Máy hỗ trợ thở "made in... nông dân", giúp nhiều người bệnh tiếp tục sống

PHẠM NGỌC CHUẨN |

Tận mắt chứng kiến “cỗ” máy hỗ trợ thở, tôi đã hết sức ngạc nhiên về sự giản đơn, gọn nhẹ, tiện ích của chiếc máy. Và càng ngạc nhiên hơn khi chủ nhân của chiếc máy hỗ trợ thở ấy lại là một nông dân chất phác, sinh sống bằng nghề gò, hàn và sửa chữa nông cụ phục vụ nông dân.

Đó là ông Nguyễn Hữu Mùi, 58 tuổi, tổ 21, phường Túc Duyên, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

Vào viện ra... sáng chế

Nhờ có “cỗ” máy trợ thở này, nhiều bệnh nhân được sống hạnh phúc cùng người thân. Ông Chu Hồng Việt, tổ 25, phường Hoàng Văn Thụ (TP Thái Nguyên) là một điển hình.

Ông đã chung sống cùng chiếc máy trợ thở do nông dân Nguyễn Hữu Mùi chế tác nhiều năm nay.

Đó là một chiếc máy được ông Mùi sáng chế vuông vức, mỗi chiều chừng 30 cm, nặng gần 20 kg, chạy êm rì và đều đặn ép quả bóng để đẩy hơi vào nuôi sống cơ thể bệnh nhân.

Bà Lương Thị Tuyến, vợ bệnh nhân Chu Hồng Việt, cho biết: Nhờ có chiếc máy trợ thở cá nhân, chồng tôi không phải nằm trong bệnh viện.

Hơn thế, khi về nằm điều trị tại nhà, tôi và các con không phải thay nhau bóp bóng để níu kéo sự sống cho người thân.

Anh Chu Hải Anh, con trai của bệnh nhân cho biết thêm: Bố tôi bị bệnh u tủy, năm 2009 ông bắt đầu phải thở bằng máy tạo ô xy.

Nhiều năm liên tục bố tôi nằm trên giường bệnh, bất kể ngày mưa lạnh hay nắng nóng, gia đình luôn phải có người vào bệnh viện thăm nom. Đầu năm 2014, có người “mách” giúp đường đến nhà ông Mùi để đặt làm giúp máy hỗ trợ thở.

Ông Mùi được sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở phường Túc Duyên. Năm 1975, ông tốt nghiệp cấp 3, được bố mẹ cho học nghề cơ khí.

Năm 1978, tốt nghiệp lớp học nghề, ông xin vào làm công nhân ở cửa hàng sửa chữa mô tô, xe đạp (Cty phục vụ sinh hoạt TP Thái Nguyên).

Năm 1983, ông xin đi xuất khẩu lao động tại Bungary. 9 năm đi làm thuê nơi xứ người, ông trở về với gia đình và tiếp tục đi làm người lao động tự do. Cuộc sống riêng chẳng mấy dư dả, nhưng ông luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác.

Ông là người đam mê sáng tạo, thích cải tiến các chi tiết máy móc, nông cụ.

Nhiều nông dân khi mang máy cày, máy bừa, máy vò chè, sấy chè đến sửa, ông giúp họ thay thế một số chi tiết máy mà không lấy thêm tiền công, song chất lượng máy tốt hơn, sản phẩm làm ra chất lượng hơn.

Cũng từ đam mê sáng tạo nên ông đã sáng chế được chiếc máy hỗ trợ thở gọn, nhẹ, bền, đẹp và hữu ích.

Nguyên do để ông Mùi sáng chế chiếc máy thở đầu tay là dịp tháng 6/2011, khi đến thăm ông Nguyễn Ngọc Lăng, tổ 1, phường Trung Thành (TP Thái Nguyên) bị ốm nằm viện nhiều năm.

Ông Lăng bị liệt toàn thân và bị liệt cơ thở nên cuộc sống của ông chủ yếu trên giường bệnh trong bệnh viện.

Do cơ thở bị liệt, ông Lăng phải sống nhờ vào máy thở của bệnh viện. Mỗi lần ông Lăng về thăm nhà phải có 2 người phục vụ, 1 người đẩy xe và 1 người bóp bóng hỗ trợ thở.

Thấy vậy, ông Mùi bạo gan, bảo: Để tôi làm giúp cho ông cái máy bóp bóng, tức là máy hỗ trợ thở. Như thế, vợ, con ông sẽ không phải dùng đôi tay bóp bóng nữa.

Nguyên lý... điếu cày

Chưa bao giờ ông nhìn thấy cái máy trợ thở trong bệnh viện nhưng ông tự tin, quả quyết sẽ làm được.

Song khi bắt tay vào việc mới thấy những cái khó bộc lộ, ví như cái máy xao chè, máy vò chè hoặc máy cày, máy bừa bị lỗi kỹ thuật, máy có thể chạy nhanh, chạy chậm hoặc đứng ì ra cũng chẳng chết ai.

Nhưng cái máy bóp bóng hỗ trợ thở cho người bệnh mà bị lỗi kỹ thuật, thì... liên quan đến mạng sống con người.

Nghĩ thế, ông cẩn thận đi hỏi người bạn làm bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu về cơ chế thở, đường thở, nhịp tim mạch, số lần thở ra, hít vào/phút...

Về nhà, trằn trọc không chợp được mắt, ông trở dậy lấy que đóm chấm vào chén nước trà và phác thảo chiếc máy hỗ trợ thở ra bàn. Thỉnh thoảng ông lại kéo hơi thuốc lào dài thượt, ngửa cổ nhả khỏi lên trời.

Cho tới lúc con gà gáy gọi ngày, cũng là lúc ông tìm ra lời giải về chống nhiễm khuẩn hô hấp cho người bệnh khi sử dụng máy hỗ trợ thở. Ông bảo: “Tôi áp dụng lọc khí theo nguyên lý lọc khói qua nước của điếu cày”.

Để có linh kiện lắp đặt thành chiếc máy hỗ trợ thở, ông đến các điểm thu mua sắt thép phế, xin mua lại những động cơ điện, bộ điều tốc, bánh răng, trục khuỷu, pu li, xích... riêng bóng nhựa ép đẩy khí được mua ở cửa hàng cung cấp thiết bị y tế.

100% máy hỗ trợ thở do ông làm đều bảo đảm các thông số kỹ thuật của máy bóp bóng và chính xác theo nhịp thở của từng người bệnh, giảm được sức người bóp trợ thở bằng tay. Ông Mùi tâm sự: Tôi sáng chế chiếc máy hỗ trợ thở là để cứu người, giúp đời, chứ không mảy may toan tính hơn thiệt. Vì mỗi chiếc máy thở của tôi làm ra, đồng nghĩa với việc có một người được tiếp tục sống.

Sau hơn 1 tháng lắp vào, tháo ra, kê chỉnh sao cho nhịp máy khi bóp bóng phù hợp với nhịp thở của người bệnh.

Sau khi bàn giao máy cho bệnh nhân, ông Mùi tiếp tục theo dõi xem máy hoạt động có ổn định, bảo đảm an toàn cho bệnh nhân hay không.

Bà Tô Thị Nga, vợ ông Lăng cho biết: Chiếc máy hỗ trợ thở do ông Mùi làm ra đã giúp chồng tôi rời bệnh viện về nhà được gần 5 năm rồi.

Nhờ có chiếc máy này, gia đình tôi không phải thay nhau vào bệnh viện thăm nom người ốm. Tôi cũng có nhiều thời gian nghỉ ngơi, dọn dẹp nhà cửa và ra vườn trồng rau.

Trở lại câu chuyện đặt làm máy hỗ trợ thở của anh Chu Hải Anh. Anh Hải Anh kể: Chỉ sau 1 tuần đặt mua máy, với giá 4,5 triệu đồng, gia đình tôi đã nhận được chiếc máy hỗ trợ thở như ý.

Đặc biệt gia đình tôi được sự giúp đỡ của các thầy thuốc trong Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, bố tôi được phép thở bằng máy do ông Mùi sản xuất.

Tôi hiểu, con người ta sinh ra ở đời, dù lâm vào hoàn cảnh nào cũng khao khát được sống. Ông Mùi, một nông dân chân chất đã tự làm được chiếc máy hỗ trợ thở để nhiều người được sống.

Ông không phải nhà khoa học, không phải giáo sư, kỹ sư chế tạo, lại càng không chờ cậy dự án, ngân sách Nhà nước cấp để đầu tư cho “công trình nghiên cứu khoa học”.

Ông lẳng lặng làm và coi đó là một công việc bình thường.

Nhưng tôi nghĩ: Việc ông Mùi đã làm được có giá trị hơn cả vạn lần những công trình nghiên cứu khoa học tốn bạc tỉ của Nhà nước nhưng không có giá trị ứng dụng trong đời sống con người.

Và tôi biết: Để lắp đặt thành công chiếc máy hỗ trợ thở, ông Mùi mất rất nhiều thời gian, có khi cả tháng ròng ông đến các điểm thu mua sắt thép phế ở Thái Nguyên, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang chỉ để tìm bới, mua lại 1 chi tiết máy.

Vất vả, tốn kém, nhưng chưa bao giờ ông từ chối khi có người đến nhà đặt làm máy hỗ trợ thở.

Vì ông biết không riêng người bệnh, mà còn có rất nhiều người thân của họ đang trông cậy, hy vọng có được 1 chiếc máy hỗ trợ thở để người thân được tiếp tục sống.

Bác sĩ khẳng định hiệu quả Liên tục trong 30 ngày, ông Mùi cùng tập thể cán bộ, y, bác sĩ theo dõi, điều chỉnh khí thở, nhịp thở. Thấy bảo đảm an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, bác sĩ Lê Hùng Vương, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu mới gật đầu, bảo: Máy bảo đảm thông số kỹ thuật, an toàn, nhất trí cho bệnh nhân về nhà điều trị.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại