"Mây mù kinh tế" trước thềm cuộc đua bầu cử giữa kỳ ở Mỹ

Tất Đạt |

Nền kinh tế Mỹ đang có những dấu hiệu mâu thuẫn ngay trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11.

Khi Mỹ chuẩn bị cho các cuộc bầu cử quan trọng giữa nhiệm kỳ, một loạt các vấn đề xuất hiện khiến người dân Mỹ bối rối: hàng loạt cuộc sa thải tại các công ty Big Tech (những công ty công nghệ khổng lồ), thị trường chứng khoán biến động, ngân hàng trung ương Mỹ dùng chiến lược khắt khe để giải quyết lạm phát. Câu hỏi được đặt ra hiện tại là: Nền kinh tế Mỹ có đang cải thiện hay không?

Có lẽ có và có thể là không. Theo CNN, rất nhiều người cũng đang đặt ra câu hỏi tương tự. Dưới đây là một số điểm chính về tình hình kinh tế xã hội tại Mỹ trong thời gian gần đây.

Thị trường việc làm sẽ không thay đổi

Về khía cạnh việc làm, có một tin tốt đối với những người đang tìm việc. Nền kinh tế Mỹ đã có thêm 261.000 việc làm trong tháng 10, nhiều hơn khoảng 60.000 so với dự kiến của các nhà kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp trong lịch sử là 3,7%, và cứ một người thì có gần hai công việc để lựa chọn.

Tuy nhiên, sự thắt chặt của thị trường lao động là một tin xấu đối với Cục Dự trữ Liên bang, vốn lo ngại rằng người lao động càng dễ đòi hỏi mức lương cao hơn, thì càng khó hạ thấp mức giá vẫn ở mức cao trong hơn một năm qua. Bằng cách mạnh tay tăng lãi suất, FED đã tìm cách đưa một số cơ hội vào thị trường lao động thắt chặt.

Mây mù kinh tế trước thềm cuộc đua bầu cử giữa kỳ ở Mỹ - Ảnh 1.

Thị trường nhà ở đau đầu vì lãi suất

Thay vì đạt được những gì họ muốn - lạm phát chậm lại - hiện tại, việc FED tăng lãi suất chỉ khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn đối với những người Mỹ thiếu tiền. Lạm phát vẫn ở mức cao, nhưng giờ đây, việc vay nợ hoặc thanh toán bằng thẻ tín dụng cũng đắt hơn nhiều. Và các động thái của FED đang gây thiệt hại các nền kinh tế nước ngoài bằng cách tăng giá trị của đồng đô la Mỹ, nền tảng của thương mại quốc tế.

Lãi suất thế chấp của Mỹ, vốn bị ảnh hưởng gián tiếp bởi lãi suất quỹ liên bang, đã tăng vọt lên 7% vào tuần trước lần đầu tiên sau 20 năm. Kết hợp với lượng hàng tồn kho thấp, việc này đã biến thị trường nhà ở thành cơn ác mộng cho cả người mua và người bán.

Những người có nhu cầu mua nhà ngày càng khó tìm được những ngôi nhà họ đủ khả năng mua. Người bán không có động lực để bán nhà của mình, một phần vì ngay cả khi họ tìm được người mua, họ vẫn phải đối mặt với mức giá quá cao khi tìm nơi ở mới.

Điều này đặc biệt khó đối với những người trẻ tuổi mua nhà lần đầu, những người không có vốn tự có hoặc tiền tiết kiệm để mua nhà. Kết quả là họ thuê lâu hơn và điều đó ngày càng đẩy giá thuê lên cao.

Sa thải tại các công ty Big Tech

Một đợt sa thải lan rộng và tình trạng đóng băng tuyển dụng đang ảnh hưởng đến người lao động tại một số công ty hàng đầu của Thung lũng Silicon, một dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy một cuộc suy thoái có thể sắp xảy ra. Elon Musk bắt đầu sa thải nhân viên tại Twitter; Lyft tuyên bố cắt giảm 13% nhân sự; và Microsoft và Amazon đang đóng băng việc tuyển dụng thêm.

Mây mù kinh tế trước thềm cuộc đua bầu cử giữa kỳ ở Mỹ - Ảnh 2.

Tất nhiên, các công ty công nghệ không phải là dấu hiệu của toàn bộ thị trường lao động, các nhà kinh tế cảnh báo. Nhiều công ty đã tăng trưởng nhanh chóng trong thời đại dịch và hiện đang thu hẹp quy mô lại khi cần cân nhắc lại về chi tiêu và hạ nhiệt tuyển dụng.

Bledi Taska, nhà kinh tế trưởng của Lightcast, viết: "Không nghi ngờ gì khi có những đợt sa thải nhân sự cấp cao ở Thung lũng Silicon, nhưng nhìn chung, lĩnh vực công nghệ vẫn đang hoạt động tốt và đang tạo thêm nhiều việc làm. Câu chuyện không phải lúc nào cũng khớp với các con số."

Hậu quả đại dịch

Nỗi đau kinh tế mà thế giới đang trải qua hiện nay bắt nguồn từ tác động khó lường của đại dịch. Vào năm 2020, COVID-19 đã buộc phải nhiều công ty phải đóng cửa đột ngột, thậm chí dù đã hai năm rưỡi trôi qua, tình trạng vẫn đang lan rộng khắp các nền kinh tế toàn cầu.

Nhu cầu hàng hóa tăng vọt cùng lúc các chuỗi cung ứng đang gặp khó khăn. Điều đó gây ra tình trạng thiếu hụt hàng loạt mọi thứ, từ giấy vệ sinh đến chip máy tính. Giá cả đã tăng lên. Những người tiêu dùng Mỹ đã sử dụng các biện pháp kích cầu của chính phủ để mua thêm đồ, gây áp lực làm gia tăng lạm phát. Sau đó, chiến dịch của Nga đã đẩy chuỗi cung ứng đến điểm giới hạn một lần nữa và làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lương thực toàn cầu.

Mây mù kinh tế trước thềm cuộc đua bầu cử giữa kỳ ở Mỹ - Ảnh 3.

FED, trong khi đó, giữ lãi suất gần bằng 0 và đầu tư mạnh vào trái phiếu để giữ cho thị trường tài chính không sụp đổ. Trong suốt năm 2021, các quan chức FED đã coi lạm phát gia tăng như một hiệu ứng "nhất thời" và cuối cùng sẽ tự biến mất. Tuy nhiên, mọi thứ không diễn ra như vậy. FED buộc phải nhanh chóng thay đổi chiến lược để ngăn chặn đà tăng giá và khiến lạm phát trở thành một vòng luẩn quẩn khó thoát.

Bất chấp một số dấu hiệu hạ nhiệt - Chỉ số Giá tiêu dùng đạt 9,1% vào tháng 6 và từ đó giảm xuống 8,2% (vẫn cao hơn rất nhiều so với mục tiêu 2% của Fed) - giá cả khó có thể giảm nhanh chóng chỉ trong vài ngày.

Tất cả những điều này đều chỉ ra một bài toán khó cho các đảng viên Đảng Dân chủ đang cố gắng nắm giữ quyền lực trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tới.

Mặc dù về mặt kỹ thuật, nền kinh tế Mỹ không suy thoái, nhưng gần 75% số cử tri trong một cuộc thăm dò gần đây của CNN cho biết họ cảm thấy như vậy.

Tiền lương tăng, nhưng không đủ để giảm giá cao của các nhu yếu phẩm như thực phẩm, nhiên liệu và chỗ ở.

Đối với những người đầu tư vào cổ phiếu, năm vừa qua cũng không phải là một năm tuyệt vời và điều đó đặc biệt khó khăn đối với những người về hưu đang sống nhờ vào các khoản đầu tư của họ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại