Gần 1 tháng nay, hơn 10 hộ dân sinh sống tại ngõ 98/20 đường Tân Triều (Triều Khúc, Thanh Trì, Hà Nội) phải chia ca để chờ nước về. Hầu hết các gia đình phải mua thêm nước đóng chai/bình và hứng cả nước mưa để phục vụ nhu cầu sử dụng.
Chia sẻ với PV VTC News, bà Đinh Thị Ngân (ở số 58, ngõ 98/20 đường Tân Triều, Triều Khúc, Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, gia đình bà có 5 người, gồm 3 người lớn, 2 trẻ nhỏ. Từ ngày ở đây mất nước, cuộc sống của gia đình bà đảo lộn hoàn toàn, từ thời gian làm việc, nề nếp sinh hoạt.
Theo bà Ngân, những ngày đầu mất nước gia đình bà mua nước đóng chai/bình về sinh hoạt. “ Nước về nhỏ giọt, không đủ để sinh hoạt hàng ngày khiến kinh tế gia đình tôi bị ảnh hưởng nặng nề. Việc mua nước bình đã mất khoảng 60 nghìn đồng/ngày, song còn chưa nói đến việc phải mang quần áo đi giặt ở ngoài tiệm, mỗi lần như vậy, tiêu tốn hơn 100 nghìn đồng ”, bà Ngân nói.
Từ ngày mất nước, cuộc sống gia đình bà Ngân đã bị đảo lộn hoàn toàn. (Ảnh: Khổng Chí)
Thời gian mất nước kéo dài nhiều ngày, gia đình bà Ngân đã phải tính toán xoay sở thêm bằng việc chờ đợi mưa để hứng từng chậu nước. Số nước này dùng dự trữ dội nhà vệ sinh. Ngoài ra, cả nhà bà cũng chia nhau đến nhà người quen xin nước về sinh hoạt. “Cuộc sống ở Thủ đô những ngày này không khác gì đang sống trên sa mạc ”, bà Ngân ngán ngẩm.
Những chai, can nước được gia đình bà Ngân đi xin hàng xóm, người thân về tích trữ. (Ảnh: Khổng Chí)
Giống nhà bà Ngân, gia đình chị Nguyễn Thị T. (ở Triều Khúc, Thanh Trì, Hà Nội) cũng mất nước nhiều ngày. Gia đình chị phải luân phiên nhau canh từ 0h-5h đêm mỗi ngày để tranh thủ lượng nước ít ỏi mà vẫn không có nước.
Cho tới cách đây 3 ngày, bể ngầm chứa nước của gia đình chị được bơm nhưng lưu lượng rất ít, đến sáng 9/11 hầu như vẫn không có nước sạch chảy về bể gia đình, dung tích nước trong bể chỉ cao khoảng 30cm.
Chậu hứng nước mưa để dội nhà vệ sinh. (Ảnh: Khổng Chí)
Tình trạng nhà bà Ngân, nhà chị T. không cá biệt ở con ngõ này. Khi PV tìm đến, dọc đường xóm, trong các ngôi nhà, ống dẫn giăng chằng chịt; cách một đoạn trên con ngõ nhỏ, dọc đường ống, lại có một máy tăng áp lắp thêm với hy vọng đẩy thêm một chút nước về các bể chứa gia đình... Tuy nhiên, tất cả chỉ là giải pháp tạm thời, người dân nơi đây vẫn thiếu nước sinh hoạt.
Những máy bơm tăng áp đặt tại con ngõ 98/20 đường Tân Triều nhằm đẩy nước đến từng hộ gia đình. (Ảnh: Khổng Chí)
Liên quan đến việc dân mất nước nhiều ngày, ông Triệu Đình Lương - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Sản xuất Nông nghiệp thôn Triều Khúc cho biết: " Hiện tại, nước sạch sông Đà cung cấp khoảng 6.000 m3/ngày, thậm chí có thời điểm chỉ được hơn 5.000m3/ngày trong khi cam kết cung ứng 8.000 – 8.300m3/ngày. Hơn nữa, áp suất nước rất yếu và số lượng cư dân tăng lên, nhu cầu sử dụng nước tăng lên nên chúng tôi đang nỗ lực bơm thêm nước về cho người dân ".
Theo ông Lương, hiện HTX đang sử dụng 2 máy bơm để bơm tăng cường nước sạch. " Chúng tôi đang điều tiết làm sao cho đường ống có nước, khi có nước mới hút được cho người dân ", ông Lương cho hay.
Ông Lương cho biết, mặc dù HTX đã bổ sung các máy bơm từ đường ống chính Công ty Nước sạch sông Đà nhưng lại bị khống chế là chỉ được bơm 12 tiếng/ngày, chia làm 2 ca, mỗi ca 6 giờ bơm.
Nhiều hộ dân ở ngõ 98/20 đường Tân Triều thức xuyên đêm để bơm nước nhưng nước về rất chậm và chảy yếu. (Ảnh: Khổng Chí)
Ông Cao Hải Tháp – Phó giám đốc Công ty Cổ phần Viwaco (Viwaco là đơn vị quản lý mạng lưới phân phối nước sạch Sông Đà ở khu vực tây nam Hà Nội) cho hay, đơn vị đang bán buôn nước cho Hợp tác xã Dịch vụ Sản xuất Nông nghiệp thôn Triều Khúc với lưu lượng là 6.000m3 – 6.700m3/ngày.
Theo ông Tháp, hiện nay, thực trạng công suất nước yếu diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố, các đơn vị phân phối phải có trách nhiệm luân chuyển nước đảm bảo cho cư dân có nước sạch sinh hoạt.
"Chỉ có một ngõ không đủ nước trong khi các khu vực phân phối nước khác của Hợp tác xã lại không bị thiếu nước sạch, đó là trách nhiệm điều phối nước sạch của Hợp tác xã. Hợp tác xã phải điều tiết sao cho tất cả các khách hàng của mình có nước. Nếu do mạng lưới thì đơn vị bán lẻ nước phải có trách nhiệm nâng cấp, cải tạo hệ thống để vận hành, dẫn nước đảm bảo", ông Tháp cho hay
"Bây giờ, chúng tôi cũng lấy lại nước từ đơn vị Sông Đà, sông Đuống có hạn mức khối lượng, đơn vị bán lẻ phải tự điều tiết, phân bổ, san sẻ sao cho tất cả người dân đều có nước sử dụng, ít hay nhiều nước cũng đều phải có" , ông Tháp thông tin.
Cũng theo ông Tháp, hiện nước đang được đảm bảo lưu lượng như đã cam kết. Để giải quyết vấn đề cho người dân, đơn vị đã phối hợp và nhiều lần làm việc với Hợp tác xã nên hiện nay chỉ còn ngõ 98 Triều Khúc không có nước là không hợp lý. Ông Tháp tiếp tục khẳng định trách nhiệm này là của Hợp tác xã.