Mẹ ân hận 25 năm vì đem con cho vợ chồng Pháp: 'Chỉ mong có thể nhìn thấy con 1 lần nữa'

Chi Chi |

Hành trình tìm kiếm người thân luôn là những chuỗi ngày day dứt, đau khổ và ngập trong nước mắt, nhất là với những người bố, người mẹ vì lý do bất đắc dĩ mà phải đem con đi cho.

Nuốt nước mắt vào trong 

Bà Trần Thị Bảy (62 tuổi, xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân, Bình Thuận) chính là người mẹ đã cho con gái mình cho 1 cặp vợ chồng Pháp nhận nuôi 25 năm trước vì hoàn cảnh khó khăn.

Bà Bảy vốn sinh ra ở vùng đất Quảng Trị đầy nắng gió rồi cũng lấy chồng, sinh con ở đây. Cuối những năm 80, bà rời quê, một mình dẫn theo 3 đứa con nheo nhóc vào Bình Thuận, rồi sau đó là Bà Rịa Vũng Tàu kiếm sống rồi đi tiếp bước nữa với người chồng thứ hai cũng có hoàn cảnh khó khăn như mình.

Cuộc sống làm thuê làm mướn không đủ nuôi mấy miệng ăn. Nhớ về những ngày tháng đói khổ đó, bà Bảy trào nước mắt kể với PV Dân trí: "Tôi thường nhịn đói đi nhập rau cải về bán quanh xóm. Song lời lãi chẳng đáng bao nhiêu. Có ngày, nhà chẳng còn lấy một hạt gạo".

Hoàn cảnh khó khăn là thế nên bà phải để hai đứa con đầu đi ở mướn, giữ bò cho những nhà giàu có đất đai, ruộng vườn để kiếm miếng ăn. Đến năm 1996, bà mang thai đứa con thứ 4. Biết tin có thai, bà vừa mừng vừa vui. Có thêm con là phúc trời ban nhưng với hoàn cảnh này, bà biết lấy gì nuôi con hay cho con ăn học đây. 

Ngày 19 tháng 3 năm 1997, bà Bảy sinh một bé gái ở Trung tâm y tế huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa Vũng Tàu). Bé có một cái tên rất đẹp là Phan Thị Giang Hà. Nhìn đứa trẻ xinh xăn, bụ bẫm trong tay, hai vợ chồng bà tự nhủ dù có khó khăn thì cũng cố gắng rau cháo nuôi con.

Thế nhưng ông trời dường như lại tiếp tục thử thách bà Bảy. Sau khi sinh Hà, bà ngày càng yếu đi, đôi chân không hiểu sao cứ tê dại, di chuyển khó khăn.

"Khi vào viện điều trị, tôi phải để con gái ở nhà. Sau khi ra viện về đến nhà thì chồng tôi bảo đã cho con đi làm con nuôi rồi. Ông ấy không bàn bạc trước với tôi về chuyện này nên tôi rất sốc và khóc rất nhiều. Khi ấy, con bé mới được 20 ngày tuổi", bà Bảy đau khổ kể với báo trên.

Dù thương con, xót con vô ngần nhưng nghe chồng nói phải cho con đi thì con mới có cuộc sống hạnh phúc đủ đầy, bà đành nuốt nước mắt vào trong, thuận theo ý chồng.

Sau đó ít hôm, bà Bảy đã lên một khách sạn ở quận Phú Nhuận, TPHCM để ký các giấy tờ liên quan. Bà được ôm Hà trong tay lần cuối, run run ôm hôn con và truyền cho con hơi ấm của tình mẫu tử. 

Tại đây, bà Bảy vừa khóc vừa ký vào tờ giấy chấp nhận cho con. "Tôi đồng ý ký giấy với điều kiện là sẽ được biết thông tin về con và giữ những giấy tờ liên quan đến sự việc này. Người phụ nữ kết nối và một luật sư khi đó đồng ý với yêu cầu của tôi. Tuy nhiên họ nói tôi cứ trở về trước, sau này họ sẽ chuyển giấy tờ về cho tôi sau", bà Bảy thở dài khi nói chuyện với PV. 

25 năm ngóng tin

Không phải mãi sau này với hối hận về quyết định cho con, mà ngay giây phút tạm biệt đứa con bé bỏng chưa đầy tháng của mình ở TP.HCM, bà Bảy đã hối hận. Nhưng nhìn lại gia cảnh bần hàn, nghèo đói của vợ chồng mình, bà đánh cắn chặt răng đi về quê. 

Vài tháng sau, bà Bảy nhận được 500.000 đồng, vài bộ quần áo, hình ảnh và một lá thư tay gửi từ Pháp mà tới giờ bà vẫn còn giữ gìn y nguyên. Biết được con bình an, sống cuộc sống mới, người mẹ vừa buồn vừa vui.

Dù đã đặt điều kiện sẽ được biết thông tin về con khi ký giấy cho con thế nhưng sau bức thư đầu tiên đó, bà Bảy bặt vô âm tín về cuộc sống của Giang Hà với bố mẹ nuôi nơi đất Pháp. 

Nguyên nhân là vì sau đó không lâu, gia đình gặp hỏa hoạn rồi sau đó lại chuyển nhà từ Vũng Tàu đến Bình Thuận để sinh sống nên mọi thông tin địa chỉ của bố mẹ nuôi Giang Hà đều mất hết. 

Suốt 25 năm từ ngày cho con rồi bặt tin, hầu như đêm nào chợp mắt bà cũng chỉ nghĩ về con gái của mình, bà cứ khóc rồi lại ngủ thiếp đi suốt nhiều đêm liền. 

Sau nhiều năm chỉ ngóng tin con, không muốn phiền đến cuộc sống mới của con nhưng nay bà Bảy đã thay đổi ý định.

"3 năm trước, tôi thấy sức khỏe của mình yếu đi, tôi nghĩ thời gian của mình không còn nhiều. Vậy là tôi với mấy đứa con tìm cách kiếm lại con gái tôi. Tôi không ngừng thắc mắc rằng con sống có tốt không? Hình hài con giờ ra sao rồi? Đã có gia đình chưa?...", bà Bảy kể về lý do muốn tìm con với báo Thanh Niên.

Nhưng những thông tin về con gái, về nơi đã làm thủ tục trao nhận con đều rất mơ hồ trong tâm trí của bà nên hành trình tìm con như mò kim đáy biển.

"Nếu cho tôi được lựa chọn lại, chắc chắn tôi sẽ không cho con mình. Nhưng có lẽ mọi thứ đã quá muộn màng. Nếu con có đang nghe mẹ nói, mẹ chỉ mong có thể nhìn thấy con được một lần. Mẹ mong con hiểu rằng mẹ chưa bao giờ ngừng nhớ và thương con", bà Bảy muốn thông qua báo chí và mạng xã hội để chuyển lời đến con gái thân yêu. 

Anh Trần Phi Cường (36 tuổi, con bà Bảy) là người suốt thời gian qua hỗ trợ mẹ tìm kiếm người em gái Giang Hà. Anh muốn thông qua cư dân mạng, đặc biệt là các kiều bào ở Pháp, nếu có manh mối hay thông tin xin hãy kết nối với gia đình anh để hoàn thành tâm nguyện khi về già của mẹ.

Trao đổi với nguồn trên, anh Cường cho hay: "Tôi đã làm cha, nên hiểu được nỗi lòng của mẹ. Mẹ giờ đã yếu lắm rồi, và tôi biết mẹ mong tìm thấy em gái nhiều đến như thế nào. Dù em ấy là em cùng mẹ khác cha, nhưng tôi vẫn coi em ấy như em ruột của mình mà tìm kiếm. Mong một ngày nào đó ý nguyện của mẹ sẽ được toại nguyện".

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại