Lập căn cứ
Hiện Hiệp ước Về các nguyên tắc quản lý hoạt động trong việc khám phá và sử dụng không gian bên ngoài, bao gồm cả Mặt trăng và các thiên thể khác năm 1967 (còn được biết đến với tên gọi Hiệp ước ngoài vũ trụ) nghiêm cấm các quốc gia đưa ra yêu sách chủ quyền ở ngoài vũ trụ.
Hiệp ước này không lường trước được sự cần thiết phải đưa ra quy tắc tương tự thành văn bản cho các doanh nghiệp tư nhân và vẫn có thể bị các quốc gia phá vỡ khi lợi ích đủ lớn.
Trong khi đó, theo Tờ Energy Intelligence (Mỹ), hiện đang diễn ra một cuộc chạy đua vào không gian, trong đó có Mặt trăng, với quy mô lớn. Giới chuyên gia cảnh báo, việc thương mại hóa Mặt trăng có thể dẫn đến những cuộc đối đầu giữa các bên tham gia khai thác những nguồn tài nguyên trị giá hàng trăm tỷ USD này.
Dẫn đầu cuộc đua này là Mỹ và Trung Quốc. Cả hai quốc gia đều xem các chương trình Mặt trăng là nền móng đầu tiên theo từng giai đoạn thám hiểm và khai thác tài nguyên, các cơ hội kinh tế và chiến lược có từ Mặt trăng, sao Hỏa và không gian nói chung. Mới đây, Chính phủ Trung Quốc công bố kế hoạch khởi công một căn cứ tại Mặt trăng trong 5 năm tới. Dự kiến, đất Mặt trăng sẽ được sử dụng để sản xuất gạch xây dựng căn cứ này.
Tàu vũ trụ Thường Nga 5 của Trung Quốc đổ bộ Mặt trăng
Theo Hãng tin Bloomberg, trước đó Trung Quốc từng ngụ ý, căn cứ trên Mặt trăng của nước này sẽ sử dụng năng lượng hạt nhân, bao gồm tàu bay theo quỹ đạo, tàu đổ bộ, xe tự hành, ống lớn. Tất cả sẽ được thiết lập qua các sứ mệnh của tàu Thường Nga 6, 7 và 8. Tàu Thường Nga 6 dự kiến được phóng vào năm 2025 để thu thập các mẫu phẩm từ một nửa mặt tối của Mặt trăng.
Vào năm 2026, tàu Thường Nga 7 sẽ thực hiện sứ mệnh tìm nguồn nước trên Mặt trăng. Tàu Thường Nga 8 dự kiến hạ cánh lên Mặt trăng vào năm 2028. Lần gần nhất Trung Quốc thực hiện sứ mệnh thăm dò Mặt trăng là sự kiện phóng tàu Thường Nga 5 năm 2020.
Về phía Mỹ, NASA đang xúc tiến kế hoạch thực hiện chương trình Artemis 2 đưa các phi hành gia trở lại Mặt trăng sớm nhất vào năm 2024. Đây là một phần trong chương trình Artemis nhằm thiết lập căn cứ trên Mặt trăng. Căn cứ này sẽ được người Mỹ sử dụng như một bước đệm cho các chuyến du hành xa hơn trong vũ trụ, gồm cả đưa người lên sao Hỏa. Sau đó, Artemis 3 sẽ đưa phi hành đoàn hạ cánh xuống cực Nam của Mặt trăng.
Kinh phí thực hiện chương trình dự kiến hơn 93 tỷ USD, kéo dài trong 10 năm. Cuối năm 2022, trong sứ mệnh Artemis thuộc chương trình Artemis 1, Mỹ đã phóng thành công tàu vũ trụ Orion bay vào quỹ đạo Mặt trăng thực hiện sứ mệnh thám hiểm hành tinh này. Orion đã phá kỷ lục bay xa nhất từ Trái đất so với bất kỳ tàu vũ trụ nào từng được con người phóng lên Mặt trăng.
Không chỉ các chính phủ, khu vực tư nhân cũng muốn tham gia khi không gian đang trở thành “sân chơi” dành cho nhiều tỷ phú. Chỉ tính riêng đầu năm nay đã có 3 công ty hàng không vũ trụ thương mại gửi tàu vũ trụ lên Mặt trăng để cạnh tranh danh hiệu “công ty thương mại đầu tiên trên thế giới hạ cánh trên Mặt trăng”.
Theo thỏa thuận được ký kết giữa NASA và Công ty Hàng không vũ trụ tư nhân của Mỹ, tàu Peregrine do Astrobotic phát triển sẽ lên đường tới Mặt trăng trong năm nay.
Tăng tốc
Hàn Quốc đang cố gắng bắt kịp cuộc đua vũ trụ toàn cầu sau khi phóng thử nghiệm tên lửa 3 tầng Nuri do nước này sản xuất cách đây khoảng 1 năm. Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch hạ cánh tàu thăm dò không gian trên Mặt trăng vào năm 2032 trong nỗ lực tìm kiếm khoáng sản trên bề mặt của Mặt trăng.
Cục Hạt nhân và Không gian thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin và Truyền thông Hàn Quốc (MSIT) nhấn mạnh, các vật liệu như titan, bạch kim và khoáng sản đất hiếm nằm trong số những mặt hàng mà Hàn Quốc cần phải khai thác độc lập trong các sứ mệnh không gian do tầm quan trọng của chúng đối với tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Hàn Quốc có kế hoạch chi hơn 2.000 tỷ won (1,5 tỷ USD) để chế tạo tên lửa vươn tới Mặt trăng và khoảng 680 tỷ won (510 triệu USD) cho một tàu đổ bộ Mặt trăng.
Các nước như Ấn Độ, Nga, Nhật Bản và một số quốc gia khác dự kiến phóng tàu thăm dò trong năm nay. Ấn Độ dự định phóng tàu Chandrayaan-3 vào tháng 6, cố gắng đưa tàu đổ bộ và xe tự hành đến cực Nam của Mặt trăng. Cơ quan Hàng không vũ trụ Nga có kế hoạch gửi tàu thăm dò Mặt trăng Moon-25 đến cực Nam của Mặt trăng để xác minh công nghệ hạ cánh mềm, khoan các mẫu đất và tìm kiếm băng nước vào tháng 7 năm nay.
Đây là tàu thăm dò Mặt trăng đầu tiên do Nga phóng sau khi Liên Xô ngừng chương trình thám hiểm Mặt trăng vào những năm 1970. Nhật Bản sẽ tiến hành nhiệm vụ thăm dò Mặt trăng đầu tiên của mình với tàu thám hiểm cỡ nhỏ (SLIM) và trình diễn công nghệ hạ cánh chính xác trên Mặt trăng. Tàu sẽ sử dụng hệ thống nhận dạng khuôn mặt để xác định các miệng núi lửa trên Mặt trăng, có độ chính xác định vị cực cao.
Bên cạnh việc thám hiểm Mặt trăng, các tàu vũ trụ mang nhiệm vụ khám phá các chiều không gian khác cũng sẽ được sắp xếp lần lượt phóng trong năm nay. Vào ngày 15-4, Cơ quan Vũ trụ châu Âu phóng thành công tàu vũ trụ Juice, bắt đầu sứ mệnh 8 năm khám phá các Mặt trăng của sao Mộc.
Tàu thăm dò mang theo máy ảnh, máy đo quang phổ, radar xuyên băng, máy đo độ cao, dụng cụ khoa học vô tuyến và các thiết bị khác và sẽ đến sao Mộc vào năm 2029 để nghiên cứu sao Mộc và 3 mặt trăng gồm Europa, Ganymede và Ganymede nhằm tìm kiếm dấu hiệu của sự sống.
Mặt trăng ẩn chứa các khoáng sản như nhôm, titan, sắt, silicon (để làm pin điện quang). Đất Mặt trăng rất giàu oxy (để sản xuất oxy cho các nhà du hành vũ trụ cũng như sản xuất nhiên liệu tên lửa) và hydro...
Giới khoa học ước tính, có hơn 100 triệu tấn helium-3 trên Mặt trăng. Khai thác được nguồn tài nguyên quý hiếm này, con người sẽ có đủ năng lượng để sử dụng hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm.