĩa của những thành tích đó, nó sẽ khiến con càng được yêu thương và tán thưởng, nó sẽ khiến cho mẹ càng có nhiều thành tích và danh dự.

Nó sẽ giúp viết lại vận mệnh và gia cảnh của gia đình chúng ta, nó sẽ giúp con dễ dàng để đạt được sự hưởng thụ về tinh thần và vật chất ở trong xã hội này… Đại khái là như vậy.

Nhưng sau khi trưởng thành, con nhìn thấy mẹ sống vì những thứ bi hài đó, còn lại càng thấy viễn cảnh đó thật quá xa vời. Còn mẹ thì sao? Mẹ có nhận thấy mắt con càng ngày càng sụp xuống, càng ngày càng thấy tủi thân?

Mẹ có phát hiện ra bước chân của con càng ngày càng nhanh hơn, nhưng cũng xiêu vẹo hơn? Mẹ có biết nửa đêm con thường im lặng một mình trèo lên sân thượng nhìn ánh trăng và than trách…

Có những lúc con thấy vô cùng uất ức, chỉ có thể ngửa mặt lên trời mà gào thét, than trách cuộc đời sao lại khó khăn đến thế?

Mẹ thường nói với con rằng, mẹ yêu con hơn bất cứ thứ gì trên đời này, vì thế con nghe lời mẹ, nghe những gì mẹ nói, không quan tâm đến việc của người khác, không ham vui chơi, không chơi điện thoại, không chơi bóng chuyền, không chơi đàn ghi ta mà con thích…

Con cố gắng thi được điểm cao hơn, rồi lại cao hơn nữa. Nhưng đề thi thì lúc dễ lúc khó, tinh thần có lúc phấn chấn có lúc suy sụp, cũng có lúc vì sai sót mà điểm thi kém hơn người khác, đôi khi cũng có lúc vì cuộc sống đùa giỡn với con người.

Còn nhớ vào kỳ thi toán năm lớp 11, con được 7 điểm, về nhà nói với mẹ, mặt mẹ liền biến sắc, không chỉ có mẹ, bố cũng bắt con quỳ xuống để tự suy nghĩ về những gì mình làm. Con không quỳ bố liền tát thẳng tay, đêm đó con đã phải quỳ 2 tiếng đồng hồ.

Nhưng ngày hôm sau, cô giáo đã nói với mẹ quên không cộng cho con 3 điểm, thậm chí thành tích của con còn đứng số 1 toàn khối. Về đến nhà mẹ lại thơm vào má con, nhưng trái tim nhỏ bé của con giờ đã dần dần trở nên lạnh lẽo và băng giá.

Con đã từng thử nói chuyện với mẹ nhưng không có tác dụng, con rất ước ao được như bạn cùng bàn với con, thành tích của chúng rất bình thường nhưng mỗi khi nhắc đến bố mẹ là mặt nó hớn hở và tỏ vẻ rất thích thú.

Bố mẹ chúng nói rằng, "Không vào được đại học đâu phải là chấm hết", khi bạn con thi trượt, nó cầm tờ giấy thi lại đưa cho bố, bố nó chỉ nhìn qua rồi trả lại nó, điều đó có ý nghĩa là, "Việc của mình thì tự mình phải có trách nhiệm…".

Những đứa trẻ như thế, chúng nhận được sự tin tưởng và khích lệ, sau này chúng đều trở nên rất xuất sắc.

Con vẫn hi vọng có thể thi được điểm cao hơn nữa để báo đáp công ơn của cha mẹ. Nhưng kể từ ngày mai, dù con thi được bao nhiêu điểm, thì bố mẹ vẫn sẽ vui vẻ chúc mừng kỳ thi tốt nghiệp cuối cùng của con được không?

Sưu tầm

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại