Máy bay "Made in China" lần đầu trình diễn tại Việt Nam, hạ cánh xuống Vân Đồn

Dương Ngọc |

Sau Singapore Airshow 2024, dàn máy bay của hãng sản xuất máy bay Trung Quốc nội địa Comac lần đầu tiên triển lãm và trình diễn tại sân bay quốc tế Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh)

Đúng 11 giờ 50 và 12 giờ 40 ngày 26-2, lần lượt hai máy bay C919 và ARJ21 của Tập đoàn máy bay thương mại Trung Quốc (Comac) đã hạ cánh sân bay quốc tế Vân Đồn, bắt đầu chuỗi sự kiện Triển lãm và trình diễn Comac Airshow từ 26 đến 29-2

Máy bay

Hai chiếc máy bay của hãng sản xuất máy bay Trung Quốc nội địa Comac sẽ tham gia Triển lãm và trình diễn Comac Airshow từ ngày 26 đến 29-2 tại Vân Đồn, Quảng Ninh

Sau khi tham gia Singapore Airshow 2024, cặp máy bay C919 và ARJ21 bay thẳng tới sân bay quốc tế Vân Đồn để tiếp tục tham gia triển lãm và trình diễn máy bay của Comac kéo dài trong 4 ngày. 

C919 và ARJ21-700 là 2 loại máy bay dân dụng đầu tiên tại Trung Quốc do Comac thiết kế và chế tạo, trong đó ARJ21-700 là máy bay phản lực hai động cơ với tối đa 90 chỗ ngồi, còn C919 là máy bay chở khách thân hẹp với tối đa 192 chỗ ngồi. 

Đây cũng là lần đầu tiên C919 được giới thiệu rộng rãi trong sự kiện triển lãm quốc tế và tại Việt Nam. Khách tham quan sẽ được vào thăm khám phá từng máy bay.

C919 có chiều dài gần 39 m, sức chứa tối đa 192 hành khách, tầm bay tối đa 4.075 km. Theo những hình ảnh công bố trước đó, máy bay C919 có cấu hình ghế tương tự các mẫu Boeing 737 Max và Airbus A320/321 với một lối đi ở giữa và hai hàng ghế (mỗi bên 3 chiếc). C919 có tham vọng sẽ cạnh tranh với Boeing 737 và Airbus 320.

Máy bay C919 được trưng bày tại sự kiện thuộc biên chế của China Eastern - hãng bay Trung Quốc đầu tiên nhận bàn giao mẫu máy bay thân hẹp này. Chiếc máy bay này từng được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi là động lực thúc đẩy "mô hình phát triển mới" của Trung Quốc cùng với các thành tựu khoa học kỹ thuật khác. C919 đã đưa Trung Quốc vào danh sách các nước ít ỏi có thể tự thiết kế và sản xuất máy bay, gồm Mỹ, Nga, Brazil, Canada, Anh, Pháp và Đức.

Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cho biết sự kiện triển lãm và trình diễn máy bay Comac được tổ chức lần này sẽ tạo tiền đề cho việc khai thác các chuyến bay thương mại từ các tỉnh, thành phố của Trung Quốc đến Vân Đồn, Quảng Ninh và trước mắt là từ TP Sán Đầu (thành phố ven biển thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) tới Vân Đồn. Đây cũng là sự khẳng định vị thế sân bay tư nhân đầu tiên và hàng đầu của Việt Nam, nơi có đầy đủ hạ tầng tổ chức các sự kiện lớn của ngành hàng không thế giới.

Trước đó, vào tháng 5-2019, sân bay Vân Đồn đã khai trương đường bay Vân Đồn - Thẩm Quyến. Tuy nhiên, đường bay này và nhiều kế hoạch phát triển thêm các đường bay mới kết nối Vân Đồn và đại lục Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) hay Hàn Quốc đều đã bị trì hoãn và gián đoạn do dịch COVID-19.

Đại diện Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn khẳng định Trung Quốc là một thị trường khách lớn và giàu tiềm năng với nhiều chuyến bay charter đã từng được cất/ hạ cánh tại Vân Đồn. "Chương trình thành công cũng sẽ thúc đẩy du lịch chung của tỉnh Quảng Ninh với thị trường trọng điểm Trung Quốc, kết nối các hãng hàng không, công ty du lịch xây dựng tour tuyến, mở đường bay đến sân bay quốc tế Vân Đồn, tạo điều kiện cho khách du lịch khám phá vẻ đẹp của Quảng Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung"- ông Dũng chia sẻ thêm.

Trung Quốc lần đầu "trình làng" máy bay C919 ra trường quốc tế tại các sự kiện tại Singapore, sau đó là Vân Đồn.

Theo lịch trình, lễ khai mạc triển lãm và trình diễn máy bay Comac sẽ diễn ra sáng ngày 27-2 với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh, các hãng hàng không Trung Quốc, các hãng hàng không Việt Nam, đại diện các công ty du lịch, đại diện Tập đoàn Sun Group tại Quảng Ninh. Đại biểu và khách mời sẽ được tham quan và trải nghiệm bay thử trên các máy bay này. Sau đó, các máy bay sẽ trưng bày tĩnh tại sân bay Vân Đồn, đồng thời có lịch trình di chuyển tới Côn Đảo, Tân Sơn Nhất, Đồng Hới. Kết thúc sự kiện tại Vân Đồn, các máy bay của Comac sẽ bay tiếp đến Đà Nẵng, TP HCM và TP Viêng Chăn (Lào).

Trong khuôn khổ sự kiện, Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh, Ông Cao Tường Huy sẽ tiếp riêng Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba và đại diện Tập đoàn Comac về các nội dung tăng cường hợp tác phát triển đường bay Trung Quốc tới Vân Đồn cũng như việc Tập đoàn Comac nghiên cứu mở văn phòng đại diện tại Quảng Ninh.

Trước đó, từ 5 đến 6-11-2022, tại sân bay Vân Đồn đã diễn ra một triển lãm, trưng bày dòng máy bay tư nhân hiện đại của hãng máy bay sang trọng bậc nhất thế giới Gulfstream và hãng hàng không chung cao cấp Sun Air của Tập đoàn Sun Group.

Một số hình ảnh về sự kiện:

Máy bay

Máy bay C919 hạ cánh lúc 11 giờ 50 tại sân bay quốc tế Vân Đồn, Quảng Ninh

Máy bay

Máy bay C919 được chào đón bằng nghi thức phun vòi rồng khi vừa hạ cánh sân bay Vân Đồn

Máy bay

Máy bay ARJ21-700 hạ cánh lúc 12 giờ 40 tại sân bay quốc tế Vân Đồn

Máy bay

Lãnh đạo Sở Du lịch Quảng Ninh và Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn tiếp đón đoàn lãnh đạo Tập đoàn Comac và phi hành đoàn ngày 26-2

Máy bay

Máy bay C919 từng được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi là động lực thúc đẩy "mô hình phát triển mới" của Trung Quốc cùng với các thành tựu khoa học kỹ thuật khác

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại