Đằng sau hàng rào dây thép gai thuộc một đại lý xe trên tuyến đường phụ dẫn ra sân bay ở một nơi hoang vu mà thậm chí Google Maps cũng chẳng biết đến, một chiếc Bentley Continental Flying Spur trị giá 30.000 USD đang cất lên tiếng mời gọi. Liệu bạn có sẵn sàng đi theo tiếng gọi của bản năng, dấn thân vào chốn hoang vu đó để tìm hiểu xem đằng sau lớp vỏ ngoài kỳ lạ và xuề xòa kia là thế giới xe siêu sang như thế nào không?
Chẳng phải ông chủ với những bộ vest sang trọng, thời thượng hay một anh nhân viên bán hàng diện sơ mi quần âu tông xuyệt tông thường thấy ở những đại lý chính hãng giống như hình ảnh hiện ra trong trí tưởng tượng của nhiều người. Thay vào đó, đối diện với bạn sẽ là cái nhìn soi mói, đầy nghi hoặc cùng những tiếng ngáp ngắn dài của một gã đàn ông ăn mặc như dân hippy của những năm 90 bước ra từ căn nhà xe đầy mùi khói thuốc.
Tất nhiên, mọi câu hỏi, mọi thắc mắc của bạn về việc tại sao một mẫu xe đáng ra có giá không dưới 200.000 USD – một mẫu xe dành cho giới nhà giàu, thượng lưu lắm tiền nhiều của giờ chỉ còn khoảng 1/7 giá trị gốc và bày bán chẳng khác gì một chiếc Camry cũ sẽ bị né tránh một cách triệt để.
Quay lại nhìn kỹ hơn vào chiếc Spur, bạn tự hỏi liệu mắt mình hoa lên hay thật sự đầu xe đang dần chảy ra như que kem dưới ánh nắng mặt trời trong khi người bán vẫn mặc kệ, thờ ơ và hờ hững với những gì xảy ra trước mắt. Cảm thấy có gì đó không ổn, bạn lái xe ra khỏi đại lý nhưng vẫn không quên ngoái đầu nhìn lại chiếc Bentley với vô vàn câu hỏi trong đầu. Chiếc xe này có xuất xứ từ đâu? Giờ số phận nó sẽ như thế nào với mức giá chỉ ngang bằng nhiều dòng xe phổ thông phiên bản mới?
Ô tô mất giá. Độ sang trọng càng tăng, tỉ lệ mất giá càng cao – đây là quy luật nghiệt ngã của làng xe toàn cầu (trừ những mẫu xe thực sự hiếm cả thế giới chỉ có vài ba chiếc). Xe siêu sang tất nhiên là "đỉnh" của kim tự tháp mất giá với bên dưới lần lượt là các dòng xe thấp hơn: xe sang và sau đó là xe phổ thông.
Khác biệt lớn nhất giữa cả 3 là tốc độ mất giá của chúng không đều trong từng thời kỳ. Rolls-Royce, Bentley có thể giữ giá tốt hơn xe sang trong một (hoặc vài) năm đầu sử dụng nhưng sau 7 năm tụt giá thê thảm trong khi 2 dòng xe bên dưới mất giá nhanh nhất trong năm đầu (trung bình 38%) và giảm tối đa tới mức còn khoảng một phần tư với xe phổ thông sau 7 năm.
Keith Martin, chuyên gia đánh giá giá trị sưu tầm của ô tô kiêm biên tập viên của tờ Sports Car Market chia sẻ rằng, xe siêu sang có thể gọi bằng tên gọi khác là "xe thỏa mãn bản ngã chủ nhân trong 1 thời gian rất ngắn". Không ít người mua xe siêu sang phiên bản mới nhất, hiện đại nhất bởi chúng làm hình ảnh bất chợt hào nhoáng tới khó tin, giúp họ hãnh diện sánh vai với cỗ máy có giá không dưới vài trăm ngàn USD mỗi chiếc. Để rồi sau đó khi phiên bản mới hơn, hiện đại hơn ra mắt, bạn phải tiếp tục "lên đời" để thỏa mãn bản ngã, cái tôi của mình hoặc chấp nhận sự thật rằng mình không còn toát ra hình ảnh thành đạt như trước.
"Góp công" thúc đẩy tốc độ mất giá của xe siêu sang là thành công của chính họ trong giai đoạn những năm qua. Kể từ khi người Đức chiếm quyền tiếp quản các thương hiệu xe sang Anh, các dòng sản phẩm của họ đã tăng nhanh về lượng tới mức chóng mặt (Bentley và Rolls-Royce được Volkswagen mua lại vào năm 1998 và sau đó chia tay, Rolls-Royce chuyển sang đầu quân cho BMW từ 2003).
"Trong năm 2003, Bentley chỉ bán được vài trăm xe tại Mỹ", Fadi Elias, chủ Classic Motor chuyên kinh doanh xe cổ và xe sang tại ngoại ô Los Angeles với kinh nghiệm hơn 30 năm trong nghề nhớ lại. Ngay năm sau đó họ bán ra hàng ngàn chiếc và con số này tiếp tục tăng dần lên trong những năm sau (đỉnh 4.000 xe trong năm 2007). Doanh số của Rolls-Royce ít hơn nhưng tăng ổn định chứ không trồi sụt qua từng năm tháng. Chính việc có thêm nhiều xe xuất hiện trên thị trường và các phiên bản mới, thế hệ mới tiếp tục được "bơm" ra đã làm mất giá xe cũ nhanh hơn nhiều.
Phải nói thêm rằng số lượng của chúng không hề nhỏ. Một số phiên bản mới hơn nhưng không có giấy tờ xe, không có bảo hiểm, không gì cả cũng xuất hiện với nguồn gốc và xuất xứ không rõ ràng dù cũng là hàng chính hãng khiến người mua không khỏi tự nhủ đây có phải xe trộm hay không?
Ngoài ra, không ít xe trong số này từng kinh qua không ít tai nạn: túi khí đã bung, xe bị trộm và "luộc" đồ, từng bị cháy hay ngập nước... Số ít còn được ghép từ... 2 xe lại làm một. Martin cho biết có không ít xe dạng này được các công ty bảo hiểm "tuồn" sang cho bên đại lý để tút tát lại và bán ra nhằm vớt vát lại chút tiền ít ỏi.
Cần nói thêm là xe mà bảo hiểm chấp nhận chi trả cho người dùng phải là dạng đã từng chịu thiệt hại khiến mất đi ít nhất 70% giá trị - nghĩa là không khác với khối sắt vụn là bao. Nếu may mắn, quá khứ của chiếc xe hiếm hoi lọt vào mắt xanh của bạn sẽ có trên các trang tổng hợp dữ liệu xe secondhand trên mạng (với ví dụ điển hình là Carfax tại Mỹ, tra cứu qua biển hoặc số khung gầm) để giúp bạn đưa ra quyết định đúng đắn là mua hay bỏ.
Ngay cả như vậy, với cung nhiều hơn cầu và cực kỳ kén người mua, xe siêu sang cũ có giá ngày càng thấp đi qua từng năm tháng. Tại Mỹ, mức giá trung bình của dòng xe này đã giảm tới 40 – 50% chỉ trong 2, 3 năm vừa qua. "Silver Spur 1982, Spur 1985, Shadow 1977, Arnage 2000..., rất, rất nhiều dòng xe siêu sang giờ gần như chẳng còn giá trị", Elias chia sẻ.
Là một người đã có nhiều năm tâm huyết với xe siêu sang và coi chúng là "đồ chơi" từ khi còn bé khi lang thang nghịch ngợm trong xưởng sửa chữa xe Rolls-Royce của gia đình tại Lebanon lúc đó, Elias cảm thấy buồn bởi những cỗ máy từng là kiệt tác vào thời của chúng giờ chẳng khác gì đống sắt vụn. Những cái tên nói trên có giá không chênh Bentley Continental GT (2004) nhiều nhưng với tuổi đời và số lượng nhiều hơn, dòng xe Bentley luôn chiếm ưu thế.
Ngoài việc kén khách hàng, xe siêu sang cũ còn làm chùn lòng những ai muốn sở hữu chúng bởi sâu thẳm trong bản chất, chúng vẫn là những dòng xe có giá 200.000 USD. Giá linh kiện, phụ tùng cũng như tiền công cho thợ sửa chữa chắc chắn không thể thấp hơn các dòng xe phổ thông nếu không muốn nói là cao gấp nhiều lần. Tuổi đời xe càng lâu, những rắc rối gặp phải càng khó giải quyết. Martin nhận định một chiếc xe có giá mua lại 20.000 tới 25.000 USD mỗi lần sửa cũng sẽ tiêu tốn một khoảng tiền tương tự.
Với quá nhiều rủi ro như vậy, ai sẽ là người mua những chiếc xe siêu sang cũ kỹ nói trên? Chia sẻ của một chủ đại lý của New York cho biết dù số người chịu bỏ tiền túi ra rước chúng về không nhiều, họ vẫn có thể đẩy hàng đi bất cứ lúc nào. "Tôi có khách hàng ở mọi nơi. Trong khu vực cũng có, tôi cũng có thể đẩy xe sang New York hay thậm chí sang nước ngoài và vẫn sẽ có người sẵn sàng mua", vị chủ đại lý giấu tên cười nói. Thậm chí, nhiều đại lý còn có người cắt cử tại sân bay để sẵn sàng nhận tiền, giao xe và chuyển xe qua nước khác bất cứ lúc nào.
Số tiền mà người mua phải bỏ ra cho quá trình vận chuyển tưởng chừng sẽ khá cao nhưng thực chất thấp cũng chỉ ngang giá xe và hoàn toàn đáng với số tiền mà họ tiết kiệm được khi mua xe tại Mỹ. Khách hàng châu Âu chỉ mất 1.500 USD mỗi chiếc xe trong khi khách hàng châu Á mất 800 tới 1.000 USD.
Khi từ Mỹ tới nhà mới, số xe nói trên sẽ được tân trang lại một lần nữa và bán ra bởi đại lý địa phương. Xe càng nhiều km trên đồng hồ càng dễ được chọn mua bởi giá rẻ hơn trong khi các kỹ thuật viên chẳng khó khăn gì trong việc sửa con số này về mức thấp, thường là trong khoảng 10 vạn km. Việc đổi "quốc tịch" cũng làm sạch luôn hồ sơ xe: ngập nước, cháy hay bị "luộc" đồ, khách hàng sẽ không bao giờ biết.
Nếu một ngày bắt gặp một chiếc Bentley hay Rolls-Royce nhìn như mới nhưng được bán lại với giá hời, hãy nhờ thợ quen có tay nghề giúp mình kiểm tra lại từng chi tiết, từng ngóc ngách chiếc xe siêu sang. Thêm nữa, nếu ngần ấy những mặt trái của xe siêu sang secondhand cũng không làm bạn nản lòng, hãy chọn dòng xe nào có đời sâu hơn một chút – những chiếc xe Rolls-Royce hay Bentley cổ điển ra mắt vào những năm cuối của thế kỷ trước có chất lượng ban đầu không hề tồi, giá thành rẻ hơn đáng kể (20.000 USD – ngang một mẫu xe... Kia mới) và chắc chắn đủ sức hút để kéo về cho bạn những ánh nhìn ngưỡng mộ.