Tháng 11/1999, một công nhân tại Nhà máy gạch Tân Hoa, thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc) lái máy xúc đào đất thì phát hiện máy xúc đụng trúng một vật gì cứng như đá. Người công nhân xúc hẳn vật thể này lên mới biết đây không phải đá thông thường, có màu vàng sáng và dẹt như một cái bánh. Làm sạch lớp đất bên ngoài, anh công nhân hoảng hốt khi nhận ra đó là một miếng vàng có khắc một số hoa văn và dòng chữ.
Người này vội vàng khởi động máy xúc đất tiếp, những miếng vàng lộ ra ngày càng nhiều. Những miếng vàng này có kích cỡ không đều, có miếng nặng 1kg nhưng cũng có miếng chỉ nặng tầm khoảng 2 lạng. Tây An vốn là một trong 4 kinh đô lớn trong lịch sử Trung Hoa nên việc tìm thấy kho báu được chôn cất ở những nơi không ngờ tới là việc hoàn toàn có thể xảy ra.
Người công nhân này lớn lên ở Tây An và anh đã từng nghe đến những câu chuyện khai quật cổ vật, vậy nên anh tin rằng mình đã đào trúng báu vật. Người này phấn khích hét lên, thu hút sự chú ý của những công nhân khác tại công trường. Lòng tham nổi lên, họ nhanh chóng tranh giành nhau để bỏ vàng vào túi và về nhà luôn. Anh công nhân lái xe không lường trước được tình huống này, chỉ đứng ngơ ngác nhìn đám đông đào bới vàng.
Tin tức phát hiện kho báu nhanh chóng lan truyền khắp làng, dân làng cũng kéo đến công trường đào nhưng không tìm thấy gì khác nên báo lại sự việc với cảnh sát Trung Quốc. Cảnh sát lập tức có mặt, phong tỏa hiện trường và nhận định số vàng trên có thể là cổ vật mang ý nghĩa lịch sử. Các chuyên gia khảo cổ từ Cục Di tích Văn hóa tại địa phương này cũng nhanh chóng đến công trường, tiến hành thăm dò địa chất xung quanh.
Việc thu lại số lượng vàng miếng lớn như vậy là thách thức với cảnh sát Trung Quốc, họ gõ cửa từng nhà vận động trả lại nhưng biện pháp này không mang lại kết quả khả quan. Có người tự nguyện giao nộp nhưng cũng có người không chịu thừa nhận đã lấy vàng, có người lại nhanh chóng chôn vàng ở nơi khác để cảnh sát có kiểm tra nhà cũng không tìm ra.
Theo quy định của pháp luật Trung Quốc, các cổ vật có ý nghĩa lịch sử được chôn dưới lòng đất thuộc sở hữu Nhà nước Trung Quốc và việc sở hữu hoặc sưu tập tư nhân là trái phép. Cảnh sát lúc này phải đưa ra tuyên bố về tầm quan trọng của việc bảo vệ các di tích cấp quốc gia tại Trung Quốc, nhấn mạnh nếu người dân nào cất giấu, bán cổ vật sẽ chịu hậu quả nghiêm trọng. Cuối cùng cảnh sát thu hồi được tổng cộng 112 miếng vàng có hình thù như những chiếc bánh.
Các chuyên gia khảo cổ cũng phát hiện thêm một địa điểm chôn vàng ở Nhà máy gạch Tân Hoa, có thêm 107 miếng vàng được tìm thấy, nâng tổng số vàng tại khu vực này lên 219 miếng khiến cảnh sát vô cùng sững sở. Đây là con số gây ngỡ ngàng cho giới khảo cổ khi đó, ước tính giá trị lên đến 2 tỷ NDT (khoảng 6.800 tỷ đồng).
Sau khi tiến hành nghiên cứu, các chuyên gia đưa ra kết luận những miếng vàng này có từ thời Tây Hán (202 TCN – 9) trong lịch sử Trung Quốc, những ký tự khắc trên vàng chính là tên của những người thợ làm ra miếng vàng. Đây là một phương pháp đảm bảo chất lượng vàng áp dụng từ thời nhà Tần và nhà Hán, tương tự như chữ ký ngày nay.
Độ tinh khiết của các miếng vàng có thể lên đến 97-99%, có thể thuộc sở hữu của hoàng gia, quý tộc hoặc từ kho bạc thời Tây Hán. Hiện số vàng này đang được trưng bày tại bảo tàng tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc như một minh chứng sống động của lịch sử nước này.