Mặt hàng 'sở trường' của Việt Nam được người Nga cực kỳ ưa chuộng: 8 tháng đã vượt xa 2022, Việt Nam xuất khẩu đứng thứ 3 thế giới

Như Quỳnh |

Đây là mặt hàng được Nga chi mạnh tay nhất để nhập khẩu từ Việt Nam trong 8 tháng đầu năm.

Mặt hàng sở trường của Việt Nam được người Nga cực kỳ ưa chuộng: 8 tháng đã vượt xa 2022, Việt Nam xuất khẩu đứng thứ 3 thế giới - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong tháng 8 đạt hơn 3,44 tỷ USD, tăng 5,5% so với tháng 7/2023. Tính chung trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng dệt may thu về hơn 22,5 tỷ USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Xét về thị trường, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc là 3 thị trường lớn nhất của hàng dệt may Việt Nam. Đối với Mỹ, trong 8 tháng đầu năm, quốc gia này đã chi xấp xỉ 10 tỷ USD nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 44,4%, đồng thời ghi nhận mức sụt giảm 22,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Xếp thứ 2 là thị trường Nhật Bản với tỷ trọng đạt 11,4% trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam thu về từ quốc gia châu Á này 2,5 tỷ USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2022. Thị trường tỷ USD còn lại của hàng dệt may Việt Nam là Hàn Quốc với hơn 2,08 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm, giảm gần 3% và chiếm 9,24% thị phần.

Đáng chú ý, xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Nga lại ghi nhận sự tăng trưởng vượt trội trong 8 tháng đầu năm. Cụ thể trong tháng 8, xuất khẩu hàng dệt may sang Nga đạt hơn 12,7 triệu USD, giảm 36,8% so với tháng 7 nhưng tăng 1,45% so với tháng 8/2022. Tính chung trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam “bỏ túi” hơn 247 triệu USD nhờ xuất khẩu hàng dệt may sang Nga, tăng mạnh 72,79% so với năm 2022.

Mặt hàng sở trường của Việt Nam được người Nga cực kỳ ưa chuộng: 8 tháng đã vượt xa 2022, Việt Nam xuất khẩu đứng thứ 3 thế giới - Ảnh 2.

Đáng nói, trị giá xuất khẩu hàng dệt may sang Nga trong 8 tháng cũng đã vượt qua cả năm 2022 cộng lại. Trong năm 2022, Nga đã chi hơn 221 triệu USD nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 0,5% trong cơ cấu xuất khẩu hàng dệt may. Kết thúc tháng 8/2023, tỷ trọng của Nga đã tăng gấp đôi lên 1,1% cho thấy mặt hàng này của Việt Nam đang ngày càng chinh phục được người tiêu dùng tại quốc gia này.

Về tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nga, kết thúc tháng 8, trị giá xuất khẩu sang Nga đạt 1,046 tỷ USD, giảm nhẹ 4,19% so với cùng kỳ năm 2022, hàng dệt may cũng là mặt hàng đứng đầu về trị giá trong số các mặt hàng xuất khẩu khi chiếm 24% trong cơ cấu xuất khẩu hàng hóa sang Nga.

Năm 2022, xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 37,5 tỷ USD, đứng thứ 3 về quy mô chỉ đứng sau Trung Quốc và Bangladesh. Tuy nhiên, xét về tốc độ tăng trưởng, Việt Nam xếp thứ sau Bangladesh, với mức tăng 10,5-11%. Tính đến hết tháng 8, hàng dệt may của Việt Nam đã có mặt tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) nhận định, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam cả năm 2023 ước đạt 40 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2022. Dự báo, nhu cầu dệt may thế giới năm 2023 có khả năng giảm 8 - 10%, sẽ tác động mạnh tới hoạt động xuất khẩu dệt may Việt Nam trong năm nay và cả những tháng đầu năm 2024.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại