Làm giấy tờ giả cho xe nhập lậu
Một số chiêu trò hết sức tinh vi đã được nhiều đối tượng sử dụng để buôn lậu ô tô như: Làm con dấu giả, hô biến giấy tờ giả hay thủ đoạn "mẹ bồng con" tức 2 xe giống hệt nhau, một xe chính thức và một xe lậu cùng chung biển số.
Mong muốn sở hữu một chiếc ô tô sang trọng đắt tiền nhưng giá chỉ rẻ bằng 1/3, thậm chí 1/4 so với xe ô tô nhập khẩu, đó chính là lý do thị trường xe ô tô lậu vẫn diễn biến phức tạp.
Theo điều tra của phóng viên VTV, chiếc xe ô tô Lexuz 450 có nguồn gốc từ Lào được rao bán với giá 530 triệu đồng. Mức giá này rẻ hơn rất nhiều so với xe ô tô nhập khẩu chính thức. Về đến Việt Nam, xe sẽ được gắn biển số giả.
Để dễ dàng tiêu thụ, các đầu mối bán xe thường làm luôn cả dịch vụ giấy tờ đăng ký, đăng kiểm giả cho khách hàng.
Chiếc xe ô tô Lexuz 450 có nguồn gốc từ Lào được rao bán với giá 530 triệu đồng.
Phóng viên VTV tiếp tục tiếp cận một đầu mối bán xe lậu khác, từ đây mọi chiêu trò kinh doanh xe lậu đã được phơi bày, trong đó phổ biến nhất là thủ đoạn "mẹ bồng con" - một thuật ngữ mà dân mua bán xe ô tô lậu thường gọi.
Một đầu mối bán xe ô tô lậu nói: "Tất cả các xe về đến Việt Nam là đều là xe mẹ bồng con hết và đều được chấm dấu hải quan, chính ngạch về cũng được chấm dấu hải quan. Xe của mình về cũng được chấm dấu hải quan. Xe Trung Quốc chuyển về thì đóng luôn số khung, số máy về đến Việt Nam".
Những xe gắn biển giả sẽ trùng với một xe hợp pháp khác cùng dòng xe và cùng màu xe. Việc nhập xe lậu bán trao tay là mảnh đất màu mỡ cho các đối tượng khác làm giả giấy tờ tài liệu của cơ quan tổ chức, sử dụng con dấu giả và biển kiếm soát giả.
Khó kiểm soát xe ô tô nhập lậu
Thực tế nhiều vụ án buôn lậu ô tô, nguồn gốc xe được xác định là từ Lào. Các đối tượng đã lợi dụng chính sách của Nhà nước về tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới hai nước Việt - Lào qua lại biên giới để thực hiện hành vi buôn lậu.
Theo quy định, xe ô tô mang biển số Lào tạm nhập vào Việt Nam có thời hạn trong vòng 1 tháng, hết hạn phải tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Muốn lưu hành tiếp, phải lên cửa khẩu xin gia hạn. Tuy nhiên trên thực tế, không ít xe sau khi vào Việt Nam sẽ được làm giấy tờ và biển giả để mua bán.
Với thủ đoạn “mẹ bồng con”, nhiều đường dây buôn lậu ô tô từ Lào về Việt Nam đã qua mắt được lực lượng chức năng.
Các cửa khẩu hiện vẫn chưa liên thông thông tin xe tạm nhập, điều này dẫn tới tình trạng khó kiểm soát xe có tái xuất đúng thời gian quy định hay không, đồng thời, dễ bỏ lọt kiểm tra chi tiết lần 2 tính hợp pháp của những xe này nếu chủ xe tạm nhập cửa khẩu này, rồi tái xuất cửa khẩu khác.
Ông Lê Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Hà Tĩnh cho hay: "Các phương tiện lần đầu nhập cảnh, cơ quan Hải quan sẽ trực tiếp kiểm tra thông tin trên tờ khai hải quan và với thực tế phương tiện phù hợp với thông tin kể cả kiểm tra số khung số máy.
Tuy nhiên, các lần tiếp theo sẽ kiểm tra theo quản lý rủi ro, tuỳ theo đối tượng phương tiện có 2 mức kiểm tra, một là miễn kiểm tra, hai là kiểm tra chi tiết".
Xe ô tô lậu chủ yếu được tạm nhập từ Lào qua biên giới các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị… Số lượng xe ô tô hạng sang tạm nhập từ Lào vào Việt Nam được cho là rất lớn nhưng có bao nhiêu xe được tái xuất vẫn là một câu hỏi bị bỏ ngỏ.
Khi các cơ quan chức năng không có đầy đủ dữ liệu để giám sát các xe đã được tạm nhập, tái xuất thì cơ hội để các đối tượng buôn lậu ô tô sẽ còn rất cao.