Tôi là con một, sinh ra trong gia đình khá giả ở thành phố. Ngay từ nhỏ tôi đã được cưng chiều không thiếu thứ gì. Bạn bè hàng xóm cùng lứa tuổi đứa nào cũng ghen tị với tôi vì thích gì được nấy.
Thế nhưng chồng tôi thì hoàn toàn khác, anh sinh ra trong gia đình không có điều kiện. Bố anh mất sớm, còn lại mình mẹ nuôi hai anh em ăn học đầy đủ. Tuy hoàn cảnh như vậy nhưng chồng tôi là người chịu thương chịu khó và sống rất biết điều. Em chồng cũng là một trong những học sinh xuất sắc ở huyện.
Còn nhớ khi mới yêu nhau, bố mẹ tôi ngăn cấm vì sợ tôi sống vất vả nhưng tôi vẫn một lòng yêu thương anh. Tôi tin, nếu cả hai cố gắng thì sẽ vượt qua tất cả.
Ngày về ra mắt, tôi bất ngờ với ngôi nhà nhỏ của gia đình, mọi vật dụng đều đã cũ kĩ. Nhưng bù lại, mẹ chồng lại tạo cho tôi cảm giác vô cùng ấm cúng, thân thiện.
Sau đó chúng tôi làm đám cưới rồi trở ra thành phố sinh sống và làm việc. Ngày lễ tết hay cuối tuần rảnh rỗi là chúng tôi lại về thăm mẹ chồng.
Ngay từ khi mới cưới, tôi đã xác định mình là dâu trưởng thì sẽ phải gánh vác mọi việc trong nhà. Vậy nên tôi cũng chẳng nề hà việc sắm cho mẹ chồng cái tủ lạnh hay giỗ chạp phải xắn tay lên đi chợ, nấu nướng.
Tết năm nay nhà chồng tôi có bác ở trong miền Nam ra ăn Tết nên mẹ chồng bảo giao hết việc bếp núc cho tôi phụ trách.
Công bằng mà nói thì cả nhà đều hiểu tính mẹ chồng tôi là tiết kiệm, thậm chí có phần căn cơ, tính toán chi li. Không ai dám góp ý, yêu cầu mẹ chồng phải sửa đổi hay làm thế nọ thế kia vì mỗi lần nói bà lại kể lể rằng không tiết kiệm sao nuôi được hai đứa con học đại học.
Sắp đến Rằm tháng Giêng, quê chồng tôi có tục cúng rằm trước mấy ngày nên hôm trước vợ chồng tôi đã về quê.
Vừa về đến nhà, mẹ chồng đã gọi tôi lại rồi đưa 200 nghìn dặn: “Con cầm lấy đi chợ, mai có mỗi nhà mình với nhà bác thôi, làm đơn giản 2 mâm là được rồi”.
Tôi ái ngại ngước mắt nhìn chồng, thời buổi thực phẩm đắt đỏ mà mẹ chồng lại đưa tôi có 200 nghìn bảo làm 2 mâm cỗ. Thực ra tôi biết bà đưa tiền cho tôi chủ ý là để hai bác trong miền Nam nhìn thấy, để họ thấy rằng mẹ chồng tôi cũng không phải keo kiệt, đổ mọi gánh nặng lên vai con dâu.
Ảnh minh họa
Tới trưa, ăn uống xong tôi thấy bác dâu nói với mẹ chồng rằng thực phẩm đắt đỏ mà em lại đưa con dâu có 200 nghìn sắp cỗ, chị thấy nó mua sắm phải hết tiền triệu.Sáng qua, khi tôi sắp xong cơm cúng bê lê, bác chồng tôi cứ ngắm nghía mâm cơm rồi khen tôi đảm đang.
Bác dâu còn khen tôi biết điều, chu đáo chứ gặp đứa đáo để nó mua đúng 200 nghìn tiền thực phẩm thì cúng bái thế nào.
Đến tối, lựa lúc chỉ có mẹ chồng, tôi mang 200 nghìn sang phòng và đưa lại cho bà. Tôi bảo bà rằng không phải tôi chê ít nên trả lại tiền mà là bây giờ vợ chồng tôi cũng trưởng thành cả rồi, không muốn bố mẹ bận tâm những chuyện này, từ nay về sau những việc này cứ để chúng tôi lo.
Nghe tôi nói xong, mẹ chồng ái ngại chia sẻ rằng lâu nay bà cũng tiết kiệm quá khiến tôi nhiều phen khó xử. Bà cũng biết thế nhưng bà lớn lên trong vất vả nên tính tiết kiệm ăn sâu vào tiềm thức rồi, sau này bà sẽ cố gắng chi tiêu thoải mái hơn một chút.