Chỉ vài tháng sau khi các phi công Thụy sĩ hoàn thành chuyến bay lịch sử vòng quanh thế giới trên một chiếc máy bay năng lượng Mặt trời, một nhà thám hiểm Thụy sĩ khác đã công bố nguyên mẫu một chiếc máy bay có khả năng bay lên tầng bình lưu.
Chiếc SolarStratos chở được hai người với diện tích cánh được phủ sử dụng pin Mặt trời lên đến 22m2. Nó được kỳ vọng sẽ là chiếc máy bay dùng năng lượng Mặt trời đầu tiên bay lên được tầng bình lưu.
Theo Raphael Domjan, chủ dự án, thì mục đích ban đầu là nhằm chứng minh sự vượt trội của công nghệ hiện tại so với khả năng của nhiên liệu hóa thạch. Ông còn cho biết, chiếc máy bay có khả bay lên độ cao 25.000m (gần gấp đôi Boeing 787 với 43.000ft (tương đương 13.100 m)).
SolarStratos sẽ có chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào tháng hai tới và độ cao sẽ được tăng dần qua các lần bay thử. Năm 2018 sẽ đánh dấu chuyến bay lên tầng bình lưu đầu tiên.
Nhằm giảm khối lượng cho máy bay, buồng lái sẽ không được điều áp và các phi công phải mặc quần áo chuyên dụng. Điều đặc biệt là bộ quần áo theo kiểu phi hành gia này cũng được cấp năng lượng Mặt trời.
Theo dự tính, máy bay cần 2,5 giờ để đạt độ cao của tầng bình lưu. Nó sẽ lưu lại 15 phút trước khi mất ba giờ để quay lại mặt đất.
Tầng bình lưu bắt đầu ở độ cao 10.000m và đạt trần ở 50.000m. Các nhà khoa học sử dụng một độ cao tiêu chuẩn với tên gọi Karman, nằm cách mặt biển 100.000m để phân chia ranh giới giữa bầu khí quyển Trái đất và không gian vũ trụ.
Trước đó, máy bay Solar Impulse 2 đã bay vòng quanh Trái đất qua 17 chặng, với tổng đường bay đạt 43.000km qua bốn lục địa, hai đại dương trong vòng 23 ngày không cần nạp lại nhiên liệu.
Cho đến hiện nay, các chuyến bay lên tầng bình lưu cần rất nhiều năng lượng hoặc khí cầu heli. Trong khi đó, máy bay SolarStratos sẽ chỉ phát ra một lượng nhỏ khí thải tương đương xe điện. Với tiềm năng như vậy, máy bay sẽ mở ra khả năng ứng dụng rất lớn với giá thành rẻ.