1. Nếu chỉ gói gọn trong trận đấu tranh huy chương đồng Asiad 2018 chiều qua, rõ ràng những gì U23 Việt Nam thu về sau một giải đấu thành công nữa của bóng đá trẻ Việt Nam sẽ làm nhiều người phải thất vọng. Sự thất vọng của HLV Park Hang-seo, của các chiến binh chỉ chịu gục ngã trên chấm luân lưu nghiệt ngã, sự thất vọng của người hâm mộ khao khát được nhìn thấy những chàng trai của họ đứng lên bục nhận huy chương là hoàn toàn có lý.
U23 Việt Nam thất bại trong một trận đấu mà đáng ra họ phải thắng, bởi đơn giản họ là những người xứng đáng với chiến thắng hơn là đối phương. Ở trận đấu ấy, lần đầu tiên người ta được thấy một đội bóng Việt Nam mạnh dạn chơi tấn công, áp đảo đối phương, thậm chí đã đến rất gần với chiến thắng trong một trận đấu tranh huy chương ở giải đấu cấp châu lục. Điều ấy, suốt lịch sử của mình, bóng đá Việt Nam chưa bao giờ làm được.
Nhưng đấy mới là bóng đá, bởi nếu như chơi hay hơn, áp đảo hơn là mặc nhiên chiến thắng, thì chắc hẳn chẳng bao giờ U23 Việt Nam có được kỳ tích Á quân châu Á hồi đầu năm nay. Và bất kỳ ai cũng biết rằng bóng đá, hay bất kỳ môn thể thao nào khác, kết quả cuối cùng mới là thứ được công nhận. Người chiến thắng được tất cả, còn kẻ chiến bại thì chỉ có sự tiếc nuối mà thôi.
Tối qua, sau khi trận đấu kết thúc, trên mạng xã hội bùng nổ khá nhiều sự chỉ trích, bên cạnh những lời an ủi, động viên đầy yêu thương đến thầy trò HLV Park Hang-seo. Cổ động viên Việt Nam chỉ trích trọng tài người Hàn Quốc, chỉ trích Ban tổ chức đã không cho U23 Việt Nam đá hiệp phụ, chỉ trích Quang Hải đá trượt luân lưu, thậm chí chỉ trích HLV Park Hang-seo không tung Công Phượng vào sân...
Xét cho cùng, bỏ qua sự cay cú, hằn học trong những lời chỉ trích ấy, còn lại chính là sự thất vọng, nhưng là sự thất vọng đến từ sự kỳ vọng lớn lao vào kỳ tích của U23 Việt Nam. Chưa bao giờ bóng đá Việt Nam dám "mơ cao" đến thế. Đằng sau những lời chỉ trích cay nghiệt, là lấp lánh niềm vui cho bóng đá Việt Nam.
Nhưng điều gì cũng có hai mặt, sự kỳ vọng này cũng thế. Nó có thể làm vỡ òa niềm vui của cả một dân tộc, như những ngày đầu năm với kỳ tích Á quân châu Á, cũng có thể làm thành tích hạng tư châu Á ngày hôm nay bớt đi phần rạng rỡ, bởi kỳ vọng là tấm huy chương đồng cơ. Nhưng nó cũng rất nguy hiểm, khi sự kỳ vọng ấy lại chính là hệ quy chiếu để nhìn vào những ngày tháng tiếp theo của HLV Park Hang-seo và các học trò.
2. HLV Park Hang-seo trả lời phỏng vấn sau trận đấu tối qua rằng bóng đá Việt Nam đã đạt đến tầm cao mới của châu lục. Có vẻ thế thật, bởi ở Asiad 2018, rõ ràng U23 Việt Nam có những điểm sáng so với giải U23 châu Á hồi đầu năm. Thầy trò HLV Park Hang-seo đã có những trận đấu bùng nổ hơn, dám chơi tấn công với những đối thủ mạnh châu Á, có phương án và giải quyết được trận đấu khó khăn với U23 Nhật Bản, Bahrain, Syria.
Thậm chí, trận đấu hôm qua, dẫu thua, vẫn là một điểm sáng khi đấy là trận đấu bùng nổ, hay nhất của U23 Việt Nam từ đầu giải. Sự chững chạc, tâm thế nhập cuộc tự tin hơn hẳn là điều dễ dàng nhận thấy ở lứa cầu thủ này, dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo.
Nhưng nhìn vào trận thua trước U23 Hàn Quốc, rõ ràng khoảng cách về mặt đẳng cấp vẫn còn là quá xa. Nhìn vào U23 Nhật Bản hay U23 Bahrain, rõ ràng họ đã đi trước Việt Nam, để có quyền lựa chọn đấu trường để các cầu thủ trẻ có cơ hội va chạm, cọ sát, trong khi chúng ta vẫn phải dốc toàn lực để chiến đấu, mà không hề có lựa chọn khác.
Hai chiến công mà HLV Park Hang-seo đem về cho bóng đá Việt Nam là những kỳ tích lịch sử, là điểm sáng lung linh để người hâm mộ được truyền cảm hứng, để các cầu thủ có động lực phấn đấu, để những người làm bóng đá Việt Nam trông vào đó làm làm tốt hơn, bởi chỉ cần làm tốt, nhiều thứ khác sẽ tự nhiên đến.
Nhưng nó cũng là áp lực lớn lao, thứ áp lực mà nếu như các giải đấu sắp tới, nếu chẳng may có lỡ "trượt chân", thì sẽ như quả núi lớn đổ sập xuống đầu HLV người Hàn Quốc lẫn các học trò. Kỳ vọng càng lớn, sự thất vọng sẽ càng lớn, và với sự nguy hiểm được tiếp tay bởi mạng xã hội, với một cộng đồng mạng mang nặng sự cảm tính, rất khó để đoán trước được hậu quả một khi bị làm thất vọng.
Hai mục tiêu lớn mà HLV Park Hang-seo xác định ngay từ khi mới sang Việt Nam là Olympic 2020 và top 100 FIFA, giờ mới là lúc bắt tay vào để hoạch định. Lứa cầu thủ được kỳ vọng ở Olympic, giờ đây ngoài Bùi Tiến Dũng, Quang Hải, Văn Hậu, Hà Đức Chinh... ra, vẫn chưa thấy thêm nhân tố nào nổi bật để làm nên bước tiến mới cho đội tuyển Olympic Việt Nam trong một, hai năm nữa.
Trong khi đó, ở ĐTQG, nòng cốt vẫn sẽ là những cầu thủ U23 vừa làm nên chiến tích hôm nay, với những cầu thủ mới vừa bước qua cái ngưỡng cầu thủ trẻ, còn kha khá những chuệch choạc nếu phải bước ra đấu trường "người lớn". Trải đều trên cả ba tuyến, ĐTQG Việt Nam vẫn thiếu đi sự dày dặn, chiều sâu, cũng như những cầu thủ nổi bật để tìm kiếm sự chững chạc, có thể làm nên tầm cao mới ở khu vực và châu lục.
Bóng đá Việt Nam may mắn có được một người thầy như HLV Park Hang-seo, có được một lứa cầu thủ "vàng" như hiện tại, nhưng hãy nhớ không phải thành công nào cũng đến nhanh như với U23 Việt Nam phiên bản 2018.
Xin người hâm mộ Việt Nam, nếu yêu thương họ, hãy đặt kèm kỳ vọng với sự kiên nhẫn. Thành Rome chẳng thể xây trong một ngày, hãy để thầy Park đặt từng viên gạch chắc chắn cho tương lai, thay vì nằng nặc đòi thêm những thành tích sáng chói ngay ngày mai. Và khi đã yêu, phải chăng nên kìm bớt những lời cay đắng lại. Những đắng cay ấy, thầy Park đã nếm nhiều rồi, sao không dành chỗ cho những yêu thương?