Khoảng 14 giờ 30 phút (giờ Singapore), máy bay Boeing 747 - 4J6 của hãng hàng không Trung Quốc chở nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Changi, Singapore.
Theo trang chuyên theo dõi đường bay Flightradar24, chiếc máy bay trên đã khởi hành từ Bình Nhưỡng vào lúc 8 giờ 30 phút (giờ địa phương) với số hiệu CA122 cùng địa điểm tới là Bắc Kinh. Tuy nhiên, sau đó khi vào không phận Trung Quốc, nó bất ngờ được đổi sang số hiệu CA61 với hành trình tới Singapore.
Đáng chú ý, máy bay thương mại dân Boeing 747 - 4J6 từng nhiều lần được tân trang thành chuyên cơ phục vụ các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, trong đó có Chủ tịch Tập Cận Bình.
Máy bay của hãng hàng không Trung Quốc chở ông Kim Jong-un tới Singapore. Ảnh: Reuters
Theo Giáo sư Chu Vĩnh Sinh thuộc Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế, Học viện Ngoại giao Trung Quốc, thực tế trong thế kỷ 20, việc một lãnh đạo quốc gia mượn máy bay của nước khác đi công du không phải là chuyện hiếm.
Nguyên nhân có thể xuất phát từ hạn chế kỹ thuật hoặc chưa xây dựng đường bay quốc tế và vì lí do an ninh, một số quốc gia sẽ thường mượn máy bay từ những quốc gia thân thiết - tức 2 nước có quan hệ ngoại giao hữu hảo. Ví dụ, Trung Quốc từng mượn máy bay từ Ấn Độ nhằm phục vụ chuyến công du của ông Chu Ân Lai.
Máy bay ông Tập có gì đặc biệt?
Dòng máy bay thương mại được tân trang để phục vụ lãnh đạo Trung Quốc là một trong những loại máy bay dân dụng thương mại hai tầng cỡ lớn hiện đại nhất thế giới hiện nay với chỉ số an toàn cao, có thể bay liên tục trong 15 giờ.
Nội thất trong chuyên cơ của ông Tập được tiết lộ năm 2013. Ảnh: CCTV
Theo thông tin được công khai Boeing 747 có tốc độ đạt Mach 0,85 (567 mph hay 913 km / h) tầm bay liên lục địa là 7.260 hải lý (8.350 dặm hay 13.450 km). Phiên bản chở khách có thể chở 416 khách với ba hạng ghế hoặc 524 khách với bố trí cho hai hạng ghế ngồi.
Theo ông Lỗ Bồi Tân, Vụ trưởng Vụ lễ tân Trung Quốc, trước mỗi chuyến công du, hãng hàng không Trung Quốc sẽ được thông báo trước để tiến hành tân trang máy bay chở khách thành chuyên cơ riêng phục vụ ông Tập. Do đó, ghế ngồi bình thường sẽ được tháo dỡ, thay thế vào đó là sofa và giường nghỉ.
Buồng lái của Boeing 747: Chuyên cơ của ông Tập thường có 2 tổ bay.
Ông này cho biết thêm, thông thường chuyên cơ sau khi thay hình đổi dạng sẽ xuất hiện bốn kết cấu: Khoang đầu là khoang Chủ tịch, bao gồm phòng khách, văn phòng và phòng ngủ, khoang giữa là khoang Bộ trưởng, khu vực dành cho các quan chức cấp cao tháp tùng, tiếp đó là khoang dành cho các quan chức thuộc cấp Sở, Vụ và khoang cuối cùng dành cho các phóng viên và nhân viên đoàn công tác.
Khoang dành cho quan chức cấp Vụ, Sở sẽ không có vị trí dành cho vệ sĩ và nhân viên y tế. Những nhân viên này được sắp xếp ngồi gần lãnh đạo hơn để đảm bảo an ninh và thuận tiện xử lý nếu có sự cố xảy ra.
Một phần của khoang Chủ tịch.
Khoang dành cho Chủ tịch nằm sát phía dưới buồng lái, được lắp đặt 10 chiếc ghế dựa ngả lưng 135 độ, xếp theo hình xương cá. Vị trí ghế sẽ được điều chỉnh dựa theo từng nhu cầu nhưng về cơ bản, sự sang trọng, tiện nghi của khoang này cũng chỉ tương đương khoang hạng thương gia.
Xét về mặt khách quan, rất khó để máy bay thương mại của Trung Quốc tân trang thành Không lực Một như của Tổng thống Mỹ.
Bởi Không lực Một được trang bị loạt thiết bị điện tử bảo mật nếu tân trang sẽ phải tiến hành thay đổi bộ nội thất trong máy bay thương mại. Đồng thời cần nâng cấp hệ thống phát điện công suất lớn nên chuyên cơ lãnh đạo Trung Quốc không được tân trang phức tạp như thế.
Đặc biệt, bất luận là các chuyến bay trong nước hay quốc tế, độ bảo mật dành cho các chuyến bay của lãnh đạo Trung Quốc đều rất cao. Thông thường Bộ Ngoại giao sẽ là cơ quan đầu tiên thông báo về chuyến công du của người đứng đầu nhà nước, kế hoạch chuyến bay sẽ do Văn phòng trung ương đảm nhiệm, toàn bộ quá trình này sẽ mất khoảng 1 tháng.
Khoang được tân trang dành cho các quan chức cấp cao, có thể lắp đặt bàn hội nghị hình tròn nếu cầu thiết.
Đương nhiên, trước khi tiến hành tân trang thành chuyên cơ, công tác an ninh sẽ được kiểm tra kỹ càng, đồng thời một số thiết liên lạc bí mật cũng được lắp đặt để tiện liên lạc với đội ngũ trong nước.
Tổ bay của chuyên cơ lãnh đạo Trung Quốc sẽ do sư đoàn 34 thuộc lực lượng Không quân Trung Quốc đảm nhiệm.
Lãnh đạo Trung Quốc không có chuyên cơ riêng
Tuy nhiên, có điều đặc biệt là, đến hiện nay, các lãnh đạo Trung Quốc vẫn sử dụng máy bay thương mại do hãng hàng không quốc gia Trung Quốc Air China cung cấp thay vì được thiết kế một chiếc chuyên cơ riêng như Không lực Một của Tổng thống Mỹ.
Trả lời về nguyên nhân trên, ông Lỗ Bồi Tân cho biết, điều này xuất phát từ hai lý do: Thứ nhất, để không lãng phí, không tạo sự đặc thù nhằm giúp tăng tần suất sử dụng máy bay. Thứ hai, để đảm bảo an toàn bay, vì trên máy bay có hàng trăm linh kiện, nếu không thường xuyên bay những linh kiện này sẽ nhanh chóng bị hỏng hóc.
Ngoài ra, theo nguồn tin từ Trung Nam Hải, vào những năm 1990 của thế kỷ 20, Trung Quốc đã đặt mua chuyên cơ cho lãnh đạo. Loại hình được lựa chọn là Boeing 767-300ER nhưng sau khi bàn giao, nhân viên an ninh Trung Quốc đã phát hiện lượng lớn máy nghe trộm gắn trong thân máy bay. Tháng 1/2001, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này khi đó là Tôn Ngọc Tỉ đã chỉ trích mạnh mẽ hàng động này.
Khu vực được cải tạo dành cho phóng viên, nhân viên phiên dịch.
Do đó, Bắc Kinh đã không mua chuyên cơ cho lãnh đạo nhằm tránh những "tác động" từ bên ngoài trong quá trình sản xuất.
Hiện nay, lãnh đạo Trung Quốc được cho thường chỉ định 2 máy bay dân dụng cố định làm chuyên cơ.
Ngoài ra, Boeing 747 không phải dành phục vụ riêng lãnh đạo Trung Quốc nên chính phủ Trung Quốc thuê lại tạm thời từ Air China khi người đứng đầu quốc gia chuẩn bị công du nước ngoài.
Thông thường, Air China sẽ lựa chọn máy bay có tuổi đời ngắn nhất - tức mới nhất để đưa vào phục lãnh đạo Trung Quốc. Tính cho đến thời điểm hiện tại, có khoảng 3 máy bay thương mại Boeing 747 được lãnh đạo Trung Quốc sử dụng. Do đó, nhiều hành khách khi đáp chuyến bay Boeing 747, rất có thể họ đang ngồi trong chuyên cơ của ông Tập.