Kết luận táo bạo trên được đề cập trong bài viết mới công bố trên tạp chí khoa học Astrobiology, tác giả là nhóm các nhà sinh vật học vũ trụ của Đại học Bang Washington (WSU-Mỹ) và Đại học London (Anh).
Công trình sử dụng rất nhiều dữ liệu từ các chuyến du hành mặt trăng do con người và robot thực hiện trong những năm qua.
Mặt trăng - ảnh: NASA
Các nhà khoa học đã tìm ra bằng chứng vững chắc cho thấy từ khi mặt trăng mới hình thành vào 4 tỉ năm trước, nó đã sở hữu nước dạng lỏng và các điều kiện để phát triển sự sống .
Điều này trùng khớp với thuyết hình thành mặt trăng đang phổ biến hiện nay: một thiên thạch bằng kích cỡ Sao Hỏa lao vào trái đất, thay đổi nó mãi mãi và một phần mảnh vỡ đã tách ra thành mặt trăng. Đó cũng là lý do mặt trăng có nhiều thành phần giống với trái đất và rất có khả năng hình thành sự sống tương tự trái đất.
Một thiên thạch đã mang sự sống đến mặt trăng, tương tự cách sự sống được mang đến trái đất? - ảnh: SHUTTERSTOCK
Nhóm nghiên cứu gọi mốc 4 tỉ năm đó là "cửa sổ sự sống" đầu tiên của mặt trăng. Tuy nhiên, chưa rõ vì lý do gì, cuộc sống nguyên sơ đó quá ngắn ngủi.
"Cửa sổ sự sống" thứ hai nằm khoảng 3,5 tỉ năm về trước, gần như song song với lúc sự sống đầu tiên xuất hiện trên trái đất (ước tính 3,5 đến 3,8 năm về trước). Lúc đó, mặt trăng rơi vào giai đoạn hoạt động mạnh của núi lửa, giúp nó có nhiệt độ phù hợp và các vùng nước dạng lỏng, cũng như một bầu khí quyển đủ dày.
Các nhà sinh vật học vũ trụ nghi ngờ rằng dạng sống lần thứ hai này có thể cùng một nguồn gốc với trái đất, cùng được mang đến bởi một thiên thạch như trái đất (hiện giới khoa học đang thiên về lý thuyết sự sống trái đất bắt nguồn từ vũ trụ). Khả năng thứ hai là một thiên thể nào đó đã mang mầm sống từ chính trái đất gieo rắc lên mặt trăng.
Sự sống lần thứ hai có thể rất giống trái đất nhưng không đủ điều kiện để phát triển lên cấp cao như ở trái đất - ảnh: SHUTTERSTOCK
Và cho dù sự sống đã được đem tới mặt trăng theo kịch bản nào trong hai kịch bản trên, sự sống lần thứ hai xuất hiện trên mặt trăng có thể là những vi khuẩn lam tương tự cyanobacteria – loài vi khuẩn hóa thạch cổ xưa nhất được tìm thấy trên trái đất.
Tuy nhiên, thiên nhiên không ưu ái cho mặt trăng. Bầu khí quyển của nó chỉ đủ sức giữ nước ở dạng lỏng vài triệu năm. Các điều kiện tự nhiên thay đổi. Mặt trăng đã phải trải qua ngày tận thế lần thứ hai. Khi con người tìm đến, nó chỉ còn là một mặt trăng cằn cỗi.
Tuy nhiên, gần đây, nước đá đã được tìm thấy trên mặt trăng và dự án căn cứ mặt trăng của con người có lẽ là tương lai không xa.
Mặt trăng ở một góc độ khác - ảnh: NASA
Nhiều nhà khoa học cho rằng mặt trăng được hình thành sau khi một thiên thể bằng Sao Hỏa tấn công trái đất và thay đổi hành tinh của chúng ta mãi mãi - ảnh: GIZMODO
Nhiều đơn vị như NASA đang đặt tầm ngắm vào các miệng núi lửa trên mặt trăng. Các nhà khoa học hy vọng họ có thể khai quật được bằng chứng sự sống một cách rõ ràng – ví dụ như một hóa thạch – trong các chuyến du hành sắp tới.