Mẹ chồng Nhật "mê" cơm con dâu Việt nấu mỗi ngày, tự hào đem khoe khắp làng

THỦY TIÊN |

Sự tử tế, hiền hậu của mẹ chồng Nhật khiến chị Chúc Lan vừa cảm động, vừa thấy... bối rối.

Mâm cơm tươm tất của nàng dâu Việt

Hoàng Thị Chúc Lan (SN 1990), hiện đang là nội trợ và sống tại tỉnh Gifu, Nhật Bản. Chị Lan tình cờ quen chồng là anh Fukui Akitaka trong một dịp ăn tối tại nhà bố mẹ nuôi người Nhật vào cuối năm 2015. Chồng chị Lan là cấp dưới của bố nuôi. Cả hai khi đó chưa có ấn tượng gì, mãi đến năm 2017, cặp đôi mới chính thức hẹn hò và về chung một nhà vào năm 2018.

5 năm làm dâu ở xứ người đem lại cho chị Chúc Lan nhiều trải nghiệm hạnh phúc vì luôn được mẹ chồng bao bọc, yêu thương, chăm sóc như con gái ruột.

Chị Chúc Lan đang sinh sống tại Nhật Bản

Vợ chồng chị Lan sống cạnh nhà mẹ chồng, hai nhà cách nhau một hàng rào. Nhớ về ấn tượng lần đầu tiên gặp nhau, chị Lan kể: "Mẹ là một người phụ nữ nhỏ nhắn, nho nhã, chỉn chu từ lời ăn, tiếng nói, đến ngoại hình. Còn mẹ thấy mình ngoại hình xinh xắn nhưng có vẻ là tuýp người trẻ hiện đại và không biết nấu ăn. Vì cách gọt trái cây của người Việt và người Nhật ngược nhau, mẹ cứ ngỡ rằng mình vụng về không biết gọt, chắc cũng chẳng mấy khi vào bếp".

Trái ngược với suy nghĩ của mẹ chồng, chị Lan lại là người rất đam mê, thích thú chuyện bếp núc, nấu nướng. Nàng dâu rất thương mẹ vì bà tuổi già có bệnh. Sau ngày cưới, chị ngỏ lời nấu cơm cho mẹ để bà có thể ăn sớm, uống thuốc đúng giờ, đầy đủ.

Mâm cơm tươm tất của nàng dâu Việt

Mẹ chồng Nhật mê cơm con dâu Việt nấu mỗi ngày, tự hào đem khoe khắp làng - Ảnh 3.

Mỗi món ăn đều được chị đặt nhiều tâm huyết.

Nàng dâu trổ tài nấu ăn mỗi ngày, từ món Nhật đến món Việt đều cố gắng khéo léo biến tấu, phù hợp khẩu vị mẹ. Chẳng hạn như món có nước tương, nước mắm của Việt Nam sẽ thay bằng nước tương Nhật, nước chan Tsuyu (1 loại nước chan của Nhật)... Thi thoảng chị "đổi gió" với món bún, phở, bánh xèo… Bữa cơm tươm tất của chị Lan nấu khiến mẹ chồng xúc động, khoe khắp xóm làng, bạn bè, người thân.

“Cả mẹ và mình đều thích các món kho, các món từ cá, các món canh. Tháng đầu làm dâu, mỗi ngày mình đều biếu mẹ, hôm thì tô canh, hôm ăn chả giò, cá kho... Nhờ vậy mà mình biết khẩu vị của mẹ rất dễ chịu, hoặc trộm vía mình nấu hợp khẩu vị nên mẹ rất thích”, chị Lan bày tỏ.

Mẹ chồng tâm lý, không hối sinh con

5 năm về làm dâu, chị Lan luôn cảm nhận được tình yêu thương, cách đối xử ấm áp của mẹ chồng. Nhiều khi biết con dâu ốm, bà lại chạy sang ngay hỏi thăm tình hình. Biết cơ địa con bị nhiệt miệng, bà cũng lật đật xay sinh tố rau xanh đem qua cho uống. Những dịp lễ Tết, du lịch, chị Lan lại được mẹ chồng cho tiền rồi nhắc: “Tuổi trẻ có những sở thích mà người già như mẹ không biết, mẹ cho tiền để con thoải mái mua”.

Mẹ chồng Nhật mê cơm con dâu Việt nấu mỗi ngày, tự hào đem khoe khắp làng - Ảnh 4.

Chị Lan và chồng ngoại quốc

Kỷ niệm khiến chị Lan nhớ nhất là lần mẹ chồng lo sốt vó khi không gọi được cho các con. Hôm đó, chị Lan chà rửa nhà tắm nên đóng kín các cửa. Gọi điện không thấy con nghe, nhắn tin không đọc, bấm chuông không thấy mở cửa, mẹ chồng chị về lấy khóa dự phòng, tông cửa chạy vào. Tìm khắp nơi mới thấy con dâu đang trong nhà tắm, mải miết chà rửa, mồ hôi nhễ nhại.

“Mẹ thật sự rất tử tế, nhiều lúc khiến mình thấy bối rối. Bà chưa bao giờ tự mình đi thẳng vào nhà các con cả. Bà sẽ gọi điện báo trước là mẹ qua được không, hoặc ít nhất bà sẽ bấm chuông và xin phép vào nhà chơi.

Bà luôn quan niệm rằng khi con trai lấy vợ thì mối quan tâm sẽ dồn cho vợ và gia đình nhỏ. Thế nên việc con trai có phụ việc nhà hay nuông chiều vợ cũng là cách thể hiện sự yêu thương và xây dựng hạnh phúc gia đình. Thi thoảng cần con trai giúp, bà sẽ hỏi ý con dâu trước rằng: Ngày mai mẹ nhờ chồng con phụ mẹ việc này... nhé con", chị Lan tâm sự.

Chính cách đối xử chân thành đã kéo khoảng cách giữa mẹ chồng - nàng dâu trở nên gần gũi hơn bao giờ hết. Dù hai vợ chồng chị Lan cưới nhau đã lâu nhưng chưa lần nào, mẹ chồng nhắc đến việc có con.

“Lúc mới cưới, mẹ bảo, kết hôn xong còn nhiều bất đồng văn hóa, tập quán…, cả 2 vợ chồng cần làm quen với nếp sống sinh hoạt mới. Việc có con sẽ khiến vợ chồng quá sức, mệt mỏi, chuyện lâu dài. Cứ thong thả 2 năm đầu, sau đó nếu muốn sinh con hay không thì tùy cả hai vợ chồng. Ngoài lần này ra thì mẹ chưa lần nào nhắc hay hối thúc thêm cả.

Làm con dâu mẹ, mình nhận được rất nhiều điều và luôn cảm thấy làm gì cũng không đủ để đáp lại tình cảm của mẹ”, chị Lan bộc bạch.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại