Thông tin Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Bình Dương ngày 13.7 quyết định hủy bỏ quyền đại diện pháp luật của ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại CTCP cà phê hòa tan Trung Nguyên (thương hiệu G7) và khôi phục lại giá trị pháp lý của Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 7 của công ty này với người đại diện pháp luật là bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã khiến dư luận cho rằng ông Vũ bị bà Thảo “tước quyền”.
G7 có phải là “con gà đẻ trứng vàng”?
Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ từng “khoe”, cà phê hòa tan được xem là một món đặc sản không thể thiếu trong danh mục quà tặng của Việt kiều và bạn bè quốc tế khi đến Việt Nam du lịch.
Tuy vậy, việc tận dụng ưu thế hóa của Trung Nguyên trong suốt thời gian xuất hiện G7 dường như không đáng kể, mức thị phần cũng dậm chân tại chỗ khá lâu.
Theo số liệu của Euromonitor, quy mô thị trường cà phê Việt Nam đạt mức gần 5.000 tỉ đồng vào năm 2014 và gần 5.500 tỉ đồng vào năm 2015.
Thị trường cà phê đã ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể trong năm 2014, tăng 9% về số lượng và 14% về doanh số bán lẻ. Mức tăng này chủ yếu nhờ vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của sản phẩm cà phê hòa tan.
Cũng theo Euromonitor, nhiều năm nay, thị trường này chỉ có Vinacafé và Nescafé “tranh hùng xưng bá” với thị phần nắm giữ năm 2015 lần lượt là 37,5% và 38,3%. Còn G7, từng gây xôn xao với việc dừng cung cấp sản phẩm hồi cuối năm ngoái, 5 năm gần đây đều không chiếm đến 5% thị phần.
Với thị phần như vậy thì G7 hẳn nhiên không phải là “con gà đẻ trứng vàng” của Trung Nguyên. Trước đó, G7 luôn được xem như “đứa con cưng” của vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ trong toàn bộ hệ thống của tập đoàn.
Có thể quá kỳ vọng vào đứa con này nhưng Trung Nguyên đã không thu về những thành quả như mong muốn.
Trung Nguyên có thế mạnh gì?
Hiện các doanh nghiệp cà phê tham gia vào thị trường theo 3 con đường chính gồm: Cà phê rang xay, cà phê hòa tan hoặc cả hai. Xét về khối lượng, năm 2015 sản lượng bán lẻ cà phê rang xay đạt gần 57 nghìn tấn, cao hơn sản lượng cà phê hòa tan khoảng 20 nghìn tấn.
Trên thị trường cà phê hòa tan, như đã nói ở trên, thị phần chia đều cho 2 thương hiệu lớn là Nescafé của Tập đoàn Nestlé SA và Vinacafé của Tập đoàn Masan. Thương hiệu cà phê G7 của Tập đoàn Trung Nguyên mặc dù được nhận biết thương hiệu khá tốt nhưng chỉ chiếm khoảng 5% thị phần.
Trái ngược với cảnh cạnh tranh khốc liệt trên thị trường cà phê hòa tan, thương hiệu Trung Nguyên của Tập đoàn Trung Nguyên không những duy trì vị trí đứng đầu trong mảng cà phê rang xay mà còn gia tăng thị phần từ mức 54% năm 2010 lên 59% năm 2015.
Những tên tuổi khác ôm mộng cạnh tranh với Trung Nguyên như Vinacafé, Highlands, Phúc Long, Bình Minh Coffee… chỉ chiếm thị phần khá nhỏ bé, từ 1-2%.
Như vậy cho đến nay, thế mạnh của Trung Nguyên không nằm ở cà phê hòa tan như nhiều người vẫn tưởng mà thay vào đó là cà phê rang xay. Vậy ai đang nắm giữ thế mạnh của Trung Nguyên?
Ai đang nắm phần trọng yếu của Trung Nguyên?
Tuy bị “tước quyền” ở G7 nhưng trên thực tế, ông Vũ vẫn là đại diện pháp lý, nắm quyền điều hành tại Tập đoàn Trung Nguyên có vốn điều lệ 1.500 tỉ đồng - nơi nắm cổ phần chi phối ở hầu hết công ty thành viên trong hệ thống.
Cụ thể, Trung Nguyên có Nhà máy cà phê Buôn Ma Thuột chuyên về chế biến hạt cà phê, cà phê rang xay vốn điều lệ 500 tỉ đồng và Nhà máy cà phê Sài Gòn tại Mỹ Phước (Bình Dương). Ông Vũ nắm quyền điều hành tại Công ty Trung Nguyên Franchising với vốn điều lệ 100 tỉ đồng.
Trung Nguyên còn mở rộng đầu tư sang lĩnh vực du lịch khi thành lập Công ty Đầu tư Du lịch Đặng Lê với vốn điều lệ 98 tỉ đồng (tập đoàn nắm 70%, ông Vũ và bà Thảo mỗi người 15%). Đây là công ty chuyên hoạt động du lịch với các thương hiệu như: Làng cà phê Trung Nguyên, Resort Coffee Tour Trung Nguyên, Khu du lịch Gia Long,…
Ở lĩnh vực bán lẻ, Trung Nguyên có Công ty Thương mại và Dịch vụ G7 toàn cầu - sở hữu chuỗi bán hàng G7 - ministop và Công ty Thương mại và Dịch vụ G7.
Đặc biệt, ông Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn là đại diện pháp luật và nắm quyền kiểm soát ở Công ty Đầu tư Trung Nguyên có vốn điều lệ 3.160 tỉ đồng, đầu tư vào các công ty thành viên của tập đoàn.
Năm 2015, cũng liên quan đến việc tranh chấp giữa ông Vũ và bà Thảo, vào thời điểm cuối năm, Trung Nguyên thông báo việc tạm dừng cung cấp cà phê hòa tan với lý do bảo trì máy móc. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, dư luận đã có rất nhiều tin đồn xoay quanh cuộc chiến pháp lý giữa ông Vũ và bà Thảo.
Ngay sau đó, phía bà Thảo đã phát đi thông điệp cho biết, chính mình mới là người sáng lập kiêm Tổng giám đốc Công ty Trung Nguyên International Singapore, Tổng Giám đốc cà phê hòa tan Trung Nguyên, đồng thời là đồng sáng lập và đồng sở hữu Tập đoàn cà phê Trung Nguyên.
Theo đó, bà Diệp Thảo là người đưa cà phê Trung Nguyên, thương hiệu G7 ra quốc tế.
Doanh thu và lợi nhuận của Trung Nguyên luôn là một ẩn số. Trung Nguyên cũng đặt ra mục tiêu đạt doanh thu 1 tỉ USD vào năm 2016. Năm 2014, riêng công ty mẹ đã có doanh thu 4.000 tỉ đồng, lợi nhuận 1.300 tỷ. Công ty xuất khẩu các loại cà phê hòa tan, cà phê rang xay, cà phê chồn ra thế giới.
Doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ sinh ngày 10.2.1971, trong một gia đình nông dân nghèo ở Nha Trang (Khánh Hòa). Ông khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng.
Từ một vài cửa hàng nhỏ bán cà phê năm 1996 tại Buôn Ma Thuột, với số vốn bỏ ra chỉ bằng chiếc xe đạp, đến nay Trung Nguyên đã trở thành thương hiệu toàn cầu.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã lọt vào bảng xếp hạng triệu phú do tạp chí Forbes bình chọn vào năm 2014 với tổng tài sản hơn 100 triệu USD. Ngoài kinh doanh, ông Vũ còn tham gia viết sách.