Mặt Trời trông như thế nào nếu nhìn từ các hành tinh khác trong Thái Dương Hệ?

ANH VIỆT |

Để trả lời câu hỏi này, Ron Miller, một nhà minh họa người Mỹ đã dùng các phương pháp toán học và tiến bộ của công nghệ, từ đó tạo ra được những bức ảnh kỹ thuật số mô tả hình dạng của Mặt Trời khi quan sát từ các hành tinh khác trong Thái Dương Hệ.

Mặt Trời trông như thế nào nếu nhìn từ Trái Đất? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta chỉ cần bước ra ngoài vào ban ngày, ngước mắt nhìn lên bầu trời và thấy chiếc đĩa khổng lồ phát sáng mọc từ phía Đông. Tuy nhiên, có bao giờ bạn đặt câu hỏi: Mặt Trời sẽ có hình dạng như thế nào nếu nhìn từ các hành tinh khác trong Thái Dương Hệ?

Sao Thủy

Đây là hình dạng của Mặt Trời khi nhìn từ bề mặt của Sao Thủy – hành tinh nằm gần Mặt Trời nhất với khoảng cách 58 triệu km, tương đương 39% khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trời. Chính vì vậy, nếu quan sát từ Sao Thủy, kích thước của Mặt Trời trên bầu trời lớn hơn 3 lần so với lúc chúng ta nhìn từ Trái Đất.

Sao Kim

Sao Kim nằm cách Mặt Trời khoảng 108 triệu km, bằng khoảng 72% khoảng cách từ Trái Đất tới Mặt Trời. Tuy nhiên, bầu khí quyển của hành tinh này cực kỳ dày đặc với những đám mây axit sulfuric khiến bạn khó có thể quan sát được Mặt Trời.

Nhìn từ bên dưới mặt đất, Mặt Trời không khác gì một mảng sáng mờ mờ trong bầu trời u ám. Nếu có thể nhìn thấy, Mặt Trời sẽ lớn hơn khoảng một nửa so với khi xuất hiện trên bầu trời Trái đất.

Sao Hỏa

Sao Hỏa nằm cách Mặt Trời 229 triệu km, xa hơn khoảng 1,5 lần so với khoảng cách giữa Mặt Trời và Trái Đất. Với khoảng cách xa như vậy, Mặt Trời xuất hiện với kích thước khá nhỏ trên bầu trời của Sao Hỏa.

Sao Mộc

Đây là hình ảnh của Mặt Trời khi nhìn từ bề mặt của Europa – một trong những mặt trăng của Sao Mộc. Trong hình, sao Mộc chuẩn bị đi ngang qua phía trước Mặt Trời. Ánh sáng Mặt Trời xuyên qua bầu khí quyển dày đặc của hành tinh, tạo thành vòng màu đỏ bao quanh sao Mộc.

Sao Mộc nằm cách Mặt Trời khoảng 779 triệu km, tức xa hơn 5,2 lần khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trời. Do đó, Mặt Trời nhìn từ vệ tinh Europa nhỏ hơn 5 lần so với trên Trái Đất.

Mặt Trời trông như thế nào nếu nhìn từ các hành tinh khác trong Thái Dương Hệ? - Ảnh 1.

Sao Thổ

Sao Thổ cách Mặt Trời khoảng 1429,1 triệu km, xa hơn Trái Đất tới 9,5 lần. Với khoảng cách xa như vậy, ánh sáng Mặt Trời tại đây mờ hơn 100 lần so với ở Trái Đất.

Những tinh thể nước và khí gas bao gồm amoniac khúc xạ ánh sáng Mặt Trời, tạo thành hiệu ứng quang học đẹp mắt như hào quang và Mặt Trời giả. Mặc dù ánh sáng Mặt Trời mờ hơn nhiều, bạn vẫn không thể nhìn thẳng vào nó mà không đeo thiết bị bảo vệ mắt.

Sao Thiên vương

Sao Thiên vương nằm cách Mặt Trời 2,9 tỷ km, xa hơn 19 lần khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trời. Trong ảnh là hình ảnh Mặt Trời quan sát từ Ariel, một trong những Mặt Trăng của Sao Thiên Vương.

Sao Hải Vương

Mặt Trời quan sát từ Triton, một trong những Mặt Trăng của Sao Hải Vương. Mặt Trời cách sao Hải Vương 4,5 tỷ km, gấp 30 lần khoảng cách từ Trái Đất. Những đám mây bụi và khí sinh ra từ mạch phun nhiệt độ siêu thấp trên Triton khiến Mặt Trời trở nên mờ ảo với kích thước chỉ bằng 1/30 so với khi nhìn từ Trái Đất.

Mặt Trời trông như thế nào nếu nhìn từ các hành tinh khác trong Thái Dương Hệ? - Ảnh 3.

Sao Diêm vương

Mặt Trời nhìn từ Sao Diêm Vương – một trong những tiểu hành tinh nằm cách xa Mặt Trời nhất từng được con người phát hiện.

Ở khoảng cách gần 6 tỷ km, gấp 40 lần khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trời, ánh sáng Mặt Trời trên hành tinh này mờ hơn 1.600 lần so với trên Trái Đất. Tuy nhiên, nó vẫn sáng hơn mọi vật thể trên bầu trời và khó có thể nhìn trực tiếp.

Mặt Trời trông như thế nào nếu nhìn từ các hành tinh khác trong Thái Dương Hệ? - Ảnh 4.

Tham khảo Huffpost

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại