Chiều tản bộ ra khu trung tâm Sài Gòn, thấy một bà già bận áo bà ba lam, ngồi chình ình trên vỉa hè ngay con đường Tôn Thất Thiệp, tay chân khẳng khiu như cọng củi, gương mặt nhàu nếp gấp, màu da thì ải mục nửa xanh nửa vàng, mái tóc cũng lơ thơ, rụng đến hói gần quá trán, kế bên là cái đòn gánh, một bên có khoai lang, khoai từ, củ bình tinh, một bên là mấy món bánh được bỏ trong mấy cái bịch trong, cột thun kỹ lưỡng, gọn gàng.
Bà ngồi đó, toàn thân gần như bất động, chỉ có cái nón lá vắt ngay đầu gối lâu lâu bị gió lùa vùng vằng qua lại và cái ánh mắt lâu lâu lại lóe lên một tia nhìn thơ thẩn, xa xăm như đâm vào từng người mà nó va phải, không biểu lộ chút ý nghĩ gì ngoài việc phát tín hiệu báo rằng còn sự sống trong cái thân xác kia.
Thi thoảng, nghe tiếng bước chân có người đi tới, bà ngẩng mặt nhìn, nếu là người Việt, bà cất lên giọng nhỏ nhẹ đặc sệt miền Trung: "Mua khoai giúp bà đi con", còn nếu người nước ngoài, bà chỉ thốt lên gọn lỏn chữ "please", âm "i" kéo dài, bèn bẹt tan loãng trong cơn gió chiều, nghe lạnh buốt từng lỗ chân lông.
Như nhiều người đàn bà ở mảnh đất miền Trung nắng gió "trôi dạt" về các thành phố lớn, bà gánh hàng rong đi bán, kiếm vài đồng sinh sống qua ngày.
Ai cũng biết có vậy, không gì nhiều hơn, nhưng chắc chắn, mỗi người đàn bà bán hàng rong có thể có chung xuất thân, chung nguồn cội quê cha đất tổ kia còn đeo mang thêm trên cái đòn gánh nặng oằn cả đôi vai kia những câu chuyện rất riêng về cuộc đời.
Bà già trong chiếc áo ba bà lam kia cũng vậy. Bà ngồi đây, sau khi rong ruổi hết cả ngày trời khắp các nẻo đường trung tâm mà bán chẳng được bao nhiêu. Có lẽ, chiều nay như những bữa chiều bán ế khác, bà ăn khoai cho qua cơn đói, hoặc bấm bụng mua 15 ngàn cơm hộp để nuốt trôi rồi đi ngủ.
"Tiền đâu mà ăn con, ngày lời cao lắm có 50 - 60 ngàn, đêm ngủ tập thể bên chợ Cầu Muối đã tốn thêm 22 ngàn, ăn ‘sang’ quá thì tiền đâu gửi về quê cho chồng, rồi thuốc men nữa" – bà nói, khi tôi cố tình vừa lựa khoai, vừa bắt chuyện.
- Ủa mà quê bà ở đâu? Con nghe giọng giống Quảng Ngãi?
- Đâu có, bà ở Quy Nhơn, Bình Định vô đây cũng được 20 năm rồi
- Rồi bà vô đây với ai, con cái lớn chưa mà già từng này còn đi bán?
- Vô một mình, chồng ở nhà coi vườn ở quê, 7 đứa con thì lớn hết rồi, có gia đình có con luôn rồi mà đứa nào cũng nghèo, sao bắt tụi nó lo cho mình được.
- Không lẽ 7 người con, người góp chút ít cho bà cũng không được?
- Thì đứa nào cũng khó khăn, đủ ăn, mình xin cũng xót, con mình mà, thôi còn sức thì đi bán vậy, kiếm ăn qua ngày không đến mức chết đói
Đoạn đối thoại kéo dài bắt đầu bằng những câu hỏi của tôi và những câu trả lời kéo theo từng hơi thở rã rượi của bà.
Bà kể, bà bị bệnh, 70 tuổi rồi nên đủ thứ bệnh trong người, từ tim, huyết áp cho đến các bệnh về khớp, nên cứ chiều chiều, sau cả ngày di chuyển gánh hàng đi bán, bà gần như kiệt sức. Thuốc thang duy trì cái thân thể suy kiệt vì bệnh tật và tuổi già của bà cũng chỉ vỏn vẹn có vài viên, được cấp từ sở y tế ngoài quê theo diện bảo hiểm.
"Mà nhiều khi thuốc cũng không dám uống đủ đâu con. Liều lượng ngày 2 viên, bà chỉ uống 1 viên cầm chừng thôi, để dành uống cho lâu, chứ mỗi lần đi lấy thuốc là một lần tốn, lại phải bắt xe về quê, xa xôi tốn kém, lại phải nghỉ bán mấy bữa nữa con à".
20 năm ở Sài Gòn của bà, mỗi ngày đều như thế, ban ngày thì lê chân khắp các nẻo đường khu trung tâm, bán mớ hàng vặt vãnh kiếm một hai đồng lời, chiều mệt quá thì ngồi một chỗ, ai đi qua đi lại thì bà níu kéo hy vọng bán hết để mau về.
Có ngày 11 - 12 giờ khuya bà mới đặt chân về đến chỗ trọ mà chưa có gì bỏ bụng, khi đó những người "đồng nghiệp" trẻ tuổi có sức khỏe và lanh lẹ miệng đã bán hết từ chiều, bây giờ đã ngủ say. Chỗ trọ đó cũng là một căn nhà tập thể tạm bợ, và một đêm ngủ vội như thế có giá 22 ngàn, ai cũng như ai.
Rồi sáng tinh mơ bà phải qua chợ Cầu Muối lấy hàng, có khi là vài ký khoai, có khi là vài ký xoài, cũng có khi xoài, khoai lên giá, bà xoay qua bán mấy bịch bánh vụn vặt rẻ bèo.
Ngày bán đắt mau hết hàng, bà cũng chỉ dám thưởng cho mình một bữa ăn sáng 15 ngàn tiền cơm bụi, còn không thì phải ăn khoai ế từ chiều hôm trước, cũng có khi mệt lả ngủ quên, sáng hôm sau phải xấc bấc xang bang chuẩn bị hàng đem bán, bữa sáng đã bị bà bỏ quên.
Với bà, sức khỏe không còn quan trọng nữa, chỉ bán được hàng là bà vui. "Nhiều khi đói lả người, bà vẫn ráng bán hàng, kẻo ế thì hết mất lời. Ai nói bà tham thì bà chịu, nhưng nghèo mà, nếu sống thật dai, thật lâu mà không có một đồng trong tay thì làm được gì? Đằng này bà còn chồng phải lo, ông cũng đã lớn tuổi và bệnh tật ngặt nghèo hơn bà...".
Bà nói, mình sống tới đâu hay tới đó, chỉ biết dùng hết sức già để bán buôn, cho dù tính ra có ngày cũng chỉ lời 10 ngàn, nhưng với bà đó đã là được một bữa cơm, hay một viên thuốc, hay một góc của chiếc vé xe để về quê Tết này, hay đau đớn hơn là mua được một chiếc chiếu tạm bợ để đắp lên cái xác trần khi bà không còn nữa.
"Có thể tối nay về ngủ bà chết, hoặc mai chết, mốt chết cũng không chừng. Giờ bệnh tình càng ngày càng nặng, buôn bán càng ngày càng ế, nghe tụi nhỏ nói bão cũng sắp về Sài Gòn… nên không biết trước được gì con ơi, chết thì thôi. Người ta lục túi thấy còn vài ngàn, người ta mua cho chiếu đắp lên là đủ rồi...".
Nói về cái chết, ánh mắt bà như thoát khỏi chỗ ngồi, nó nhẹ nhàng quá, cái chết với bà nhẹ nhàng quá. Có lẽ thật, chết đi thì thôi chứ nuối tiếc chi, dù gì thân thể già cỗi rồi và bà cũng đã cố gắng làm cho cuộc đời của mình có ý nghĩa cho đến hơi thở cuối cùng.
Xin đừng nghĩ rằng tôi nói xui, vạ miệng, bởi nếu ở đó cùng tôi khi đó, lúc trò chuyện với bà, có lẽ ai cũng sẽ thấy sự nhẹ nhàng bình thản kia đủ sức nhấc bổng bà lên mặc cho đôi đòn gánh có nặng đến mức nào.
Trời kéo mây đen mù mịt báo hiệu cho cơn bão đang bắt đầu đổ bộ Sài Gòn, bà xin gói khoai cho tôi mang về rồi nhanh nhảu gánh hàng đi, tôi dạ dạ chào bà đến khi bà gần khuất xa tôi mới sực nhớ, đến cả cái tên bà mà tôi cũng chưa hỏi.
Nhưng thôi, chuyện đó đâu quan trọng, quan trọng là tôi đã thấy bà gần như bay lên trời trong cơn gió loạn, cùng đôi đòn gánh kia, như một nhân vật trong tiểu thuyết huyền ảo tôi từng đọc…