“Mấy đại gia xây nhà xù xà xù xì, không hiểu kiểu gì!”

Ngọc Thành |

Ủng hộ việc có chế tài quản lý kiến trúc, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh “không phải anh có tiền thì làm gì cũng được”.

Sáng nay (11/8), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào dự án Luật Kiến trúc, gồm 4 chương, 37 điều.

Việc ban hành Luật Kiến trúc được đánh giá là hết sức cần thiết, nhằm khắc phục các hạn chế, tồn tại, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ kiến trúc sư có đức, có tài; xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và hội nhập quốc tế

Bản sắc không rõ, sáng tạo không mạnh

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc bày tỏ đồng tình với sự cần thiết ban hành luật và hy vọng khi luật ra đời sẽ khắc phục được những tồn tại hiện nay và kiến trúc Việt Nam có đặc sắc riêng.

Giờ nông thôn đô thị hoá cũng nhà ống, phá vỡ không gian kiến trúc nông thôn. Việt Nam có bao nhiêu loại kiến trúc: có hình bóng của Nga, của thời Pháp cổ..., không thiếu kiểu gì cả.

Bản sắc rất quan trọng, làm sao luật ra đời khắc phục được tồn tại hiện nay” – ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh và dẫn ví dụ Lào không có luật kiến trúc nhưng có bản sắc riêng rất rõ.

Cho rằng cần có chế tài để giữ bản sắc, Tổng Thư ký Quốc hội lưu ý trách nhiệm từ quản lý nhà nước đến nhà đầu tư, mỗi cá nhân: “Không phải anh có tiền thì làm gì cũng được.

Bộ mặt đô thị như vậy sao được! Mấy ông đại gia xây nhà xù xà xù xì, đưa cả con gà lên mái nhà, không hiểu kiểu gì! Do đó cần có chế tài, phải theo quy định chứ không thể tuỳ tiện”.

Nói về kiến trúc Việt Nam, ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng thẳng thắn: “Bản sắc không rõ, sáng tạo không mạnh.

Cứ thấy đẹp là nhại lại, bắt chước, có thời nóc nhà toàn mũi nhọn, lúc thì kiểu lâu đài...”

Ông Phan Thanh Bình nhấn mạnh kiến trúc có truyền thống và hiện đại, có đặc thù nên cần có nguyên tắc chứ không chung chung.

“Kiến trúc đô thị là cái gì? Ta tự hào về các ngôi chùa nhưng nhiều chùa lớn hiện nay liệu có phải kiến trúc Việt Nam hay nhập từ mẫu chùa ở nơi nào đó về” – ông Phan Thanh Bình nêu băn khoăn và đề nghị dự thảo Luật cần đặt ra vấn đề nguyên tắc của bản sắc.

Đề cập góc độ quản lý Nhà nước là có cả kế thừa, bảo tồn, phát triển, nhưng theo ông Phan Thanh Bình, hình như ở ta có thành di sản mới bảo trì, còn không thành di sản thì không bảo trì.

Có những ngôi chùa trăm năm ở Huế nay thay cột gỗ bằng cột xi măng chỉ vì nó không nằm trong di sản. Hay khi phát triển đô thị có công trình lớn xâm phạm văn hoá nhưng lại khó giải quyết.

Do đó, luật cần nghiên cứu để có quy định xử lý được những vấn đề này.

Đem lại niềm tin phát triển kiến trúc Việt Nam

Phát biểu tại phiên họp, ông Nguyễn Tấn Vạn – Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam đặt ra nhiều câu hỏi: Vì sao đầu tư rất nhiều tiền của nhưng kiến trúc của ta vẫn tụt hậu, thiếu bản sắc?

Vì sao nhiều sinh viên cũng như kiến trúc sư trẻ đạt nhiều thành tích tầm cỡ nhưng khi hành nghề không phát triển được? Tại sao nước ta hướng ngoại mạnh như vậy?

Theo ông Vạn, qua tiếp xúc với giới kiến trúc sư nhiều nước thì thấy rằng họ giải quyết được vì có luật về kiến trúc, dù tên gọi có khác nhau.

Dự án Luật Kiến trúc trình Quốc hội lần này tuy có chậm nhưng sẽ điều chỉnh lại những điểm bất hợp lý lâu nay, mở ra mội trường hành nghề tốt hơn với kiến trúc sư và đem lại niềm tin phát triển cho kiến trúc Việt Nam.

Góp ý vào dự thảo luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, dù có nhiều quy định liên quan kiến trúc nằm trong nhiều đạo luật đã ban hành, nhưng việc xây dựng Luật Kiến trúc là “sự ra đời sau 20 năm ấp ủ”, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động kiến trúc và quản lý kiến trúc.

“Mấy đại gia xây nhà xù xà xù xì, không hiểu kiểu gì!” - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng cần có chính sách hỗ trợ để thực hiện được ý đồ kiến trúc. (Ảnh: Quốc hội)


Tuy vậy, theo ông Uông Chu Lưu, phạm vi điều chỉnh của luật là vấn đề rất lớn nhưng chủ thể lại chưa đề cập rõ.

Đó chính là kiến trúc sư, kiến trúc sư trưởng, văn phòng kiến trúc. Bên cạnh đó, để thực hiện được ý đồ của nhà kiến trúc, của nhà quản lý là vấn đề cần phải nghiên cứu.

“Tình trạng nhà ống, nhà méo, mỏng thì ngoài vấn đề quy hoạch, kiến trúc thì cần hỗ trợ gì để xử lý? Các nước có cả khối nhà nguy nga đồ sộ ở mặt tiền vì có chính sách hỗ trợ. Lẽ ra ta cũng cần có chính sách như cho vay trả dần hay hỗ trợ kiến trúc.

Khi làm đường ta không tính đồng bộ kiến trúc. Hay bức tranh kiến trúc ở nông thôn còn lộn xộn, giờ toàn nhà ống, bê tông. Nên chăng Nhà nước cần có kiến trúc mẫu cho từng vùng, từng miền” – ông Uông Chu Lưu nêu ý kiến.

Đánh giá cao sự chuẩn bị của ban soạn thảo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng dự án luật đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6. Tuy vậy, nhiều quy định trong dự thảo còn chưa thể hiện được quan điểm nêu trong Tờ trình của Chính phủ nên cần rà soát, làm rõ hơn.

Quy định về quản lý kiến trúc, kiến trúc đô thị, khu phố cổ, kiến trúc nông thôn còn chung chung, chưa chặt chẽ; cùng với đó cần nghiên cứu thêm về thiết chế Hội đồng kiến trúc quốc gia, kiến trúc sư trưởng.../.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại