Nhiều bậc cha mẹ hiện đại đang ngày càng trở nên lỏng lẻo hơn trong việc quản lý con cái, đặc biệt trong việc sử dụng các thiết bị điện tử. Nhiều người đều đồng ý rằng việc nhìn vào màn hình điện thoại hay TV quá sớm và quá lâu sẽ ảnh hưởng không tốt tới trẻ. Tuy nhiên, ít ai chú ý tới một vấn đề khác cũng vô cùng nghiêm trọng. Đó là việc sử dụng quá mức tai nghe chụp tai hoặc tai nghe nhét tai quá sớm. Bởi việc mất thính giác có thể xảy ra chậm và tinh tế, khó theo dõi theo thời gian. Và khi bạn nhận ra đó là một vấn đề, mọi chuyện có thể đã quá muộn.
Xem xét âm lượng và thời lượng
Điều đầu tiên và rõ ràng nhất cần chú ý là xác định xem con bạn có đang sử dụng tai nghe theo cách có thể làm hỏng thính giác của nó vĩnh viễn hay không. Và trọng điểm là âm lượng đang được sử dụng lớn như thế nào. Nói chung, 85 decibel được coi là âm lượng tối đa trong khoảng an toàn, để nghe trong một khoảng thời gian giới hạn. Để so sánh thì mức 85 decibel được mô tả là âm lượng tương đương như giao thông trong thành phố hoặc tiếng hoạt động của máy cắt cỏ chạy bằng khí nén.
Nhưng theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), bất cứ thứ gì trên 70 decibel, như mức độ tiếng ồn của máy giặt hoặc máy rửa chén được nghe trong thời gian kéo dài cũng có thể gây hại. Và ở mức âm lượng tối đa, hầu hết điện thoại thông minh, máy tính bảng và các thiết bị nghe cá nhân khác có thể đạt tới 105-110 decibel, mà CDC cho biết có thể gây mất thính lực trong vòng chưa đầy 5 phút.
Theo quy tắc thông thường, khi âm lượng hoặc thời lượng tăng lên, cái khác (thính lực) sẽ giảm xuống. Và hãy nhớ rằng tiếng ồn được tích lũy, tức là không chỉ là việc trẻ em nghe nhạc ở mức âm lượng lớn như thế nào mà còn là những gì chúng nghe được trong suốt một ngày.
Hãy xem xét loại tai nghe được sử dụng
Không phải tất cả các tai nghe đều được tạo ra với mức âm lượng và độ an toàn cho đủ mọi lứa tuổi. Cách tốt nhất là hãy mua cho con bạn một số loại tai nghe dành cho trẻ em, thường có giới hạn decibel ở mức 85, so với tai nghe thông thường có thể lên tới 110. Mặc dù vậy, chúng cũng không nên sử dụng tai nghe trong một khoảng thời gian dài.
Một tùy chọn khác (đắt tiền hơn) là tai nghe khử tiếng ồn, có khả năng loại bỏ tiếng ồn xung quanh, giúp trẻ dễ dàng nghe những gì chúng cần nghe mà không cần phải tăng âm lượng lên quá cao. Nhưng vì chúng rất tốt trong việc loại bỏ tiếng ồn xung quanh, bạn phải cẩn thận khi sử dụng chúng. Ví dụ, không cho trẻ sử dụng khi đi bộ hoặc đi xe đạp, hoặc ở những nơi cần nghe thấy những điều như mọi người la hét hoặc tiếng còi xe.
Làm sao để biết khi âm lượng tai nghe đang quá cao
Thật khó để đánh giá liệu mức âm lượng là 70 hay 75 decibel, hoặc 85 decibel nguy hiểm hơn. Nếu bạn thực sự muốn chắc chắn rằng con mình đang nghe ở mức âm lượng an toàn, Tiến sĩ Sharon Sandridge, giám đốc dịch vụ lâm sàng về thính học tại Bệnh viện Cleveland, khuyên bạn nên sử dụng một ứng dụng đo mức âm thanh trên smartphone. Tuy nhiên, Sandridge cảnh báo rằng các ứng dụng này không được kiểm định, vì vậy đôi khi chúng cũng không chính xác như mong muốn.
Vì vậy, một cách đơn giản hơn, đó là hãy kiểm tra xem âm lượng tai nghe có quá to hay không bằng cách nói chuyện với con bạn bằng giọng nói bình thường ở khoảng cách một sải tay. Nếu chúng không thể nghe thấy bạn, mức âm lượng đang quá to. Và nếu bạn có thể nghe thấy âm thanh phát ra từ tai nghe của chúng ở khoảng cách đó, chắc chắn nó cũng quá to. Và hãy chắc chắn rằng bạn kiểm tra thường xuyên để đảm bảo mọi thứ thay đổi ngay sau đó chỉ vài giây, khi bạn vừa bỏ đi.
Những dấu hiệu cảnh báo mất thính lực sớm
Tiến sĩ Brian Fligor, một nhà thính học nhi khoa ở Boston, nói rằng bạn có thể nhận thấy trẻ có vấn đề về thính giác nếu con bạn nói "Cái gì?" quá thường xuyên. Ngoài ra, một số triệu chứng phổ biến khác là có tiếng ù, nghẹt trong tai, riêng rung, đập, tai nhạy cảm hoặc đau, ngay cả khi các triệu chứng chỉ là tạm thời cũng cần được để ý.
"Thính giác có thể bị lấy đi khá dễ dàng và không có cách khắc phục nào", bác sĩ Fligor nói..
Fligor cũng nói rằng cha mẹ nên kiểm tra thính giác của con mình ít nhất ba năm một lần để nắm bắt mọi vấn đề.
Tham khảo Lifehacker